BÁO CÁO NGHIÊN CỨU NỀN CHO DỰ ÁN “WIN – WIN FOR VIETNAM”

Nghiên cứu nền cho Dự án “Win-win for Vietnam” do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) thực hiện dưới sự giám sát và hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức RED Communication và Pro NGO!.

Dự án “Win-win for Vietnam” được triển khai bởi Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED Communication) và Pro NGO! e.V. Dự án do Phái đoàn  Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam đồng tài trợ. Nghiên cứu này được thực hiện từ tháng Hai đến tháng Năm – năm 2021 với sự tham gia có chất lượng của 108 doanh nghiệp, 65 Tổ chức xã hội (TCXH) và một số chuyên gia trong lĩnh vực Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR)/Tạo lập giá trị chia sẻ (CSV) và các Mục tiêu Phát triển bền vững PTBV.

Loader Loading...
EAD Logo Taking too long?

Reload Reload document
| Open Open in new tab

Tải về [1.62 MB]

NHỮNG PHÁT HIỆN CHÍNH

1. Có 64% các doanh nghiệp được hỏi tự nhận thấy mình có hiểu biết tốt về CSR/CSV và trên thực tế có thực hiện các dự án CSR/CSV; có 61% các doanh nghiệp tự nhận thấy họ có kiến thức và thực hiện các sáng kiến có liên quan đến các mục tiêu PTBV. Có 60% các tổ chức xã hội (TCXH) tự nhận thấy có hiểu biết tốt về các mục tiêu PTBV. Có khoảng 40% doanh nghiệp và 30% TCXH có nhận thức tốt về Kế hoạch Hành động Quốc gia về việc thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030.

2. Cả doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đều nhìn nhận các mục tiêu như SDG 8 (Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế), SDG 3 (Sức khỏe và có cuộc sống tốt), SDG 4 (Giáo dục có chất lượng), SDG 13 (Hành động về khí hậu) và SDG 17 (Quan hệ hợp tác vì các Mục tiêu) là các ưu tiên hiện tại; ngoài ra, các tổ chức xã hội cũng tập trung vào SDG 1 (Xóa nghèo), SDG 5 (Bình đẳng giới), SDG 10 (Giảm bất bình đẳng), SDG 11 (Các thành phố và cộng đồng bền vững). Tương tự, với trọng tâm hướng tới PTBV trong 5 năm tới, SDG 3, SDG 4, SDG 8 và SDG 13 giành được sự ưu tiên từ hầu hết các doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội đã đưa thêm SDG 5 và SDG 10 vào trọng tâm hoạt động của mình, trong khi doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn vào các mục tiêu có liên quan đến môi trường như SDG 6 (Nước sạch và vệ sinh) và SDG 7 (Năng lượng sạch và giá cả hợp lý).

3. Có 84% các doanh nghiệp được khảo sát tin rằng mỗi khu vực của Việt Nam đều có các vấn đề xã hội đặc thù cần được nhìn nhận và giải quyết. Xét trên bình diện cả nước, có 3 nhu cầu cấp thiết nhất là (1) Cứu trợ thiên tai, (2) Hạ tầng và (3) Nước sạch và vệ sinh, thứ tự ưu tiên là khác nhau đối với từng khu vực.

Đối với doanh nghiệp, các tỉnh thành được ưu tiên thực hiện các chương trình CSR/CSV thuộc các khu vực nông thôn hoặc miền núi, và hầu hết đều nằm trong danh sách các tỉnh nghèo thuộc Chương trình 30A của Chính phủ. Các khu vực được ưu tiên bao gồm Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực biển đảo phía Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ.

4. Từ góc độ doanh nghiệp, gần 90% các doanh nghiệp được hỏi nhìn nhận giá trị thương hiệu là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ nhất cho các dự án CSR/CSV hướng đến các mục tiêu PTBV, tuy nhiên, một số yếu tố thúc đẩy bên ngoài như yêu cầu của khách hàng và nhà cung ứng ngày càng trở nên quan trọng hơn. Các giá trị quan trọng nhất mà thực hành CSR/CSV đem lại cho doanh nghiệp bao gồm: (1) Tăng cường sự gắn kết với cộng đồng và các tổ chức xã hội; (2) Tăng giá trị thương hiệu; và (3) Cải thiện việc giữ chân người lao động và mức độ hài lòng của họ tại doanh nghiệp.

5. Việc quản lý và thực hiện các hoạt động CSR đang được chuyển đổi dần theo hướng thực hiện các mục tiêu PTBV. Cứ 10 doanh nghiệp thì có tới 7 doanh nghiệp đã chính thức lồng ghép nội dung về bền vững và các tác động môi trường – xã hội vào chiến lược phát triển kinh doanh của mình. Ngoài ra, hoạt động CSR/CSV cũng dần được thực hiện chuyên nghiệp hơn và trở thành trách nhiệm của bộ phận quản lý cấp cao tại doanh nghiệp. Theo hướng này, CSR/CSV sẽ được quản lý hiệu quả hơn và gắn kết hơn với toàn bộ chiến lược doanh nghiệp để vận hành có trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp được khảo sát cũng nhận thấy khó khăn trong việc đánh giá các tác động xã hội và giá trị mà các thực hành CSR/CSV của họ mang lại, và nhiều doanh nghiệp trong số này chưa thực sự sẵn sàng thực hiện các Báo cáo bền vững (Sustainability Reporting) hoặc Báo cáo phi tài chính về các nội dung liên quan Môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG).

6. Có 72% các doanh nghiệp được khảo sát đã có ngân sách cho các hoạt động CSR/CSV hoặc đã sẵn sàng phân bổ ngân sách và dự toán ngân sách cho các hoạt động CSR/CSV. Các doanh nghiệp am hiểu về CSR/CSV có khả năng dự toán ngân sách cao gấp 5.52 lần so với các doanh nghiệp không am hiểu rõ về CSR/CSV. Trong kế hoạch cho giai đoạn 2021 – 2025, hơn 50% các doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng ngân sách cho việc thực hiện CSR/CSV, và đa số các doanh nghiệp được khảo sát cho biết rằng sự xáo trộn bởi COVID 19 không có tác động hoặc thậm chí còn làm tăng các hoạt động CSR/CSV.

7. Đa số các doanh nghiệp được khảo sát công nhận vai trò của các tổ chức xã hội trong việc đạt được các mục tiêu PTBV, bên cạnh nhà nước và khối tư nhân. Tương tự, gần như tất cả các tổ chức xã hội được hỏi đánh giá cao vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc nhìn nhận và giải quyết các vấn đề có liên quan đến các mục tiêu PTBV. Có 84% các doanh nghiệp được hỏi có dự định và sẵn sàng hợp tác với các tổ chức xã hội để thực hiện các hoạt động CSR/CSV, trong đó một nửa số doanh nghiệp đã có kinh nghiệm làm việc nhất định với các TCXH. Có  97% các tổ chức xã hội bày tỏ quyết tâm cao độ và sự quan tâm hợp tác với doanh nghiệp nhằm thực hiện các mục tiêu PTBV. Các mục tiêu SDG 4, SDG 3, SDG 1, SDG 8, SDG 5 và SDG 13 được hầu hết các TCXH ưu tiên khi tìm kiếm đối tác từ phía doanh nghiệp, trong khi đó 5 SDG hàng đầu được ưu tiên bởi doanh nghiệp khi hợp tác với các TCXH là các tiêu chí SDG 4, SDG 3, SDG 14 (Cuộc sống dưới nước), SDG 8 và SDG 6.

Ở cả hai khối doanh nghiệp (55%) và tổ chức xã hội (65%), các bên được hỏi đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia Dự án “Win-win for Vietnam” trong giai đoạn 2021 – 2024. 

8. Cả doanh nghiệp và tổ chức xã hội đều nhìn nhận các nhân tố liên quan đến việc thực hiện các hoạt động về PTBV là thế mạnh/lợi thế của mình nhiều hơn là thách thức. Các lợi thế chính bao gồm hiệu quả truyền thông, trách nhiệm giải trình và sự minh bạch được cải thiện, ý thức và sự tham gia của người lao động trong các hoạt động CSR được cải thiện, sự công nhận của nhà nước cũng như mạng lưới đối tác được mở rộng, v…v… Các thách thức chính có liên quan đến thủ tục hành chính, hiệu quả vận hành và chi phí, tính bền vững và các quy định miễn thuế, hoàn thuế.

Một khi các doanh nghiệp và tổ chức xã hội cùng nhau tham gia, theo kinh nghiệm của doanh nghiệp, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trở thành nhân tố quyết định hàng đầu để duy trì mối quan hệ, tiếp đến là chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI), tính chuyên nghiệp và năng lực truyền thông. Các tác nhân này cũng là lý do dẫn đến việc doanh nghiệp cắt giảm mối quan hệ đối tác với các tổ chức xã hội. Các doanh nghiệp cho biết rằng, mặc dù giá trị thương hiệu là động lực hàng đầu thúc đẩy việc thực hiện CSR/CSV, nhưng họ mong muốn có được và duy trì mối quan hệ với các tổ chức xã hội trong các hoạt động CSR/CSV không phải với vai trò là các bên truyền thông mà phải là các đối tác đáng tin cậy cùng nhau đem lại các tác động xã hội.

9. Các rào cản chính làm cản trở mối quan hệ đối tác giữa các tổ chức xã hội và doanh nghiệp: từ góc độ doanh nghiệp, các rào cản này bao gồm: (1) thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình, (2) năng lực yếu kém/không đủ, bao gồm cả năng lực truyền thông, và (3) các doanh nghiệp không tiếp cận được với các tổ chức xã hội có đủ khả năng và điều kiện; trong khi các tổ chức xã hội cho rằng các rào cản chính bao gồm: (1) không cùng cách tiếp cận; (2) doanh nghiệp và/hoặc khối phi lợi nhuận chưa nhận thức đủ về các mục tiêu PTBV; (3) doanh nghiệp “tập trung quá mức” vào mục đích truyền thông/marketing.

10. Trên 70% các bên được hỏi từ cả doanh nghiệp và các tổ chức xã hội tin rằng các hoạt động có liên quan đến phát triển mạng lưới (như các sự kiện networking, hội thảo chia sẻ, v…v…) là rất quan trọng để tăng cường quan hệ đối tác giữa hai bên.

Ngoài ra, để cải thiện các thực hành CSR/CSV/PTBV, trên 70% các doanh nghiệp được hỏi nhấn mạnh tầm quan trọng cốt lõi của các hoạt động truyền thông để giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức về lĩnh vực này; trên 60% các doanh nghiệp nhấn mạnh đề xuất các hoạt động xây dựng năng lực cho doanh nghiệp (như đào tạo, tư vấn, các sự kiện chia sẻ thông tin, kiểm toán và cấp giấy chứng nhận, v…v…), và xây dựng mạng lưới về CSR/CSV/PTBV.

Bên cạnh đó, gần 75% các tổ chức xã hội mong muốn cải thiện việc xây dựng quan hệ đối tác với doanh nghiệp để thiết lập mối quan hệ đối tác hiệu quả hơn; khoảng 60% các tổ chức được hỏi bày tỏ về sự cần thiết của việc nâng cao năng lực gây quỹ từ doanh nghiệp, truyền thông chiến lược và các chiến lược xây dựng tổ chức; khoảng 40% các tổ chức cần được xây dựng năng lực nhiều hơn về các mục tiêu PTBV và quản lý dự án.

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.