BÁO CÁO KẾT QUẢ THĂM DÒ Ý KIẾN TRẺ EM VỀ DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (SỬA ĐỔI)

Bạo lực gia đình (BLGĐ) là vấn nạn chung của toàn xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Để phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), đặc biệt là bạo lực đối với trẻ em trong gia đình, trong thời gian qua, các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, quyền trẻ em (QTE) đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục, truyền thông, vận động chính sách để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thúc đẩy việc ban hành mới và thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về PCBLGĐ, bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các nhóm yếu thế khác trong xã hội.

Cuộc thăm dò ý kiến trẻ em về dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) lần này là một trong những nỗ lực của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và các thành viên của Mạng lưới Quản trị quyền trẻ em (CRG) góp phần vào việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCBLGĐ. Đồng thời, việc tổ chức thăm dò ý kiến trẻ em về một dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan mật thiết tới trẻ em như Luật PCBLGĐ (sửa đổi) này cũng là để góp phần thúc đẩy thực thi quyền tham gia của trẻ em – một nhóm quyền quan trọng được quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em năm 1989 và Luật Trẻ em năm 2016 (tại các Điều 34, 74, 78).

Để có được các thông tin quý giá, chân thực và sống động từ góc nhìn của trẻ em sẽ nêu trong báo cáo này, MSD đã nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của tổ chức Save The Children, sự cộng tác, hỗ trợ của các thành viên Mạng lưới quản trị quyền trẻ em (CRG), Nhóm Công tác về quyền trẻ em (CRWG), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, Văn phòng Làng Trẻ em SOS Việt Nam, Trung tâm Công tác xã hội Thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Bảo trợ xã hội Thành phố Đà Nẵng, Làng Hi vọng Thành phố Đà Nẵng và nhiều tổ chức, cá nhân đang công tác trong lĩnh vực trẻ em. Đặc biệt, chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia của gần 5.400 trẻ em trong độ tuổi từ 12-16 tuổi cũng như sự kết nối, động viên, tạo điều kiện của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và cán bộ công tác Đoàn, Đội ở các tỉnh/thành phố có trẻ em tham gia.

MSD trân trọng bày tỏ sự tri ân và lời cảm ơn chân thành tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đặc biệt là các trẻ em đã tham gia cuộc thăm dò ý kiến này.

MSD cũng rất mong các ý kiến của gần 5.400 trẻ em về dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) được ghi nhận và tổng hợp trong báo cáo này sẽ được cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Luật (Vụ Gia đình – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng như các thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật đón nhận và cân nhắc, tiếp thu để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid, việc thu thập dữ liệu cho báo cáo được thực hiện trong một thời gian ngắn và chủ yếu bằng hình thức trực tuyến, do vậy không tránh khỏi những thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được thêm các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, các cá nhân quan tâm, đặc biệt là các trẻ em đã tham gia cuộc thăm dò ý kiến này để báo cáo được hoàn thiện hơn.

Loader Loading...
EAD Logo Taking too long?

Reload Reload document
| Open Open in new tab

Tải về [4.04 MB]

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.