Tuyển dụng

TUYỂN DỤNG TƯ VẤN TƯ LIỆU HOÁ QUÁ TRÌNH THAM GIA CỦA THANH NIÊN VÀO VIỆC ĐÓNG GÓP XÂY DỰNG VÀ GIÁM SÁT CÁC CHƯƠNG TRÌNH CHÍNH SÁCH


1/ Bối Cảnh 

Thanh niên là một lực lượng quan trọng đối với tiến trình phát triển mỗi quốc gia. Việc thu hút sự tham gia của thanh niên vào tiến trình xây dựng chính sách sẽ giúp cho các chính sách trở lên thiết thực hơn. Bên cạnh đó, việc thanh niên tham gia vào tiến trình xây dựng chính sách cũng góp phần thể hiện tiếng nói và trách nhiệm của họ đối với đất nước.

Khoản 1, Điều 28, Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thuộc Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành năm 2013 quy định: Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.

Khoản 1, Điều 4, Chương I Những quy định chung của Luật thanh niên ban hành năm 2020 quy định: Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, Khoản 3, Điều 13, Chương II Trách nhiệm của thanh niên của Luật này cũng ghi rõ thanh niên chủ động đề xuất ý tưởng, sáng kiến trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

Hiện nay tỷ lệ thanh niên biết đến các chương trình, chính sách của Nhà nước còn thấp. Thậm chí với các chính sách liên quan trực tiếp tới thanh niên, tỷ lệ thanh niên biết đến các văn bản này cũng chỉ dừng ở mức trung bình. Theo Báo cáo từ Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Mình năm 2016, 47,7% thanh niên biết đến Chính sách hỗ trợ thanh niên học nghề và việc làm giai đoạn 2008-2015, 44,5% thanh niên biết đến Chính sách phát triển thanh niên Việt Nam.

Trong năm 2021, để tiếp cận thực trạng Thanh niên tham gia đóng góp xây dựng chính sách, đặc biệt là chính sách liên quan đến Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, Kế hoạch chiến lược về Bình đẳng giới, và các chính sách khác liên quan tới thanh niên, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam (PIV) đã tiến hành khảo sát về thực trạng Thanh niên tham gia đóng góp xây dựng chính sách.

Hiện nay, để tư liệu hoá quá trình tham gia của thanh, thiếu niên vào việc xây dựng và giám sát các chương trình chính sách nhằm tổng kết lại mô hình/bài học kinh nghiệm trong nỗ lực của dự án trong những năm qua làm cơ sở để các bên liên quan sử dụng tiếp tục nhân rộng trong tương lai, MSD dự kiến tuyển tư vấn tiến thành tổng hợp, nghiêm cứu và xây dựng tài liệu này.

2/ Thông tin hoạt động 

Mục đích

  • Cung cấp kinh nghiệm và thực hành thân thiện cho các tổ chức xã hội, cũng như các cơ quan Nhà nước có thể tham khảo để thúc đẩy sự tham gia thực chất của thanh thiếu niên vào các hoạt động xây dựng chính sách trong và ngoài nước về hiện trạng tham gia của thanh thiếu niên Việt Nam vào xây dựng chính sách;
  • Căn cứ để MSD và PIV phát triển các chương trình nâng cao năng lực cho thanh thiếu niên trong tham gia đóng góp xây dựng chính sách.

Mục tiêu

  • Tìm hiểu các thực hành, hoạt động và các mô hình thúc đẩy sự tham gia của thanh thiếu niên vào việc xây dựng và giám sát các chương trình chính sách liên quan của dự án Thành phố an toàn thân thiện với em gái và một số dự án có liên quan khác của Plan International và Viện MSD;
  • Đánh giá và phân tích một số mô hình và các điều kiện thuận lợi và thách thức thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong đóng góp xây dựng chính sách;
  • Mô hình hoá thành các bước và/hoặc quy trình triển khai các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của thanh thiếu niên một cách thực chất và hiệu quả;

Yêu cầu sản phẩm đầu ra

–     Một tài liệu/cẩm nang mô tả cụ thể quy trình thúc đẩy sự tham gia của thanh thiếu niên vào quá trình xây dựng và giám sát các chương trình, chính sách liên quan; (có bao gồm phụ lục và/hoặc các hộp (box) mô tả các ví dụ cụ thể).

Đối tượng tham gia

–     Nhóm đối tượng đích: Thanh thiếu niên là người hưởng lợi của dự án Thành phố an toàn, thân thiện với em gái tại Hà Nội (và có thể nhóm thanh thiếu niên hưởng lợi trong các dự án khác).

–     Độ tuổi: từ 13 đến 24 tuổi.

–     Cán bộ cơ quan nhà nước các cấp (Vụ Bình đẳng giới, Cục trẻ em, TW Đoàn Thành đoàn Hà Nội, UBND huyện Đông Anh, UBND cấp xã của huyện Đông Anh, Đoàn thanh niên cấp xã của huyện Đông Anh)

Phương pháp

–     Tìm hiểu và phân tích các tài liệu sẵn có của các Dự án liên quan (do MSD và Plan cung cấp).

–     Phỏng vấn và/hoặc thảo luận nhóm tập trung với thanh thiếu niên (khoảng 10-20 bạn) và khoảng 05 người là cán bộ nhà nước đại diện cho các cơ quan ban ngành.

3/ Kế hoạch thực hiện dự kiến

Hoạt động Sản phẩm mong đợi Thời gian làm việc
Xây dựng kế hoạch và nghiên cứu tài liệu sẵn có – Dự thảo khung tài liệu/cẩm nang 03 ngày
Phỏng vấn các bên liên quan (thanh thiếu niên, đối tác nhà nước, cán bộ dự án liên quan) – Thông tin và dữ liệu xây dựng tài liệu cũng như các trường học/ví dụ

 

3 ngày
Viết/xây dựng cuốn tài liệu – Dự thảo tài liệu/cẩm nang 3.5 ngày
Hoàn thiện tài liệu sau góp ý Tài liệu hoàn chỉnh 1.5 ngày
Tổng số ngày công tư vấn 14   ngày

 

4/ Yêu cầu và trách nhiệm của tư vấn

Tiêu chí lựa chọn tư vấn:

  • Có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm về nghiên cứu và xây dựng công cụ nghiên cứu, khảo sát trong lĩnh vực chính sách, luật pháp
  • Am hiểu về quyền trẻ em và thanh niên, đặc biệt là nhóm quyền tham gia;
  • Có bằng thạc sỹ và 6-10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chính sách công, quyền trẻ em, bình đẳng giới, công tác xã hội hoặc các ngành khoa học có liên quan hoặc có bằng tiến sỹ với 4-8 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nêu trên;
  • Có kinh nghiệm làm việc về và giảng dạy về vận động chính sách;
  • Có kinh nghiệm làm việc với trẻ em và kỹ năng tập huấn cho trẻ em, thanh, thiếu niên;
  • Có kinh nghiệm làm việc với các tổ chức xã hội và với chính quyền cơ sở là một lợi thế;
  • Sáng tạo, cẩn thận trong công việc;

Trách nhiệm của tư vấn:

  • Chuẩn bị chương trình, nội dung, kế hoạch triển khai đạt các mục tiêu và kết quả mong đợi nêu trên;
  • Tiến hành nghiên cứu và tổng hợp thông tin, xây dựng cuốn tài liệu/cẩm nang mô tả quy trình thúc đẩy sự tham gia của thanh thiếu niên vào xây dựng và giám sát các chương trình chính sách liên quan

5/ Quản lý:

Tư vấn sẽ làm việc trực tiếp với Quản lý dự án; hợp tác chặt chẽ với đội ngũ cán bộ dự án và các thành viên có trách nhiệm khác của Ban quản lý dự án và có trách nhiệm báo cáo kết quả với Ban quản lý dự án.

Ứng viên quan tâm xin gửi hồ sơ về địa chỉ email: pro.director@msdvietnam.org trước ngày 10/7/2023.

Hồ sơ gồm: CV/hồ sơ năng lực, đề xuất kế hoạch triển khai chi tiết và đề xuất cụ thể mức phí tư vấn (theo ngày).

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.