Tuyển đơn vị tư vấn quay và dựng khóa học trực tuyến
về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
I. BỐI CẢNH:
Trong thời đại số ngày nay, sử dụng internet đã trở thành hoạt động bình thường trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi người. Trẻ em cũng trở thành những “công dân số” từ rất sớm. Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), năm 2019, trên thế giới có hơn 2,2 tỷ người dưới 18 tuổi đã truy cập internet hằng ngày, cứ 3 người truy cập internet thì có 1 trẻ em. Việt Nam hiện có khoảng hơn 60 triệu người sử dụng internet với 58 triệu người sử dụng mạng xã hội, trong đó có khoảng 30% người sử dụng là trẻ em.
Môi trường mạng Internet luôn hấp dẫn, chứa đựng kho tàng tri thức và nhiều tiện ích. Tuy nhiên, khi tiếp xúc trên môi trường mạng, nếu không được trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn thì trẻ em sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực. Bất kỳ một trẻ em nào truy cập internet đều phải đối diện với nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt trên mạng (cyberbullying), dụ dỗ qua mạng (grooming), lừa đảo qua mạng, tiếp cận với các thông tin sai lệch, thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng. Theo kết quả khảo sát Tiếng nói trẻ em Việt Nam (Young Voice) do MSD phối hợp với Save the Children thực hiện vào cuối năm 2019, có đến 96,9% trẻ em tại Việt Nam có sử dụng mạng Internet. Cứ 3 trẻ em thì có 2 trẻ có thiết bị kết nối Internet (điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng,…). Trẻ em sử dụng Internet cho nhiều mục đích khác nhau như học hành/ nghiên cứu (83,1%), xem phim/ca nhạc (71,5%), xem các chương trình giải trí/ đọc tin tức (70,9%), giao lưu, kết nối bạn bè (71,2%) và chơi trò chơi điện tử/ trực tuyến (58,7%). Cứ 5 trẻ em thì có 3 trẻ cảm thấy an toàn khi sử dụng Internet. 60% trẻ em tự học về kiến thức an toàn khi sử dụng Internet, 56% trẻ em được cha mẹ, người thân trong gia đình hướng dẫn và 53% trẻ em được thầy cô giáo dạy về an toàn Internet. 1 trong 3 vấn đề ưu tiên mà trẻ em muốn Việt Nam hành động nhiều hơn để giải quyết là “bắt nạt qua mạng”.
Việt Nam đã có Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An toàn thông tin năm 2018, Luật An ninh mạng 2018… với nhiều quy định về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021. Để triển khai Chương trình này, ngày 30/7/2021 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký Quyết định số 1123/QĐ-BTTTT ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 830/QĐ-TTg. Một trong năm mục tiêu của Kế hoạch này là: “Tăng cường thông tin, tuyên truyền đến toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cha mẹ, giáo viên, người nuôi dưỡng trẻ về hiện trạng, các nguy cơ đối với trẻ em trên môi trường mạng và các kiến thức, định hướng trẻ em tương tác lành mạnh, an toàn trên môi trường mạng”.
Với tư cách là tổ chức thành viên của Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, để góp phần triển khai Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025 và tạo nền tảng, động lực cho các bên liên quan khác trong việc triển khai chương trình này, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) đã phối hợp với Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng tài liệu tập huấn TOT về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và tập huấn trực tuyến 03 khóa cho 03 đối tượng: cán bộ xã hội, giáo viên, phụ huynh (qua nền tảng Zoom). Để tạo điều kiện cho nhiều người được tiếp cận với nội dung khóa học hơn, MSD dự kiến sản xuất thêm 01 khóa học trực tuyến để đăng tải lên các kênh thông tin chính thức của MSD (website, fanpage).
Mục tiêu của TOR này là để tuyển 1 đơn vị sản xuất khóa học trực tuyến có năng lực tốt để thực hiện các nội dung công việc cụ thể dưới đây:
II. THÔNG TIN CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG:
1. Mục tiêu:
Sản xuất 01 khóa học trực tuyến cung cấp kiến thức và hướng dẫn kỹ năng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho các cán bộ xã hội, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên.
2. Phạm vi công việc của đơn vị tư vấn:
Thực hiện quay và dựng một khoá học trực tuyến về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với các yêu cầu như sau:
– Thực hiện ghi hình giảng viên dạy trực tiếp tại trường quay trong 1,5 ngày;
– Biên tập, chỉnh sửa hình ảnh (bao gồm slides và hoặc infographic), âm thanh và hiệu ứng sau khi ghi hình, thêm các phần câu hỏi tương tác phụ trợ và video tư liệu cho 05 – 06 bài giảng điện tử với mỗi bài dự kiến 35 – 40 phút (tổng thời lượng tương đương 240 phút);
– Hỗ trợ đăng tải trên các trang điện tử của MSD.
3. Thời gian thực hiện:
Công việc dự kiến được triển khai trong 2 tuần: tuần 4 tháng 10 và tuần 01 tháng 11.
4. Sản phẩm đầu ra:
– 01 kế hoạch quay và dựng phim chi tiết thống nhất với tư vấn và được MSD phê duyệt;
– 01 khoá học trực tuyến được quay, dàn dựng và đăng tải lên website: msdvietnam.org.
III. TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐƠN VỊ TƯ VẤN QUAY, DỰNG KHÓA HỌC:
– Đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm quay và dựng video;
– Có đủ điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị để đáp ứng việc quay và dựng video;
– Có ít nhất 03 năm kinh nghiệm xây dựng khoá học trực tuyến;
– Chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng công việc và tiến độ cam kết;
– Có kinh nghiệm cộng tác với các tổ chức xã hội là một lợi thế.
IV. PHÍ TƯ VẤN VÀ HÌNH THỨC THANH TOÁN:
– Phí tư vấn: theo thỏa thuận.
– Việc thanh toán sẽ được thực hiện bằng phương thức chuyển khoản sau theo các đợt hoàn thành công việc trên cơ sở thỏa thuận ở bước đàm phán hợp đồng.
V. ỨNG TUYỂN VÀ LIÊN HỆ:
– Đơn vị tư vấn gửi hồ sơ ứng tuyển tới địa chỉ email vf.manager@msdvietnam.org
– Hạn cuối cùng để nộp hồ sơ: Ngày 15/10/2021. (MSD khuyến khích các đơn vị tư vấn nộp hồ sơ sớm hơn. Việc xét chọn tư vấn sẽ được tiến hành ngay khi MSD nhận đủ 03 báo giá).
– Hồ sơ gồm: Bản giới thiệu ngắn gọn về đơn vị; một số sản phẩm (khóa học trực tuyến) mà đơn vị đã thực hiện; đề xuất chi phí quay và dựng khóa học (đã bao gồm VAT).
– Liên hệ: Bà Nguyễn Hải Anh – Quản lý dự án SIDA-CSO.
Email vf.manager@msdvietnam.org, ĐT: (024) 62769056.