MSD và báo chí

TTBC: Trò chuyện trực tuyến Thế hệ mới – Nói không với quấy rối

THÔNG TIN BÁO CHÍ

TRÒ CHUYỆN TRỰC TUYẾN

“THẾ HỆ MỚI: NÓI KHÔNG VỚI QUẤY RỐI”

Hà Nội, 17.10.2021, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Plan International Vietnam thực hiện buổi trò chuyện trực tuyến với chủ đề “Thế hệ mới: Nói không với quấy rối”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái” do Tổ chức Plan International Việt Nam tài trợ, đồng thời cũng nhằm hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái 11.10, ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10 và hướng tới Tháng Hành động quốc gia vì Bình đẳng giới.

Không đề cập quá nhiều hay đi sâu vào những vấn đề mang tính chuyên môn, những lý thuyết, buổi trò chuyện với sự tham gia của những người trẻ thế hệ Gen Y, Gen Z đã chia sẻ những câu chuyện, những trải nghiệm thực tế về vấn đề quấy rối phụ nữ, trẻ em gái ở nơi công cộng và trên môi trường mạng dưới góc nhìn của người trẻ, từ đó cùng nhau đưa ra những gợi ý, sáng kiến góp phần vào việc giảm thiểu, chấm dứt hành vi quấy rối phụ nữ và em gái, tạo nên cộng đồng an toàn không chỉ cho phụ nữ, trẻ em gái mà còn cho tất cả mọi người.

Buổi trò chuyện có sự tham gia của anh Trung Anh và Việt Anh – nhóm Youtuber 1977 Vlog; bạn Nguyễn Trọng Tiến – đại diện Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi (CLB COC) trường Đại học Giao thông vận tải; bạn Nguyễn Ngọcc Nhi – đại diện Câu lạc bộ COC trường THPT Vân Nội – Đông Anh và dẫn dắt bởi chị Chu Thu Hà – Quản lý truyền thông Viện MSD. Chương trình được phát sóng trực tiếp lúc 10 giờ ngày 17.10.2021 trên Fanpage MSD Vietnam, Plan International Vietnam và Plan – Vân Nội Highschool.

Im lặng trước các hành vi quấy rối, liệu có là “vàng”?

Theo khảo sát nhỏ gần đây của CLB COC trường Đại học giao thông vận tải với 100 thanh thiếu niên, 75% những người được hỏi đã từng bị quấy rối, xâm hại, trong đó có đến 58.3% thủ phạm là những người đàn ông xa lạ và có đến có đến 23.7% người được hỏi im lặng khi bị quấy rối hoặc chứng kiến các hành vi quấy rối.

Lý giải cho sự im lặng của nạn nhân và cộng đồng, anh Việt Anh chia sẻ góc nhìn cá nhân: “Theo mình, đa phần sự im lặng đến từ cảm giác yếu thế. Nạn nhân bị quấy rối cảm thấy họ không có khả năng phản kháng hoặc có lên tiếng cũng không giải quyết được vấn đề nên họ im lặng. Những người chứng kiến xung quanh có thể cũng lo sợ việc lên tiếng sẽ ảnh hưởng đến bản thân mình hay gặp những hệ quả tiêu cực, điều này cũng xảy ra phổ biến. Tuy nhiên, mình mong các bạn hiểu và tin rằng: Chúng ta chỉ yếu thế khi chúng ta im lặng, còn nếu chúng ta lên tiếng tố giác, chính kẻ quấy rối, xâm hại mới là người yếu thế.

(Anh Nguyễn Việt Anh – 1977Vlog – bên phải)

Bạn Nguyễn Ngọc Nhi cũng chia sẻ câu chuyện của bản thân và đưa ra gợi ý cho các bạn nữ: “Cá nhân em cũng từng chứng kiến những trường hợp, câu chuyện những bạn nữ xung quanh em bị quấy rối, đặc biệt là trên phương tiện công cộng như xe bus. Sự im lặng của các bạn vô tình sẽ khiến cho những hành động này tiếp diễn. Nếu không may là nạn nhân, các bạn có thể lên tiếng bằng cách yêu cầu thủ phạm dừng ngay hành động này, chủ động đứng ra thủ phạm, hoặc lên tiếng nhờ lái xe, phụ xe, những người xung quanh giúp đỡ. Sẽ luôn có người giúp đỡ các bạn.

(Bạn Nguyễn Ngọc Nhi – Đại diện CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi Trường THPT Vân Nội)

Bàn về ranh giới giữa những lời tán thưởng, khen ngợi và trêu ghẹo, quấy rối, bạn Nguyễn Trọng Tiến cho biết: “Thực ra ranh giới này rất mong manh, nhưng hoàn toàn có thể nhận biết được, thể hiện qua ánh mắt, lời nói và cử chỉ. Đó sẽ là lời khen ngợi nó nếu đi kèm với những cử chỉ, ánh mắt thân thiện, nhưng nếu ánh mắt nhìn chằm chằm, cử chỉ đùa cợt, từ ngữ khiếm nhã thì sẽ là quấy rối.”

Cùng quan điểm với bạn Tiến, anh Trung Anh bổ sung: “Không phải loài hoa nào cũng có thể hái, cũng như không phải bạn gái nào cũng có thể trêu, điều này phụ thuộc rất nhiều vào mức độ thân thiết trong mối quan hệ của người nói và người nghe. Tuy nhiên, dù là mối quan hệ nào cũng cần sự khen ngợi khéo léo, tránh những câu trêu đùa liên quan đến tình dục, trêu đùa cơ thể người khác.”

(Anh Nguyễn Trung Anh – 1977Vlog)

Các khách mời cùng thống nhất rằng những hành vi như đụng chạm, nhìn chằm chằm, huýt sáo, những từ ngữ như “ngon”,… mà khiến cho một người cảm thấy khó chịu, không thoải mái, không an toàn thì đều được xem là hành vi quấy rối. Kể cả các hành vi dù vô tình, và thậm chí có ý tốt nhưng người tiếp nhận không cảm thấy thoải mái vẫn là các hành vi không phù hợp. người tiếp nhận hay nạn nhân của hành vi quấy rối.

Thảo luận cùng các khán giả xem livestream, các diễn giả cũng cùng đồng ý rằng phụ nữ và trẻ em gái nên được trang bị thêm các kỹ năng để nhận diện, phòng tránh đối phó với những kẻ quấy rối, tuy nhiên, nếu bị quấy rối, em gái không bao giờ là người có lỗi vì không tự bảo vệ được mình, hoàn toàn chỉ là lỗi của kẻ quấy rối. Trung Anh và Việt Anh cũng bổ sung: Nạn nhân sợ kẻ quấy rối thì kẻ quấy rối cũng sợ bị phát giác và lôi ra ánh sáng. Do đó, các em gái và người chứng kiến hãy sẵn sàng lên tiếng yêu cầu thủ phạm dừng ngay hành vi quấy rối và tìm kiếm sự trợ giúp của những người xung quanh. Điều này sẽ góp phần ngăn chặn và giảm thiểu những hành vi quấy rối, xâm hại.

Quấy rối trên môi trường mạng: cần phổ biến kĩ năng sử dụng Internet an toàn

Những năm gần đây, với việc bước vào thời đại 4.0, khi chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh là đã có thể tiếp cận internet dễ dàng và nhanh chóng thì phụ nữ và trẻ em gái còn đứng trước nguy cơ là nạn nhân của quấy rối trên môi trường mạng. Những hành vi quấy rối thông thường có thể là những bình luận khiếm nhã bình phẩm về ngoại hình phụ nữ như “ngon”, gạ gẫm, tán tỉnh, chia sẻ hay gửi những hình ảnh, clip nhạy cảm, bị tung tin sai sự thật… Internet là ảo nhưng có thể để lại những tổn thương, những hậu quả thật với nạn nhân.

Ở góc độ một người phụ nữ, đồng thời cũng là một thành viên tích cực của CLB COC với nhiều hoạt động, nỗ lực góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, bạn Ngọc Nhi chia sẻ: “Chúng ta không thể chọn việc mình có là nạn nhân của quấy rối hay không, nhưng chúng ta có thể học cách ứng phó và phản kháng. Đối với em, em sẽ không trò chuyện với người lạ, không click vào những hình ảnh, đường link được gửi từ người lạ, sẽ chặn tài khoản đó và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, thầy cô giáo và cơ quan chức năng nếu sự việc nghiêm trọng hơn.

Chị Chu Thu Hà – Quản lý truyền thông MSD chia sẻ một số kĩ năng an toàn Internet mà ai cũng có thể áp dụng như: tránh chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội, sử dụng mật khẩu phức tạp, cài đặt các bước bảo mật an toàn để hạn chế rò rỉ những thông tin, hình ảnh cá nhân, không tham gia các nhóm, nhóm chat có nội dung không lành mạnh,… để giảm thiểu tối đa việc trở thành mục tiêu công kích, quấy rối hay trở thành những người quấy rối trên Internet.

Bạn Nguyễn Trọng Tiến chia sẻ về những nỗ lực của cá nhân và CLB COC Trường Đại học Giao thông vận tải: “Chúng em sẽ tận dụng mặt tích cực của mạng xã hội, đặc biệt là gần đây có tham gia cuộc thi sáng kiến truyền thông do Plan và MSD tổ chức để thực hiện các chiến dịch, các sản phẩm truyền thông để những thông điệp tích cực có thể đến gần với các bạn trẻ. Em nghĩ rằng ai cũng có thể đồng hành trong việc chấm dứt quấy rối, xây dựng xã hội an toàn chỉ đơn giản bằng cách like, bình luận, chia sẻ những thông tin tích cực và hữu ích.”

(Bạn Nguyễn Trọng Tiến – Đại diện CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi Trường ĐH Giao thông vận tải)

Là một nhà sáng tạo nội dung, người có tầm ảnh hưởng đến giới , anh Việt Anh cho biết: “Việc thay đổi nhận thức và hành động của cả cộng đồng không phải việc có thể làm trong một thời gian ngắn. Khi xây dựng các video, nhóm mình muốn đưa những thông điệp tích cực với người xem một cách nhẹ nhàng, hài hước, giống như bắt đầu gieo một hạt mầm nhỏ. Cũng giống như việc tưới nước, chăm bón cho hạt mầm, chúng mình hi vọng việc liên tục, thường xuyên lồng ghép thông điệp tích cực vào các sản phẩm, dự án sẽ dần dần thay đổi suy nghĩ, nhận thức của mỗi người và chúng ta sẽ cùng hướng đến một xã hội không còn quấy rối, không còn những tiêu cực.”

Khép lại chương trình, các diễn giả và các khán giả xem livestream đã cùng nhau đưa ra thông điệp và cử chỉ thể hiện sự cam kết trong việc bảo vệ em gái khỏi mọi hành vi quấy rối trong đời thực và trên môi trường mạng. Chị Chu Thu Hà đưa ra thông điệp: “Chúng ta đừng là những chiếc đũa đứng riêng rẽ mà hãy cùng nhau trở thành một bó đũa chắc chắn, vững chãi, không thể bẻ gãy. Khi chúng ta đồng lòng lên tiếng, mọi hành vi quấy rối phụ nữ, em gái dù ở đâu, dù dưới hình thức nào cũng đều sẽ phải chấm dứt. Chúng tôi tin tưởng vào sự nhiệt huyết, sức mạnh và khả năng lan toả thông điệp tích cực của những thanh niên thế hệ mới.

(Chị Chu Thu Hà – Quản lý truyền thông Viện MSD)

Xem lại chương trình tại đây:

https://www.facebook.com/www.msdvietnam.org/videos/2020670521423418

Hưởng ứng Ngày quốc tế em gái, ngày Phụ nữ Việt Nam và hướng tới Tháng hành động quốc gia vì Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, MSD và Plan cũng phát động thử thách “Equal for girls – Equal for all”. Cách thức tham gia thử thách: vẽ dấu bằng lên phần má trên với màu sắc bất kỳ, sau đó chụp ảnh và đăng lên facebook kèm hashtag #equal_for_girls_equal_for_all để cùng lan toả cam kết hành động chấm dứt quấy rối.

————————————————–

Về Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

Là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, MSD nỗ lực hành động vì một môi trường phát triển thuận lợi cho sự phát triển của khối các tổ chức xã hội và thúc đẩy việc thực hiện quyền của các nhóm cộng đồng bị lề hoá và dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật. Hiện nay, MSD được công nhận là một tổ chức đi đầu trong việc phối hợp, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ nâng cao năng lực, đào tạo và tham vấn cho các tổ chức xã hội tại Việt Nam. Thêm vào đó, MSD cũng là một tổ chức chuyên nghiệp đáp ứng hiệu quả nhu cầu và bảo vệ quyền của các cộng đồng yếu thế, bao gồm thúc đẩy bình đẳng giới, thông qua các chương trình, dự án và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, người nhập cư và người khuyết tật, v.v… tại Việt Nam.

Về Tổ chức Plan International

Tổ chức Plan International bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1954. Lúc bấy giờ, thông qua chương trình Bảo trợ, Plan International đã hỗ trợ cải thiện cuộc sống cho hàng nghìn gia đình tại khu vực miền Nam. Năm 1993, Plan International quay trở lại Việt Nam, chuyển sang hoạt động tại khu vực miền Bắc và miền Trung, ưu tiên cho các cộng đồng dân tộc thiểu số. Mục tiêu đến năm 2021, Plan International hành động để 2 triệu trẻ em gái từ 1.875 cộng đồng tại Việt Nam được học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển.

Các lĩnh vực can thiệp chính bao gồm: (1) Giáo dục chất lượng và hòa nhập; (2) Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em và dịch vụ y tế tại cộng đồng; (3) Tăng cường khả năng ứng phó trước thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu; (4) Môi trường an toàn, thân thiện và bền vững về kinh tế cho trẻ em và thanh niên nhập cư; (5) Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả hình thức bạo lực và xâm hại.

—————————–

Liên hệ truyền thông:

(Ms) Chu Thu Hà – Quản lý Truyền thông và Sự kiện

Email: event.manager@msdvietnam.org

Điện thoại: 024 62769056 – 0852577220

Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD)

Địa chỉ: Phòng 1007, Toà nhà 17T9 Hoàng Đạo Thuý, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Website: www.msdvietnam.org

Fanpage: https://www.facebook.com/www.msdvietnam.org

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.