MSD và báo chí

TTBC: Trò chuyện trực tuyến: Chấm dứt quấy rối để thành phố thêm sức sống mới

Hà Nội, ngày 20.6.2021, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) thực hiện buổi trò chuyện trực tuyến với chủ đề “Chấm dứt quấy rối để thành phố thêm sức sống mới”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái” do Tổ chức Plan International Việt Nam tài trợ, đồng thời cũng nhằm hưởng ứng Tháng Hành động Vì trẻ em năm 2021.

Trong những năm gần đây, nhờ sự nỗ lực của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và cộng đồng, vấn nạn quấy rối tình dục trẻ em – đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên đây vẫn còn là vấn đề phổ biến, chưa được chấm dứt triệt để. Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ giới trẻ vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ về quấy rối tình dục, vẫn thờ ơ và coi những hành vi quấy rối tình dục là bình thường bởi quan niệm “Làm hoa cho người ta hái – Làm gái cho người ta trêu”. Vì vậy, buổi trò chuyện trực tuyến với chủ đề “Chấm dứt quấy rối để thành phố thêm sức sống mới” đã được thực hiện nhằm trao đổi chia sẻ những câu chuyện thực tế, nguyên nhân cũng như cách thức, những chương trình, hoạt động của tất cả các bên liên quan để chấm dứt những hình thức quấy rối trẻ em nói chung và em gái nói riêng ở nơi công cộng. Chương trình được phát sóng trực tiếp lúc 15 giờ ngày 20.06.2021 trên Fanpage MSD Vietnam, Plan International Vietnam và Lan toả yêu thương.

Buổi trò chuyện có sự tham gia của Bà Trần Thị Bích Loan – Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Ông Lê Xuân Đồng – Chuyên gia về giới, Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam; Diễn viên Trần Nghĩa – người đồng hành cùng dự án Thành phố an toàn, thân thiện với em gái và được điều phối bởi bà Trần Vân Anh – Giám đốc Chương trình Viện MSD.

Tán dương, khen ngợi và quấy rối – đâu là ranh giới?

Ở phần 1 của toạ đàm, các diễn giả thảo luận về cách hiểu về ranh giới giữa tán dương và quấy rối em gái bằng lời nói và cử chỉ.

Diễn viên Trần Nghĩa đã chia sẻ trải nghiệm khi anh đặt câu hỏi cho các bạn fan của mình trên Facebook: Các bạn thấy sao khi bạn gái mình, em gái mình hay chính bản thân bạn bị trêu chọc bằng những lời nói khiếm nhã như việc sử dụng từ “ngon“ để mô tả về ngoại hình của phụ nữ và trẻ em gái? Trả lời cho câu hỏi này, đã có hơn 100 ý kiến bình luận với nhiều quan điểm đối lập. Bên cạnh các bình luận phản đối các hành xử này: như “Dùng từ “ngon” để bình phẩm về 1 bạn nữ thì rất khiếm nhã”; “Rất mong các bạn đừng ai dùng từ ngon khi nói tới con người, nhất là con gái”; “Bạn gái là để yêu, để tôn trọng, không phải là thực phẩm, thức ăn”; “Nếu khen người khác thì có rất nhiều từ để khen như: đẹp, giỏi, ngoan, hiền. Sao không chọn mà lại chọn từ ngon”, cũng có một số ít những ý kiến đối lập cho rằng “Cũng bình thường thôi”; “Các bạn nữ hay các chị thì vẫn thấy thích khi được khen ngon mà”, “Em thấy đó là một lời khen”, “Thời đại nào rồi, bớt quan trọng vấn đề lại đi”,…

Trần Nghĩa nhấn mạnh quan điểm của bản thân: “Nghĩa rất vui khi có nhiều quan điểm trao đổi về vấn đề này, bởi vấn đề phải được nêu ra, phân tích và chúng ta mới đối diện và giải quyết. Thực tế, có rất nhiều bạn biết đến vấn đề này, nhưng cũng có rất nhiều băn khoăn và câu hỏi và các bạn không biết hỏi hay chia sẻ với ai. Nghĩa rất vui, khi bản thân mở ra cuộc tranh luận về vấn đề này trên fanpage của mình, và rất vui khi hầu hết các bạn đều chia sẻ không đồng tình với những lời “tán dương” mang tính quấy rối như vậy”.

Diễn viên Trần Nghĩa tham dự trực tuyến

Bà Vân Anh, Giám đốc Chương trình MSD khẳng định: “Nhiều người vẫn nghĩ rằng quấy rối, xâm hại em gái và phụ nữ là việc đụng chạm cơ thể khi chưa có được sự cho phép. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Thực tế các lời nói mang tính tình dục hay những hành động, cử chỉ phi lời nói như: nhìn chằm chằm vào bộ phận sinh dục hay bộ phận riêng tư của người đối diện, hay không gian kĩ thuật số như gửi, chia sẻ, phát tán những hình ảnh nhạy cảm, bình luận trêu ghẹo,.. mà khiến phụ nữ cảm thấy không thoải mái, khó chịu hay buồn cũng đều là các hành vi quấy rối.”

Bà Trần Vân Anh – Giám đốc Chương trình Viện MSD

Thế nhưng, việc phân định ranh giới giữa trêu đùa và quấy rối đôi khi khá mong manh và khó phân biệt với phần đông mọi người trong cộng đồng. Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông Lê Xuân Đồng cho biết: “Nguyên nhân sâu xa, yếu tố làm gia tăng tình trạng quấy rối tình dục và sự lầm tưởng giữa quấy rối và trêu đùa chủ yếu đến từ quan niệm, lối sống và cả văn hoá của chúng ta. Khi chúng ta coi việc hành động trêu ghẹo của nam giới là bình thường và có xu hướng đổ lỗi cho nữ giới, những hành vi quấy rối vẫn sẽ không ngừng tiếp diễn. Điều này ảnh hưởng tới tâm lý của nạn nhân – khiến nạn nhân không dám lên tiếng – vì lo sợ lên tiếng thì chưa chắc có ai nghe và nói ra người ta cười chê thêm.”

Chuyên gia Lê Xuân Đồng

Bà Trần Bích Loan chia sẻ: “Sự tiếp diễn và tràn lan những hành vi quấy rối trẻ em gái và phụ nữ nơi công cộng sẽ gây ra những hậu quả, những hệ luỵ với nạn nhân nói riêng và với xã hội nói chung. Có những nạn nhân là trẻ em bị ảnh hưởng đến quá trình phát triển cả về thể chất và tinh thần. Kể cả người lớn cũng có xu hướng khép mình ngại tham gia các hoạt động chung và cản trợ sự giao lưu, mở mang kiến thức, quan hệ với mọi người. Có những người phụ nữ thì bị ám ảnh và có suy nghĩ lệch lạc – quy chụp rằng “tất cả đàn ông đều vậy” do đó mà hạnh phúc cá nhân bị ảnh hưởng. Phụ huynh có con là nạn nhân thì ảnh hưởng tới toàn bộ cuộc sống của họ. Và nếu không có người lên tiếng tố cáo, phản đối, vấn nạn này sẽ không bao giờ chấm dứt.”

Bà Trần Thị Bích Loan – Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới

Lên tiếng phòng chống quấy rối – dễ hay khó?

Ở phần hai của toạ đàm, các diễn giả và khán giả tập trung chia sẻ về các giải pháp để phòng chống quấy rối nhằm chấm dứt mọi hình thức quấy rối tình dục với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái ở nơi công cộng. Nhiều ý kiến khán giả bình luận cho rằng việc này nói thì tưởng dễ nhưng rất khó bởi định kiến ăn sâu với quan điểm lỗi thời vô hình chung là tác nhân làm gia tăng các hành vi quấy rối. Do đó cần rất nhiều nỗ lực giải pháp tổng thể để thay đổi nhận thức, quan điểm và hành vi của cộng đồng.

Bà Trần Bích Loan chia sẻ về những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn hành vi quấy rối trẻ em gái và phụ nữ: “Từ năm 2016, chúng tôi đã triển khai phát động Tháng hành động (15/11 – 15/12) hàng năm với sự tham gia của các cơ quan bộ ban ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng với tỉ lệ người tham gia tăng lên mỗi năm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng thân thiện, an toàn hơn cho người dân và đường dây nóng hỗ trợ cộng đồng. Ngoài ra, chúng tôi mong muốn dần dần chúng ta sẽ có mạng lưới chặt chẽ hơn, cơ sở vật chất kĩ thuật và nhân lực tốt hơn để giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân, người thân và cộng đồng tin tưởng các cơ sở/ tổ chức hơn để họ tìm tới chia sẻ, lên tiếng và lan toả thông điệp phòng chống các hành vi xâm hại tình dục tốt hơn. Rõ ràng sự nhận thức của cộng đồng và sự chung tay của cộng đồng có sức mạnh rất lớn bên cạnh việc hoàn thiện và nâng cao quá trình thực thi luật pháp vì một kết quả bền vững hơn, lan toả hơn.”

Ở khía cạnh về cách thức ngăn chặn các hành vi quấy rối, ông Lê Xuân Đồng đưa ra giải pháp “Việc giáo dục trẻ em những kĩ năng phòng tránh quấy rối như: phát hiện nguy cơ, nói không, kể lại,… là việc cấp thiết, cần sự tham gia của cả gia đình và cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, để nạn nhân dám lên tiếng, cần chú trọng công tác bảo mật thông tin của nạn nhân, đặc biệt các trường hợp nghiêm trọng vì điều này sẽ ảnh hưởng lâu dài tới cuộc sống của nạn nhân sau này.”

Diễn viên Trần Nghĩa, người tiên phong đồng hành cùng “Thành phố An toàn, thân thiện với em gái” cùng MSD và Plan International chia sẻ góc độ thay đổi quan điểm ở người trẻ: “Nghĩa cho rằng cần xây dựng các hình tượng văn minh, lịch sự cho các bạn trẻ. Nghĩa rất thích ý tưởng dự án “Thành phố An toàn, thân thiện với em gái” xây dựng hình tượng Thanh niên chuẩn – nói không với quấy rối và sẵn sàng lên tiếng và bảo vệ em gái khi bị quấy rối. Chúng ta nên đưa vào những khái niệm, những tiêu chuẩn nhẹ nhàng nhân văn và ý nghĩa như vậy để các bạn trẻ như Nghĩa có định hướng và lan toả những giá trị tốt đẹp. Nghĩa hi vọng rằng có thể dùng một chút tầm ảnh hưởng của mình để góp chút công sức lan toả những thông điệp tích cực, ít nhất là tới những người yêu mến Nghĩa”.

Diễn viên Trần Nghĩa là người đồng hành cùng dự án Thành phố an toàn, thân thiện với em gái

Toạ đàm diễn ra rất sôi nổi với hàng trăm lượt bình luận và câu hỏi liên quan đến việc thay đổi quan điểm, hành vi, các giải pháp chính sách và thực tiễn để chấm dứt quấy rối tình dục đối với cả em trai và em gái đặc biệt ở các không gian công cộng.

Khép lại chương trình, bà Trần Vân Anh đưa ra thông điệp “Các bạn trẻ, thanh thiếu niên chính là chủ nhân của đất nước, không phải chờ đến tương lai, mà chính ở hiện tại. Các bạn hãy cùng lên tiếng, cùng với cộng đồng để tạo ra một thành phố an toàn cho tất cả mọi người.”

Xem lại chương trình tại đây:

https://www.facebook.com/www.msdvietnam.org/videos/533129044531060

 

Về Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

Là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, MSD nỗ lực hành động vì một môi trường phát triển thuận lợi cho sự phát triển của khối các tổ chức xã hội và thúc đẩy việc thực hiện quyền của các nhóm cộng đồng bị lề hoá và dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật. Hiện nay, MSD được công nhận là một tổ chức đi đầu trong việc phối hợp, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ nâng cao năng lực, đào tạo và tham vấn cho các tổ chức xã hội tại Việt Nam. Thêm vào đó, MSD cũng là một tổ chức chuyên nghiệp đáp ứng hiệu quả nhu cầu và bảo vệ quyền của các cộng đồng yếu thế, bao gồm thúc đẩy bình đẳng giới, thông qua các chương trình, dự án và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, người nhập cư và người khuyết tật, v.v…  tại Việt Nam.

Về Tổ chức Plan International

Tổ chức Plan International bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1954. Lúc bấy giờ, thông qua chương trình Bảo trợ, Plan International đã hỗ trợ cải thiện cuộc sống cho hàng nghìn gia đình tại khu vực miền Nam. Năm 1993, Plan International quay trở lại Việt Nam, chuyển sang hoạt động tại khu vực miền Bắc và miền Trung, ưu tiên cho các cộng đồng dân tộc thiểu số. Mục tiêu đến năm 2021, Plan International hành động để 2 triệu trẻ em gái từ 1.875 cộng đồng tại Việt Nam được học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển.

Các lĩnh vực can thiệp chính bao gồm: (1) Giáo dục chất lượng và hòa nhập; (2) Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em và dịch vụ y tế tại cộng đồng; (3) Tăng cường khả năng ứng phó trước thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu; (4) Môi trường an toàn, thân thiện và bền vững về kinh tế cho trẻ em và thanh niên nhập cư; (5) Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả hình thức bạo lực và xâm hại.

 

Liên hệ truyền thông:

(Ms) Chu Thu Hà – Cán bộ Điều phối Sự kiện và Truyền thông

Email: event.manager@msdvietnam.org

Điện thoại: 024 62769056 – 0852577220

Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD)

Địa chỉ: Tầng 6, Số 15 Yên Lãng, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội

Website: www.msdvietnam.org

Fanpage: https://www.facebook.com/www.msdvietnam.org

 

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.