MSD và báo chí

TTBC: Toạ đàm trực tuyến: Giáo dục tích cực – Mềm mỏng hay cứng rắn?

THÔNG TIN BÁO CHÍ

CHIẾN DỊCH LAN TOẢ YÊU THƯƠNG 2021

TOẠ ĐÀM TRỰC TUYẾN:

MỀM MỎNG HAY CỨNG RẮN? – GIÁO DỤC TÍCH CỰC DÀNH CHO GIÁO VIÊN

Hà Nội, ngày 31.10.2021 – Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em thực hiện Toạ đàm trực tuyến: “Mềm mỏng hay cứng rắn – Giáo dục tích cực” dành cho thầy, cô giáo. Chương trình nằm trong khuôn khổ chiến dịch Lan toả yêu thương 2021: Giáo dục không bạo lực với sự hỗ trợ tài chính từ Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children).

Vốn được coi là người cha, người mẹ thứ hai của trẻ em, các thầy cô giáo ai cũng yêu quý học trò của mình và cố gắng xây dựng mối quan hệ gần gũi, thân thiết với học sinh, để các em cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương trong suốt thời gian ở trường. Hai xu hướng giáo dục khá đối lập nhau vẫn tồn tại trong các nhà trường, đó là “mềm mỏng” và “cứng rắn”. Không ít giáo viên có tâm lý e ngại rằng nếu thân thiện, mềm mỏng với học sinh thì học sinh sẽ “nhờn”, sẽ không chấp hành nội quy lớp học, dẫn đến ảnh hưởng tới nề nếp và kỷ luật chung của cả trường. Chính vì vậy mà rất nhiều giáo viên hiện nay vẫn quan niệm rằng thầy cô phải “cứng rắn”, phải áp dụng kỷ luật “thép” thì mới tạo được “uy” trước học sinh, mới rèn giũa học trò vào nề nếp được.

Vì vậy, trong khuôn khổ Chiến dịch Lan toả yêu thương 2021: Giáo dục không bạo lực, MSD đã thực hiện buổi Toạ đàm trực tuyến: “Mềm mỏng hay Cứng rắn”? để cùng các thầy cô giáo chia sẻ và tìm ra những phương pháp giáo dục tích cực.

Chương trình có sự tham gia của:

– Ông Đặng Tự Ân, Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (VIGEF)

– Bà Phạm Thị Bích Hồng – Giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam

– Bà Đỗ Thị Trang – Thạc sỹ tâm lý học, Trưởng phòng tham vấn học đường trường Marie Curie.

Và bà Nguyễn Hải Anh – Chuyên gia về Quyền Trẻ em, Quản lý Dự án, Viện MSD

Giáo dục tích cực – “Mềm mỏng” hay “Cứng rắn”?

Là một cô giáo có nhiều năm giảng dạy và đồng hành cùng học sinh, cô giáo Phạm Thị Bích Hồng chia sẻ xu hướng giáo dục của mình: “Là một giáo viên, phương pháp mà tôi đang áp dụng với học sinh của mình là mềm mỏng, linh hoạt nhưng có nguyên tắc và có kỷ luật. Việc áp dụng “mềm mỏng” hay “linh hoạt” phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, tình huống, tích cách của mỗi học sinh hay tính chất của sự việc. Tôi luôn cố gắng để các con cảm thấy rằng con luôn có người đồng hành và được yêu thương kể cả khi con bị kỷ luật”.

(Bà Phạm Thị Bích Hồng – Giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam)

Chia sẻ về việc phối hợp giữa giáo viên và gia đình trong việc giáo dục trẻ em, Ths. Đỗ Thị Trang cho biết: “Việc có nhiều phụ huynh yêu cầu giáo viên “phạt nặng” đối với con mình, thực chất cũng là muốn con tốt lên. Tuy nhiên, các giáo viên hãy sử dụng những phương pháp, kĩ năng, kiến thức của mình để phối hợp với gia đình uốn nắn trẻ, áp dụng phương pháp kỉ luật tích cực. Việc nghiêm khắc, cứng rắn khi áp dụng với trẻ nhỏ sẽ khiến trẻ sợ và nghe lời, tuy nhiên sẽ không còn phù hợp với trẻ lớn hơn, khi đó trẻ dễ làm theo kiểu đối phó. Hầu hết các em mong muốn được khuyên nhủ, mềm mỏng, được lắng nghe và tôn trọng. Nếu giáo viên có suy nghĩ, tư duy tích cực thì sẽ tìm ra những phương pháp giáo dục tích cực với học sinh”.

(Bà Đỗ Thị Trang – Thạc sỹ tâm lý học, Trưởng phòng tham vấn học đường trường Marie Curie)

Xây dựng trường học hạnh phúc cho trẻ em

Là một chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm về quản lý giáo dục, ông Đặng Tự Ân chia sẻ: “Trường học hạnh phúc không phải khái niệm phức tạp, đó đơn giản là nơi mà mọi người ở đó, bao gồm cả học sinh, giáo viên, nhân viên của nhà trường và phụ huynh đều hạnh phúc. Vai trò của hiệu trưởng, giáo viên rất quan trọng, bản thân họ phải hạnh phúc thì mới có thể lan toả sự hạnh phúc tới học sinh”.

Ông Ân cũng đề cập đến các tiêu chí của trường học hạnh phúc, tập trung vào 3 chữ P: “Chữ P thứ nhất là People – Con người: mỗi cá nhân trong trường phải được đối xử trên tinh thần tôn trọng, bao dung. Chữ P thứ hai là Process – quá trình: quá trình học và dạy học hay các hoạt động trong trường học phải là một quá trình hạnh phúc. Thứ ba là Place – địa điểm: trường học phải là nơi an toàn, vui vẻ, là nơi mà mọi người đều muốn đến. Tuy nhiên, những tiêu chí này chỉ mang tính định hướng để các nhà trường tham khảo, chứ không phải là rập khuôn. Mô hình trường hạnh phúc là mô hình đổi mới giáo dục rất đặc biệt bởi nó mang tính định tính, vì vậy, khi triển khai xây dựng mô hình, phải tuỳ vào đặc điểm của từng địa phương, từng nhà trường”.

(Ông Đặng Tự Ân, Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (VIGEF)

Cô Bích Hồng bổ sung thêm: “Để một đứa trẻ hạnh phúc, cần một hệ thống thống nhất, từ hiệu trưởng đến thầy cô rồi đến học sinh. Trong những lúc chúng tôi giảng dạy, cũng có lúc các em mắc lỗi. Do vậy ngay từ đầu năm học, thầy trò chúng tôi đã cùng thảo luận để các em thống nhất về những mục tiêu, biện pháp thưởng – phạt và sau đó cùng thực hiện theo thoả thuận. Và tôi cũng có 1 nguyên tắc là “Khen công khai – Phạt cá nhân”. Những lúc nói chuyện riêng với các em phạm lỗi, tôi cùng các em chia sẻ nguyên nhân vì sao các em mắc lỗi và thoả thuận rằng với những lỗi này, cô có thể xử lý không, xử lý như thế nào, và cùng trao đổi với các em để tìm ra biện pháp khắc phục”.

Các diễn giả cũng bày tỏ sự đồng tình với những quy định mới về biện pháp khen thưởng và xử lý kỷ luật học sinh trong Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Theo đó, các hình thức kỷ luật: phê bình trước lớp, trước trường; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn không còn trong trường phổ thông nữa, thay vào đó là các biện pháp nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Tuy vậy, Ths. Đỗ Thị Trang cũng lưu ý rằng trong quá trình áp dụng các biện pháp mới này cũng cần có những cách thức áp dụng phù hợp, không máy móc, rập khuôn và cũng cần tránh các rủi ro có thể đem lại từ việc áp dụng các biện pháp giáo dục này. Mỗi giáo viên nên coi việc áp dụng kỷ luật tích cực là một “lối sống” tích cực, chứ không phải là việc bắt buộc phải làm, theo quy định của ngành giáo dục hay của nhà trường.

Khép lại chương trình, bà Nguyễn Hải Anh chia sẻ: “Ngay cả trong trường học hạnh phúc thì vẫn sẽ có những lúc học sinh có những cư xử không đúng mực, vi phạm nội quy, quy chế của nhà trường. Khi bị xử lý kỷ luật, đương nhiên các con không thể nào vui vẻ được, nhưng các con vẫn sẽ cảm thấy mình hạnh phúc nếu được thầy cô tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ và sẵn sàng hỗ trợ. Mỗi người có một cảm nhận khác nhau về hạnh phúc, mỗi Nhà trường cũng sẽ có một bộ tiêu chí riêng để đánh giá mức độ hanh phúc của riêng trường mình. Và khi xây dựng bộ tiêu chí đó, Nhà trường nên tham vấn với các con học sinh, để các con tự đề xuất và cùng thảo luận xây dựng nên các tiêu chí đó.”

(Bà Nguyễn Hải Anh – Chuyên gia về Quyền Trẻ em, Quản lý Dự án, Viện MSD)

Nhân dịp sắp tới ngày 20/11 – Ngày Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam, bà Hải Anh cũng thay mặt các đồng nghiệp tại MSD gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công tới các Thầy cô giáo trên mọi miền đất nước. Chúc các thầy cô giáo luôn mạnh khỏe, cùng nhau chung tay để giúp trẻ em của chúng ta có những ngày đến trường vui vẻ, trọn vẹn trong tình cảm yêu thương của thầy cô, ước mơ của các con sẽ được chắp cánh để bay cao, bay xa và các con sẽ trở thành những học trò không chỉ đạt kết quả tốt trong học tập mà còn có một tâm hồn đẹp, giàu lòng nhân ái.

—————————————————–

Xem lại chương trình tại đây: https://www.facebook.com/lantoayeuthuongmsd/videos/411807196988077

“Lan toả yêu thương” là chiến dịch thường niên của MSD và các tổ chức đối tác được thực hiện nhằm truyền thông chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ em trong gia đình và trường học. Sang năm 2021, Chiến dịch được phát động với chủ đề: “Giáo dục không bạo lực” tập trung vào nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo, các bên liên quan và công chúng về loại bỏ những hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần với trẻ em; tạo môi trường an toàn và tích cực để trẻ bày tỏ ý kiến và cùng giải quyết những vấn đề có liên quan đến trẻ; thúc đẩy phương pháp giáo dục không bạo lực trong quá trình nuôi dạy trẻ. Chiến dịch được thực hiện từ ngày 16.10 đến ngày 15.11.2021 với các hoạt động đa dạng như: truyền thông mạng xã hội, talkshow, tập huấn, diễn đàn trẻ em, hội thảo – đối thoại giữa các bên liên quan. Để tìm hiểu thêm các thông tin và đồng hành cùng chiến dịch, vui lòng truy cập fanpage Lan toả yêu thương và MSD Vietnam.

———————————————————————–

Về Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

Là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, MSD nỗ lực hành động vì một môi trường phát triển thuận lợi cho sự phát triển của khối các tổ chức xã hội và thúc đẩy việc thực hiện quyền của các nhóm cộng đồng bị lề hoá và dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật. Hiện nay, MSD được công nhận là một tổ chức đi đầu trong việc phối hợp, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ nâng cao năng lực, đào tạo và tham vấn cho các tổ chức xã hội tại Việt Nam. Thêm vào đó, MSD cũng là một tổ chức chuyên nghiệp đáp ứng hiệu quả nhu cầu và bảo vệ quyền của các cộng đồng yếu thế, bao gồm thúc đẩy bình đẳng giới, thông qua các chương trình, dự án và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, người nhập cư và người khuyết tật, v.v… tại Việt Nam.

Liên hệ truyền thông:

Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

(Ms) Chu Thu Hà – Quản lý Truyền thông và Sự kiện Email: event.manager@msdvietnam.org

Điện thoại: 024 62769056 – 0852577220

Địa chỉ: Phòng 1007, toà nhà 17T9 Hoàng Đạo Thuý, quận Thanh Xuân, Hà Nội Website: www.msdvietnam.org Fanpage: https://www.facebook.com/www.msdvietnam.org

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.