MSD và báo chí

TTBC: Toạ đàm trực tuyến: Học online – Dễ hay khó?

THÔNG TIN BÁO CHÍ

CHIẾN DỊCH LAN TOẢ YÊU THƯƠNG 2021

TOẠ ĐÀM TRỰC TUYẾN: HỌC ONLINE: DỄ HAY KHÓ?

Hà Nội, ngày 06.11.2021 – Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em thực hiện Toạ đàm trực tuyến: “Học online: Dễ hay khó?”. Chương trình nằm trong khuôn khổ chiến dịch Lan toả yêu thương 2021: Giáo dục không bạo lực với sự hỗ trợ tài chính từ Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children).

Gần 2 năm kể từ khi Covid-19 xuất hiện, cuộc sống của hầu hết mọi người đều ít nhiều bị xáo trộn, gây ra nhiều tổn thất và hệ lụy cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong lịch sử, chưa bao giờ lại có những thời kỳ mà trẻ em ở nhiều tỉnh/thành phố lại không được tới trường trong một thời gian dài như vậy. Mỗi buổi sáng thức dậy, thay vì háo hức tới trường để gặp thầy cô và các bạn, say sưa với những giờ học trên lớp và thoải mái chơi đùa với các bạn trong giờ ra chơi, thì các con lại phải ngồi vào bàn học, bật máy tính hay điện thoại thông minh lên, bắt đầu tiết học bằng việc điểm danh qua màn hình. Từ lúc chỉ là một giải pháp tạm thời mùa dịch, cả thầy và trò đều bỡ ngỡ, lúng túng với các thao tác trong ứng dụng học tập trực tuyến, vất vả chuyển từ các bài học từ hình thức giảng trực tiếp trên lớp sang việc giảng online, dần dần, việc dạy và học trực tuyến đã trở thành hoạt động quen thuộc hàng ngày của giáo viên và học sinh.

Theo một khảo sát gần đây từ Kaspersky, 55% trẻ em trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải chuyển sang hình thức học trực tuyến vì đại dịch COVID-19. Có tới 74% trẻ không thích nghi được với việc học trực tuyến vì phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình. 57% học sinh thấy bài giảng khó hiểu hơn so với việc học trên lớp. Thực tế cũng cho thấy việc thiếu thiết bị, đường truyền yếu, phần mềm chưa phù hợp… là 3 trong số nhiều nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng học trực tuyến.

Với mong muốn chia sẻ thông tin, hỗ trợ cho phụ huynh, giáo viên đồng hành cùng trẻ học trực tuyến hiệu quả, trong khuôn khổ Chiến dịch Lan toả yêu thương 2021: Giáo dục không bạo lực, MSD đã thực hiện buổi Toạ đàm trực tuyến: “Học online: Dễ hay khó”?

Chương trình có sự tham gia của:

– Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành

– Bà Nguyễn Thị Chỉnh – Giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm

– Nhà báo Trần Quang Minh

– Em Nguyễn Phương Thảo, Học sinh Trường THCS Thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

– Em Phạm Duy Anh, Học sinh Trường THCS Ngô Sỹ Liên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội

Học online: Trải nghiệm và thách thức

Em Nguyễn Phương Thảo chia sẻ về những trải nghiệm và khó khăn khi chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến: “Đối với em, mỗi sự khởi đầu đều ít nhiều có khó khăn, và học online cũng vậy. Em có gặp 1 số bất tiện giống như nhiều bạn như: đường truyền không ổn định, việc giảng dạy, tiếp thu cũng bị hạn chế, không tương tác được nhiều với các bạn, khó tập trung trong một thời gian dài và ảnh hưởng đến sức khoẻ như mỏi mắt khi phải làm nhìn máy tính trong một thời gian dài. Ngoài ra, em cũng biết có những bạn không có điều kiện để có những thiết bị học trực tuyến.”

Em Phạm Duy Anh bổ sung thêm những trải nghiệm của mình: “Việc học online giúp em ó thể rèn luyện khả năng tự học, lên kế hoạch cho bản thân. Đồng thời, em thấy học online cũng có một lợi thế, đó là mình có thể học bất cứ nơi nào và lúc nào. Em sẽ biến những mệt mỏi, khó khăn trong quá trình học online thành động lực.”

Là một người bố có 3 cậu con trai đều đang học online mỗi ngày, Nhà báo Trần Quang Minh bày tỏ những lo lắng: “Khi đồng hành cùng con trong việc học online, tôi cũng thấy lo lắng rất nhiều, lo con không nắm được bài, lo rằng cô sẽ không thể hướng dẫn, sát sao với từng bạn nhỏ trong lớp. Đặc biệt, với những bé học lớp 1, điều này lại càng khó khăn. Đối với cậu con trai học lớp 3 của mình, tôi đã thấy được rằng con gặp rất nhiều vấn đề trong việc tiếp thu và hiểu bài. Tôi cũng rất chia sẻ với cái khó của giáo viên để kiểm soát tận 30-40 học sinh trong 1 lớp, và các con cũng rất “khổ” khi phải ngồi mấy tiếng đồng hồ trước máy tính.”

Ở góc độ người giáo viên – cũng gặp nhiều thách thức khi chuyển tự dạy trực tiếp sang trực tuyến, cô Nguyễn Thị Chỉnh cho biết: “Bên cạnh những trải nghiệm mới, chúng tôi cũng gặp những khó khăn, ví dụ như đường truyền mạng, sự tập trung của các con, đặc biệt là các bạn từ lớp 1 đến lớp 3 chưa quen với các thiết bị công nghệ, các cô không tương tác, tiếp xúc được nhiều với các con, hoặc có nhiều sự cố bất ngờ có thể xảy ra. Bên cạnh đó, việc kết nối với phụ huynh cũng rất khó khăn trong khi lúc này rất cần thầy cô và phụ huynh phải phối hợp để hỗ trợ các con. Tôi và các đồng nghiệp đã tự trang bị những kiến thức và kỹ năng để thích ứng với tình hình mới.”

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành nhận định: “Trong quá trình học online, cả phụ huynh, trẻ em và giáo viên đều cảm thấy áp lực rất nhiều. Bố mẹ lo rằng con không theo được chương trình, giáo viên lo rằng mình phải truyền đạt hết tất cả các kiến thức quan trọng của bài. Học sinh không chỉ căng thẳng về tâm lý mà còn về cả mặt sinh lý. Việc các con ngồi học mấy tiếng đồng hồ trước màn hình có thể gây ra ảnh hưởng về mặt tinh thần đối với các con. Và lúc này, chính bố mẹ và giáo viên nên có những biện pháp để giải phóng những căng thẳng cho các con. Cách tương tác giữa giáo viên và học có thể giúp để khắc phục vấn đề này. Thực tế, giáo viên không cần đặt áp lực phải nói hết tất cả kiến thức trong lớp học mà có thể hướng dẫn các con tìm kiếm trên Internet.”

Học online hiệu quả: Không nên đặt quá nhiều áp lực cho trẻ

Theo em Phương Thảo, việc tự đặt mục tiêu cho bản thân là rất quan trọng khi học trực tuyến: “Đối với em, em đề cao sự chủ động và ý thức của học sinh. Ở trường em, thầy cô sẽ phát cho học sinh lịch hôm nay mình sẽ học những bài nào và em sẽ dựa trên chương trình đó để tự soạn ra những nội dung em sẽ học, từ đó em có thể xâu chuỗi kiến thức của nhiều bài học liên tiếp. Bên cạnh đó, các môn học sẽ có các nhóm chat và thầy cô sẽ gửi các bài tập cũng như bài giảng lên đó để chúng em có thể xem lại bài giảng của thầy ở lớp.”

Cô Nguyễn Thị Chỉnh chia sẻ phương pháp dạy bản thân đang áp dụng: “Bước đầu tiên tôi thường làm là thiết lập nội quy. Nội quy này được thiết lập, thoả thuận giữa học sinh và giáo viên để đem lại tác động tích cực trong việc học. Nội quy được xây dựng dưới dạng hình ảnh và thực hiện liên tục để các con quen với việc thực hiện nội quy này. Bên cạnh đó, trong quá trình soạn giáo án, cần cân nhắc những nội dung nào đã học, những nội dung nào quan trọng và chú ý vào việc hướng dẫn cho các con đặt câu hỏi cũng như tư duy phản biện. Hiện nay, trong bối cảnh học online, giáo viên cần phải chọn công cụ phù hợp với các con để các con tập trung, cảm thấy hứng thú hơn với việc học. Bên cạnh đó, việc khen ngợi học sinh cũng là cách để các con có thêm động lực trong việc học, cũng như động lực để các con chủ động kết nối với giáo viên.”

Nhà báo Trần Quang Minh nhấn mạnh vai trò đồng hành của cha mẹ: “Trách nhiệm của phụ huynh đó là đồng hành cùng con. Trước tiên là việc cung cấp cho các con các thiết bị đầy đủ để các con học được thuận tiện nhất. Thứ hai là thường xuyên hỏi han con có hiểu bài không, nếu chưa hiểu thì mình có thể liên hệ với cô giáo hay có thể hỗ trợ các con trong việc tự học. Tôi cũng không quá đặt áp lực rằng con phải đạt được thành tích hay điểm nổi trội. Việc đồng hành và truyền năng lượng tích cực cho con trong quá trình học là một việc cực kỳ quan trọng mà phụ huynh cần phải chú tâm.”

Ngoài ra, Nhà báo Quang Minh cũng đề xuất: “Để các con có thể tập trung trong việc học, tôi nghĩ nên có những có các hình thức học thú vị hơn như qua video, bài hát, hình ảnh nhiều màu sắc… Việc này sẽ giúp các con có hứng thú nhiều hơn. Việc đầu tư cho bài giảng, về hình ảnh, âm thanh cần được cải tiến để trước tiên, khi các con thích thì các con có hứng thú và học hiệu quả hơn.”

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành đưa ra lời khuyên: “Bố mẹ, giáo viên nên giảm áp lực lên trẻ. Việc rèn nề nếp cho con quan trọng hơn việc bắt ép. Chúng ta sẽ phải chấp nhận rằng mức độ tập trung và hiểu bài ở mỗi trẻ, mỗi thời điểm sẽ khác nhau. Cha mẹ đừng nên kiểm soát con, việc này sẽ khiến con có xu hướng nói dối bố mẹ. Giáo viên cũng nên giảm áp lực lên học sinh bằng cách tạo cho con nhiều cơ hội học tập ở nhiều khía cạnh, phương pháp khác, nên phụ thuộc vào tâm lý và sức khoẻ của con trẻ để trẻ có thể tiếp nhận cách tốt nhất. Đôi khi áp lực từ cha mẹ, giáo viên chuyển sang con cái, học sinh cao hơn từ anh chị em, bạn bè, nên có thể thử áp dụng phương pháp để anh chị em hoặc bạn bè học cùng nhau, hướng dẫn nhau.”

—————————————————–

Xem lại chương trình tại đây: https://www.facebook.com/watch/live/?ref=watch_permalink&v=671563977163783

“Lan toả yêu thương” là chiến dịch thường niên của MSD và các tổ chức đối tác được thực hiện nhằm truyền thông chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ em trong gia đình và trường học. Sang năm 2021, Chiến dịch được phát động với chủ đề: “Giáo dục không bạo lực” tập trung vào nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo, các bên liên quan và công chúng về loại bỏ những hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần với trẻ em; tạo môi trường an toàn và tích cực để trẻ bày tỏ ý kiến và cùng giải quyết những vấn đề có liên quan đến trẻ; thúc đẩy phương pháp giáo dục không bạo lực trong quá trình nuôi dạy trẻ. Chiến dịch được thực hiện từ ngày 16.10 đến ngày 15.11.2021 với các hoạt động đa dạng như: truyền thông mạng xã hội, talkshow, tập huấn, diễn đàn trẻ em, hội thảo – đối thoại giữa các bên liên quan. Để tìm hiểu thêm các thông tin và đồng hành cùng chiến dịch, vui lòng truy cập fanpage Lan toả yêu thương và MSD Vietnam.

———————————————————————–

Về Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

Là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, MSD nỗ lực hành động vì một môi trường phát triển thuận lợi cho sự phát triển của khối các tổ chức xã hội và thúc đẩy việc thực hiện quyền của các nhóm cộng đồng bị lề hoá và dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật. Hiện nay, MSD được công nhận là một tổ chức đi đầu trong việc phối hợp, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ nâng cao năng lực, đào tạo và tham vấn cho các tổ chức xã hội tại Việt Nam. Thêm vào đó, MSD cũng là một tổ chức chuyên nghiệp đáp ứng hiệu quả nhu cầu và bảo vệ quyền của các cộng đồng yếu thế, bao gồm thúc đẩy bình đẳng giới, thông qua các chương trình, dự án và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, người nhập cư và người khuyết tật, v.v… tại Việt Nam.

Liên hệ truyền thông:

Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

(Ms) Chu Thu Hà – Quản lý Truyền thông và Sự kiện Email: event.manager@msdvietnam.org

Điện thoại: 024 62769056 – 0852577220

Địa chỉ: Phòng 1007, toà nhà 17T9 Hoàng Đạo Thuý, quận Thanh Xuân, Hà Nội Website: www.msdvietnam.org Fanpage: https://www.facebook.com/www.msdvietnam.org

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.