MSD và báo chí

TTBC: TỌA ĐÀM THANH NIÊN “ĐIỀU TỚ KHÔNG MUỐN”

THÔNG TIN BÁO CHÍ

TỌA ĐÀM THANH NIÊN: ĐIỀU TỚ KHÔNG MUỐN

Hà Nội, ngày 17.03.2022 – Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD – United Way Việt Nam phối hợp cùng Khoa Công tác xã hội – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Điều Tớ không muốn”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái”. Đồng thời, tọa đàm được tổ chức nhằm hưởng ứng chiến dịch “TING TING văn minh” do Viện MSD phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA),Viện Phát Triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (LIGHT), cùng triển khai nhằm truyền thông ngăn ngừa và ứng phó với tình trạng quấy rối tình dục trên môi trường mạng.

Dù không phải vấn đề mới nhưng tình trạng quấy rối tình dục nơi công cộng, đặc biệt với trẻ em gái, phụ nữ và nhóm LGBTIQ+ (đồng tính nam, đồng tính nữ, chuyển giới…) vẫn đang diễn ra khá phổ biến với tính chất ngày càng phức tạp. Đặc biệt là khi nó có thể xảy ra ở cả không gian hữu hình, những nơi công cộng như nhà chờ xe bus, xe bus, công viên, rạp chiếu phim,… đến những không gian vô hình như không gian mạng. Mặc dù nhận được sự quan tâm cũng như nỗ lực giải quyết từ các bên liên quan như các cơ quan nhà nước, trường học, các tổ chức xã hội và cộng đồng nhưng các vụ quấy rối, xâm hại tình dục vẫn diễn ra phổ biến với tính chất ngày càng phức tạp. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn ra, vấn nạn quấy rối tình dục trên không gian mạng gia tăng mạnh mẽ hơn.

Tại buổi tọa đàm “Điều Tớ không muốn” tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm, các diễn giả, thầy cô và các bạn sinh viên tham dự đã cùng nhau trao đổi để hiểu rõ hơn về thực trạng quấy rối, xâm hại tình dục, nơi công cộng và trên môi trường mạng; cũng như cùng nhau đưa ra những sáng kiến nhằm giải quyết thực trạng trên, qua đó góp phần kiến tạo thành phố an toàn và thân thiện, môi trường mạng văn minh.

Về phía đại diện Viện MSD – United Way Việt Nam, ông Trần Quang Thọ đã có chia sẻ: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, nhưng nguyên nhân sâu xa hơn cả chính là những định kiến giới, bất bình đẳng giới. Có khi nhiều người cho đó là chuyện bình thường bởi quan điểm “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”, hay nếu các em gái bị quấy rối, các em lại có thể bị mặc định “Con gái mà, chuyện bình thường”. Việc đổ lỗi cho nạn nhân (như“chắc lại ăn mặc hở hang hay thế nào!”, “ai bảo ra đường vào giờ đấy” v.v.) cũng khiến các nạn nhân không thể lên tiếng, người chứng kiến thì im lặng, thờ ơ. Đó là cách dung dưỡng cho các hành vi xấu tiếp diễn và leo thang. Tôi xin khẳng định: Chuyện quấy rối không thể là chuyện bình thường, không có bất kỳ nguỵ biện nào hợp lý cho việc quấy rối, xâm hại và không thể dung thứ..”

Ông Thọ cũng chia sẻ về dự án “Thành phố An toàn, thân thiện với em gái” do Viện MSD phối hợp với Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động Thương Binh và xã hội, Viện LIGHT và Tổ chức Plan International với mục đích kiến tạo và xây dựng các thành phố tại Việt Nam an toàn và có trách nhiệm với em gái, thu hẹp bất bình đẳng giới, và xoá bỏ các hành vi quấy rối, đặc biệt với em gái, phụ nữ và cộng đồng LGBTIQ, tại nơi công cộng và trên các phương tiện công cộng. Ông Thọ khẳng định vai trò của thanh niên trong việc kiến tạo sự thay đổi thông qua những giải pháp, sáng kiến để hành xử văn minh, tạo nên văn hoá an toàn và thân thiện cả trong đời thực và trên môi trường mạng – giải quyết gốc rễ các vấn đề về bất bình đẳng.

Phát biểu khai mạc chương trình, TS. Phạm Văn Tư – Phó Trưởng Khoa Công tác xã hội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định: “Buổi tọa đàm được thực hiện bởi Viện MSD – United Way Việt Nam phối hợp với Khoa Công tác xã hội là một hoạt động vô cùng ý nghĩa. Khi chúng ta có nhận thức đúng và đủ về hành vi quấy rối trên không gian công cộng hữu hình và vô hình sẽ giúp các bạn trẻ có những hành vi ứng xử phù hợp và các biện pháp để bảo vệ bản thân trước tình huống này.”

Thực trạng quấy rối, xâm hại tình dục nơi công cộng và trên không gian mạng

Theo Báo cáo Khảo sát An toàn của em gái ở nơi công cộng và trên phương tiện công cộng của Tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện năm 2014, 31% trong số 1.128 các em gái được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt và chỉ có 13% em gái và 8% em trai cho rằng các em gái luôn luôn cảm thấy an toàn nơi công cộng. Theo khảo sát của câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội vào tháng 10.2021 với 100 sinh viên: 75% những người được hỏi đã từng bị quấy rối, xâm hại, trong đó có đến 58.3% thủ phạm là những người đàn ông xa lạ. Những năm gần đây, với việc bước vào thời đại 4.0, khi mà chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh là đã có thể tiếp cận internet dễ dàng và nhanh chóng thì phụ nữ, trẻ em gái và nhóm LGBT còn đứng trước nguy cơ là nạn nhân của quấy rối trên môi trường mạng.

TS. Nguyễn Lê Hoài Anh – Phó Trưởng Bộ môn Cơ sở CTXH, Khoa Công tác xã hội chia sẻ:” Những con số đáng báo động được thống kê để nói về tình trạng quấy rối và xâm hại tình dục còn rất ít, chỉ phản ánh một phần các diễn biến tình trạng đang diễn ra phức tạp liên quan đến vấn đề này. Hiện nay những hình thức quấy rối nơi công cộng và đặc biệt trên không gian mạng rất đa dạng, khó đoán, ranh giới giữa những những lời nói, hành động thể hiện tình cảm bình thường với hành vi quấy rối cũng rất mong manh.”

Ngay trong buổi tọa đàm, qua chia sẻ của các bạn sinh viên có thể thấy tỉ lệ các bạn gái, phụ nữ là nạn nhân của nạn quấy rối tình dụ nơi công cộng và trên không gian mạng rất lớn. Đại diện sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội – bạn Giáp Đình Ngự Bình, sinh viên K70 Khoa Công tác xã hội chia sẻ:” Vấn đề quấy rối rất phổ biến trong trường học và nơi công cộng như trên xe bus. Những hành vi quấy rối phổ biến nhất mà bạn trẻ hay gặp như quấy rối trên không gian mạng qua tin nhắn và bị động chạm vào cơ thể.”

Từ chia sẻ từ một bạn sinh viên tham gia tọa đàm cũng chỉ ra, kẻ quấy rối có thể là từ chính những người thân xung quanh các em gái và phụ nữ, dưới vai trò là người thân trong gia đình, những lời tố cáo của nạn nhân với phụ huynh là bị lờ đi và cho rằng đó chỉ là cử chỉ thể hiện sự quý mến, thân thiết giữa họ hàng với nhau.

Ứng phó và phòng chống quấy rối tình dục nơi công cộng và trên không gian mạng

Vấn nạn quấy rối tình dục đã và đang gây bức xúc trong dư luận, nhưng số lượng nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục vẫn tăng lên hàng ngày. Để thay đổi những định kiến, những hành vi quấy rối, bạo lực trên cơ sở giới là điều không hề dễ, đặc biệt, chính những định kiến thường mang đến xu hướng đổ lỗi nạn nhân. Điều nay khiến việc lên tiếng tố cáo của chính nạn nhân và những người chứng kiến hành vi quấy rối, xâm hại tình dục.

Trên không gian mạng, những hành vi quấy rối thông thường có thể là những bình luận khiếm nhã bình phẩm về ngoại hình phụ nữ như “ngon”, gạ gẫm, tán tỉnh, chia sẻ hay gửi những hình ảnh, clip nhạy cảm, bị tung tin sai sự thật… Internet là ảo nhưng có thể để lại những tổn thương, những hậu quả thật với nạn nhân.

Về những biện pháp ứng phó và phòng chống quấy rối, Chuyên gia Mai Thị Bưởi – Trưởng phòng đào tạo, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) chia sẻ:” Khi bị quấy rối trên mạng xã hội, chúng ta nên chặn ngay nick của họ. Trước khi chặn, hãy nói rõ với họ hành vi mà họ đang thực hiện là hành vi quấy rối sau đó chặn nick họ để bảo vệ chính bản thân mình. Còn hướng giải quyết, chúng ta nên tìm đến một bên thứ 3 (ví dụ các tổ chức bảo vệ giới) để có thể nhận được lời khuyên đúng đắn cho hành động của mình.”

Dưới vai trò không chỉ là giảng viên khoa Công tác xã hội và còn là người có nhiều năm nghiên cứu, quan sát và tư vấn trong lĩnh vực xã hội, TS. Nguyễn Lê Hoài Anh chia sẻ:” Khi bị quấy rối, mọi người thường có tâm lý sợ hãi và im lặng vì khi thổ lộ ra bản thân sẽ bị mọi người đổ lỗi, đánh giá, bàn tán hoặc thậm chí bị trả thù bởi người quấy rối. Im lặng chỉ làm danh sách nạn nhân gia tăng, nếu chúng ta tiếp tục im lặng mọi người xung quanh sẽ là những nạn nhân tiếp theo của quấy rối, không chỉ riêng chúng ta. Nhiều khi chúng ta cũng thiếu kỹ năng để ứng phó trước vấn đề quấy rối, không biết nhiều thông tin địa điểm để lên án,… chúng ta thiếu rất nhiều thứ vì vậy mới chọn im lặng. Vì vậy, các bạn trẻ nên và có thể tham gia các hoạt động như tọa đàm hôm nay, tìm hiểu và học hỏi thêm nhiều kiến thức và chuẩn bị đầy đủ hành trang để bảo vệ bản thân.”

Thanh, thiếu niên là một lực lượng quan trọng đối với tiến trình phát triển của quốc gia nói chung và của địa phương nói riêng. Sự tham gia của thanh, thiếu niên vào nỗ lực phòng ngừa bạo lực giới , xây dựng một cộng đồng sống an toàn, lành mạnh là điều quan trọng và cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, thanh niên được đánh giá là lực lượng ưu tú am hiểu về các vấn đề công nghệ tiên phong, dẫn đầu trong quá trình tiếp cận thông tin, dẫn dắt thay đổi tích cực trong xã hội. Đại diện sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bạn Giáp Đình Ngự Bình – Sinh viên K70, khoa Công tác xã hội chia sẻ: “Là sinh viên của khoa Công tác xã hội và cũng thuộc thế hệ thanh niên thời đại mới, tôi nghĩ chúng tôi sẽ lên tiếng trước những hành vi quấy rối, kêu gọi mọi người cùng chung tay và đưa nạn quấy rối tình dục nơi công cộng vào các đề tài nghiên cứu để vấn đề được giải quyết triệt để”

Thành phố an toàn: Xây dựng không gian công cộng và không gian mạng an toàn, văn minh với em gái và phụ nữ

Là một trường đại học luôn tích cực hưởng ứng chuỗi hoạt động nhằm xây dựng không gian an toàn, đại diện trường, TS. Nguyễn Lê Hoài Anh – Phó Trưởng Bộ môn Cơ sở CTXH, Khoa Công tác xã hội chia sẻ:” Các bạn sinh viên của khoa Công tác xã hội – Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội đã được học hỏi rất nhiều kiến thức khi chúng tôi lồng ghép rất nhiều nội dung vào chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức rất nhiều cuộc thi để giúp các em học hỏi kiến thức về quấy rối, xâm phạm tình dục nói riêng và về giới nói chung. Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra một môi trường văn mình, an toàn nhất để các bạn phát triển và học tập. Chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động: triển khai với khoa Tâm lý xây dựng “Trường học an toàn”, và đồng thời phối hợp cùng Viện MSD thực hiện nhiều hơn nữa các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và kĩ năng cho các bạn sinh viên”.

Nằm trong nỗ lực nâng cao nhận thức và kỹ năng ngăn ngừa quấy rối tình dục trên mạng cho sinh viên từ các trường Đại học, các trường Phổ thông và người lao động trẻ tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, Viện MSD, Trung tâm CSAGA và các đơn vị khác phối hợp thực hiện chuỗi hoạt động truyền thông mang tên: TING TING Văn minh. Chia sẻ về chuỗi hoạt động, bà Mai Văn Bưởi chia sẻ:” Những hành vi quấy rối đang hiện hữu rất nhiều và ngày càng phổ biến, thông qua một số hành động: đứng sát, động chạm người đối diện trên xe bus, nhắn tin và trò chuyện về các vấn đề 18+ mà đối phương không thoải mái,… Ngày nay, chúng ta có nhiều cơ hội để chia sẻ, kể những câu chuyện về vấn đề quấy rối qua các tổ chức như Viện MSD, Trung tâm CSAGA, Ngôi nhà bình yên,… Chiến dịch “Ting ting văn minh” được Trung tâm CSAGA phối hợp cùng Viện MSD – United Way Việt Nam và các đơn vị khác tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và ngăn ngừa quấy rối trên môi trường mạng. Trong chiến dịch, chúng tôi tạo ra rất nhiều cuộc thi và mini game để nâng cao nhận thức về vấn đề quấy rối. Các bạn có thể tham khảo thêm về cuộc thi https://www.facebook.com/196288960522275/posts/3781218452029290/?d=n

Là một nhà sáng tạo nội dung tích cực trong các chiến dịch cộng đồng, anh Nguyễn Việt Anh – thành viên nhóm Vlog 1977 chia sẻ:” “Đại diện cho sinh viên, mình nghĩ thế hệ thanh niên sẽ cố gắng, và hành động quyết liệt chống nạn quấy rối tình dục qua các hoạt động và sản phẩm truyền thông tuyên truyền. Mình mong rằng mỗi sản phẩm của mình sẽ phần nào ngăn chặn được những hành vi của mọi người. Mình cũng muốn gửi thông điệp đến mọi người hãy trân trọng giá trị của bản thân mình, yêu thương bản thân, có như vậy khi gặp tình trạng quấy rối các bạn mới đưa ra những phương pháp giải quyết đúng đắn nhất.”

Khép lại chương trình, các diễn giả và các khán giả xem livestream đã cùng nhau đưa ra thông điệp và cử chỉ thể hiện sự cam kết trong việc bảo vệ em gái, phụ nữ và LGBTIQ+ khỏi mọi hành vi quấy rối trong đời thực và trên môi trường mạng. Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể trở thành những người tiên phong dẫn dắt sự thay đổi. Khi chúng ta đồng lòng lên tiếng, đoàn kết hợp tác và nỗ lực hành động, mọi hành vi quấy rối phụ nữ, em gái dù ở đâu, dù dưới hình thức nào đều sẽ phải chấm dứt.

Xem lại chương trình tại đây: https://www.facebook.com/dieutokhongmuon/videos/3199095283748086

————————————

Về Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) – United Way Vietnam

MSD – United Way Việt Nam hướng tới một Việt Nam bền vững công bằng và bình đẳng, nơi tất cả các cá nhân và gia đình có thể phát huy tối đa các tiềm năng của mình thông qua giáo dục chất lượng, thu nhập ổn định và cuộc sống mạnh khoẻ. Chúng tôi nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống bền vững của các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương thông qua huy động và liên kết sức mạnh, xây dựng hệ sinh thái đoàn kết hợp tác trong thực hành phát triển bền vững. MSD tập trung vào các mảng lĩnh vực: (1) Giáo dục cho phát triển; (2) Cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống; (3) Sức khoẻ môi trường với cách tiếp cận xuyên suốt của phát triển bền vững, thúc đẩy đoàn kết – hợp tác, đảm bảo bình đẳng và sự tham gia, ứng dụng đổi mới sáng tạo.

Liên hệ truyền thông:

Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) (Ms) Khương Khánh Linh – Cán bộ Truyền thông

Email: communication@msdvietnam.org

Điện thoại: 024 62769056 – 0963697580

Địa chỉ: Phòng 1007, toà nhà 17T9 Hoàng Đạo Thuý, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Website: www.msdvietnam.org

Fanpage: https://www.facebook.com/www.msdvietnam.org

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.