MSD và báo chí

TTBC: Lễ trao giải cuộc thi Giải pháp tương lai và kết nối đầu tư

THÔNG TIN BÁO CHÍ

LỄ TRAO GIẢI CUỘC THI GIẢI PHÁP TƯƠNG LAI

TOẠ ĐÀM KẾT NỐI CÁC START-UP

Hà Nội, ngày 17.12.2021 – Với mong muốn vinh danh các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng kiến tạo tác động xã hội và kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam, giải quyết những thách thức đặt ra trong bối cảnh Covid-19, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) – United Way Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân, với sự hỗ trợ tài chính của chương trình Shinhan Square Bridge Vietnam tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi Giải pháp tương lai và các phiên Hội thảo – Toạ đàm kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội.

TECHFEST 2021 là năm đầu tiên có sự tham gia của Làng Thách thức và Sáng tạo xã hội với mục tiêu kết nối các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư, viện trường, doanh nghiệp khởi nghiệp, tổ chức xã hội nhằm thúc đẩy các mô hình, sáng kiến đổi mới sáng tạo, giải quyết những thách thức của xã hội, hỗ trợ các nhóm yếu thế trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong hơn 3 tháng tham dự, Làng Thách thức và Sáng tạo xã hội đã ghi dấu ấn với các chuỗi hội thảo, toạ đàm, cuộc thi, các hoạt động hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Lễ trao giải Cuộc thi “Giải pháp tương lai 2021” – những doanh nghiệp khởi nghiệp “Tạo xu hướng, dẫn dắt thay đổi”

Phát biểu khai mạc Lễ trao giải và tổng kết hoạt động của Làng, Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD – United Way Vietnam, Trưởng Làng chia sẻ các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội chính là các tổ chức tiên phong dẫn đầu xu hướng: “Tôi nhớ mấy năm trước đây, khi chủ đề về doanh nghiệp xã hội, chủ đề về doanh nghiệp hay khởi nghiệp tạo tác động xã hội, mọi người thường nói đó là những người phi lý, người lệch chuẩn thông thường, người mộng mơ, người phải vượt lên rất nhiều những khó khăn để thành công, bởi không chỉ giải bài toán kinh tế, những người dấn thân này còn giải bài toán xã hội. Nhưng tôi nghĩ, đó là câu chuyện của những năm trước, khi Mục tiêu phát triển bền vững, sự phấn đấu về công bằng xã hội, và niềm tin vào một xã hội bình đẳng, văn minh chưa được đặt vào trọng tâm và xu hướng nỗ lực của tất cả các bên liên quan trong xã hội từ nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư, khởi nghiệp, NGOs, Viện trường, v.v. Vai trò giải quyết các thách thức xã hội, thúc đẩy nền kinh tế xanh, tuần hoàn, không còn chỉ là vai trò của nhà nước và các tổ chức phát triển mà là xu thế trên toàn cầu, thúc đẩy sự tham gia tích cực của khối các doanh nghiệp, nhà đầu tư và khởi nghiệp. Sự chuyển mình và thay đổi có thể nhanh, có thể chậm ở mỗi nơi, mỗi thiết chế trên thế giới, nhưng có 1 sự vận hành rõ ràng rằng: Những người phi lý hay lệch chuẩn, ngược chiều trước kia đang dẫn đầu và đi theo xu hướng, họ không còn là những người đơn độc. Những startups tạo tác động và được vinh danh ngày hôm nay chính là những người tiên phong, “tạo xu hướng, dẫn dắt thay đổi” vì Việt Nam bình đẳng, hùng cường và phát triển bền vững”.

Đại diện chương trình Shinhan Square Bridge – đơn vị tài trợ của Làng và đồng thời hỗ trợ Vàng cho TECHFEST 2021, bà Phó chủ tịch tổ chức United Way Worldwide phụ trách khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc & Nhật Bản nhấn mạnh: “Thông qua những hoạt động của Làng Thách thức và Sáng tạo xã hội, chúng tôi muốn có thể kết nối với những nhà đầu tư để tiến tới sự phát triển bền vững trong thời kỳ đại dịch. Thông qua Công Nghệ, chúng ta có thể hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn trong đại dịch và tác động xã hội. Chỉ có đổi mới sáng tạo chúng ta mới có thể giúp đỡ toàn xã hội ở bất kỳ khu vực địa lý nào. Shinhan Square Bridge rất vinh dự khi trở thành nhà tài trợ cho Làng và TECHFEST 2021. Được biết rằng, Việt Nam là một thị trường quan trọng và chúng tôi cũng có những sự hợp tác với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp xã hội, cộng đồng để có thể thúc đẩy những chương trình này. Tôi cũng có những trải nghiệm tuyệt vời với các startup và chính tôi cũng được học rất nhiều từ chính họ. Những startup đã bắt đầu nhân rộng mô hình của họ rất nhiều tuy nhiên họ vẫn còn gặp nhiều thách thức khi tiếp cận khách hàng, tìm ra hướng đi cho doanh nghiệp… và khi đó chúng tôi đã bắt tay cùng nhau để giúp đỡ cộng đồng Việt Nam và tạo ra chương trình Living Lab để thúc đẩy việc này nhiều hơn nữa. Xin chúc mừng tất cả startup vì những thành công mà các bạn đã đạt được và xin cảm ơn tất cả các quý vị đã đồng hành cùng chúng tôi trong suốt thời gian qua.”

Phát biểu ghi nhận những đóng góp của Làng Thách thức và Sáng tạo xã hội, ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng – Cục phát triển thị trường & doanh nghiệp khoa học công nghệ, Cộ Khoa học & Công nghệ cho biết: “Tuy là một làng mới ra mắt trong năm nay, nhưng Làng đã đưa ra nhiều sáng kiến, trong đó có cuộc thi để tìm ra những giải pháp cho cộng đồng vượt qua thách thức trong bối cảnh dịch COVID. Nhiều cố vấn, chuyên gia của Làng đã tận tình đồng hành cùng các đội thi để tìm ra những giải pháp tốt nhất, tìm ra những công nghệ mới, những giá trị mới để phục vụ cho cộng đồng và xã hội và đây là cách chúng ta cùng vượt qua đại dịch COVID. Ban tổ chức TECHFEST Quốc gia trân trọng ghi nhận và đánh giá rất cao những nỗ lực và đóng góp của Làng. Chúng tôi cũng mong rằng các đội thi sẽ tiếp tục phát huy những sáng kiến của mình để có những sáng tạo mới, tìm ra giải pháp mới, giúp cho Làng tìm ra những sáng kiến mới để giải quyết các thách thức xã hội.”

Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp, những người trẻ, các nhóm khởi nghiệp phát hiện và đề xuất các ý tưởng, giải pháp sáng tạo để giải quyết các thách thức, đồng thời thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo xã hội, tạo nền tảng cho các dự án khởi nghiệp tham gia sâu hơn vào các Chương trình tăng tốc cấp Quốc gia và Quốc tế, Làng Thách thức và sáng tạo xã hội trong khuôn khổ TECHFEST 2021 tổ chức Cuộc thi “Giải pháp tương lai 2021” trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2021. Cuộc thi được tài trợ bởi chương trình Shinhan

Square Bridge Việt Nam và Chương trình hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia 844. Cuộc thi đã nhận sự hưởng ứng tham gia sôi nổi từ hơn 50 doanh nghiệp khởi nghiệp và 17 nhóm ý tưởng trên khắp mọi miền đất nước với nhiều mô hình, dự án và ý tưởng độc đáo, sáng tạo và hứa hẹn sẽ mang lại những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Sau hơn 2 tháng triển khai, tiếp nhận hồ sơ, các vòng tuyển chọn, đào tạo, tập huấn, Ban tổ chức và hội đồng giám khảo đã tìm ra những đội thi xuất sắc nhất để vinh danh trong buổi lễ.

Trong đó, giải Nhất bảng doanh nghiệp đã thuộc về SheCodes Vietnam – một doanh nghiệp khởi nghiệp mang lại cơ hội tiếp cận khoa học công nghệ, lập trình cho hàng nghìn nữ sinh, phụ nữ Việt Nam, xoá bỏ khoảng cách số và bất bình đẳng giới. Giải thưởng của SheCodes là 50,000,000 VNĐ tiền mặt và các hỗ trợ kỹ thuật khác trong chương trình Shinhan Square Bridge do MSD và UWW điều phối. Giải nhì là Công ty TNHH TreeOTek và VietSearch. TreeOTek là công ty có sản phẩm tuyệt vời trong việc lọc không khí thông minh, bảo vệ môi trường và sức khoẻ của mọi người còn VietSearch có ứng dụng hiệu quả trong việc kết nối các chuyên gia kiều bào Việt Nam trên toàn thế giới. Mỗi giải nhì sẽ nhận được giải thưởng tiền mặt trị giá 25,000,000 VNĐ và các hỗ trợ kỹ thuật từ Shinhan Square Bridge. Đặc biệt, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nữ giới, Cuộc thi Giải pháp tương lai có riêng 1 giải thưởng dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ sáng lập và lãnh đạo trị giá 20,000,000 VNĐ tiền mặt và các hỗ trợ khác đã dành cho PVA Pro JSC và sáng lập viên Thái Như Hằng.

Ở bảng ý tưởng khuyến khích các mầm non khởi nghiệp sáng tạo, Giải Nhất bảng nhóm ý tưởng thuộc về anh Đinh Xuân Anh với ý tưởng Ứng dụng MLEM. Ngoài ra còn có 2 giải nhì, 3 giải 3 và 4 giải khuyến khích cũng do chương trình Shinhan Square Bridge tài trợ.

Bà Nguyễn Huyền My – Sáng lập và điều hành SheCodes – Quản quân cuộc Thi Giải pháp Tương lai 2021 chia sẻ: “Chúng tôi vô cùng vinh dự và tự hào khi nhận được giải thưởng này, bởi điều này phần nào chứng tỏ sự lớn mạnh và được công nhận của chương trình công nghệ giáo dục để giảm thiểu bất bình đẳng giới trong việc tiếp cận giáo dục. Khi Công nghệ ngày càng phát triển, sẽ không ai bị bỏ lại phía sau. Cuộc thi là cơ hội tốt để chúng tôi có giao lưu, học hỏi và đây sẽ là bệ phóng để có thể tiếp tục phát triển trong tương lai.”

Bên cạnh giải thưởng tiền mặt, các đội đạt giải và Top 15 chung cuộc đều nhận được giấy chứng nhận cùng các hỗ trợ triển lãm, huấn luyện, kết nối khác từ chương trình Shinhan SquareBridge Vietnam.

KẾT NỐI NHÀ ĐẦU TƯ: “Đầu tư vào giá trị là sự đầu tư bền vững”

Chương trình được tiếp nối với 2 phiên toạ đàm – hội thảo với chủ đề: Đầu tư và huy động nguồn lực cho đổi mới sáng tạo xã hội và Sáng tạo xã hội và tiếp thị kỹ thuật số trong thời đại mới.

Tại phiên 1, đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chia sẻ về những thông tin, kì vọng và kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp, gọi vốn cho các start-up.

Phiên 1 có sự tham gia của các nhà đầu tư nổi tiếng tại Việt Nam và khu vực bao gồm:

– Bà Khúc Thị Hồng Nga – Giám đốc Công ty CP Truyền thông Vietnam Startup TV (VSTV)

– Ông Chính Nguyễn – Phụ trách đầu tư BEENEXT

– Ông Makoto Tominaga – Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Credify

– Ông Đức Khổng – Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ VietinBank

– Ông Bobby Liu – Giám đốc EIR, TouchStone Partners

– Ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc điều hành CyberAgent Capital

Với nhiều năm kinh nghiệm làm cố vấn, chuyên gia đào tạo cho các start-up, bà Khúc Thị Hồng Nga chia sẻ kinh nghiệm về cách thức thu hút sự quan tâm và đầu tư từ các nhà đầu tư: “Hãy xác định những mục tiêu các bạn dành cho khách hàng. Khi ý tưởng đã tốt rồi, các bạn hãy phát triển những điều khác biệt: ý tưởng của mình sẽ mang lại giá trị gì cho cộng đồng? Các bạn có điểm khác biệt gì so với những doanh nghiệp khác? Những điều này sẽ thu hút các nhà đầu tư bởi nó là lợi thế cạnh các doanh nghiệp với nhau. Từ đó, các bạn hãy xây dựng các chiến lược, vận hành và marketing riêng,…”

Ở góc độ nhà đầu tư, Ông Bobby Liu cho biết: “Chúng tôi, các nhà đầu tư đều có quan điểm khá giống nhau. Chúng tôi có thể thấy rằng ý tưởng đầu tư của ai và liệu rằng người có ý tưởng này có thể tiếp tục thực hiện hay không. Mỗi đội nhóm cần có những thành viên cốt lõi. Đầu tiên, chúng ta cần gây ra sự ấn tượng đối với các nhà đầu tư và điều đó có nghĩa là chúng ta cần những người sáng lập tốt và sự hợp tác tốt. Chúng ta cần phải làm mọi thứ từ A-Z và phải hiểu được chúng ta đang làm gì, hiểu được tầm nhìn của chúng ta. Chúng tôi có các yếu tố để đánh giá 1 startup có đang thành công hay không, ví dụ như nhu cầu thị trường. Các nhà sáng lập phải thực sự kiên trì với ý tưởng của họ. Chúng ta không tìm kiếm những nhà sáng lập chỉ nói giỏi, họ cần phải tin tưởng vào những việc họ đang làm và họ phải có những đặc điểm khác biệt để giải quyết vấn đề.”

Ông Đức Khổng chia sẻ về các doanh nghiệp tạo tác động xã hội: “Có tương đối nhiều các dự án về giải quyết vấn đề xã hội, tuy nhiên cần nhớ rằng nếu muốn phát triển bền vững và trường tồn, giúp đỡ được người khác thì trước hết các sáng kiến của các bạn phải có lợi nhuận. Đối với người đi làm thẩm định đầu tư, chúng tôi quan tâm nhất là những người đang vận hành có tâm huyết với startup không? Ý tưởng cũng quan trọng nhưng các quan trọng hơn là quá trình chuyển

hóa ý tưởng thành sản phẩm, vận hành theo đúng hướng và áp dụng được ra thị trường. Trong quá trình vận hành, các bạn nên tìm các chuyên gia phù hợp để có thể giúp đỡ các bạn triển khai sản phẩm một các tốt nhất, để kinh doanh cho những người chuyên môn. Thẩm định quan trọng thứ 2 là mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Các bạn cần vạch ra lộ trình cụ thể và phù hợp, thực hiện đúng vai trò là người sáng tạo ý tưởng. Cho đến bây giờ, ở Việt Nam tập trung vốn cho doanh nghiệp chủ yếu vẫn là vốn tự túc. Vốn từ ngân hàng thương mại phải phụ thuộc vào nhà nước và các startup phải chứng minh được những thành quả của mình trong tương lai mới được cấp vốn. Việc gây quỹ vẫn phải chịu nhiều quy định của luật.”

Trong phiên 2 về Sáng tạo xã hội và truyền thông kỹ thuật số, diễn giả là các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, tiếp thị đưa ra những lời khuyên trong việc phát triển hình ảnh, thương hiệu của start-up.

Bà Hằng Phạm – Sáng lập và Chủ tịch BambuUp chia sẻ về việc chuyển đổi số trong truyền thông – marketing: “Chuyển đổi số là một phần của đổi mới sáng tạo, tuy nhiên cách đổi mới là do các bạn lựa chọn. Không phải cứ có công nghệ mới tạo ra đổi mới sáng tạo. Hiện nay chúng tôi đang thực hiện báo cáo, lần đầu tiên đưa ra bản đồ của đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, trước hết trụ cột con người, trụ cột 2 là kinh tế, trụ cột 3 là tạo tác động xã hội như môi trường, phát triển bền vững và trụ cột cuối là Công nghệ. Khi các bạn tạo ra các ý tưởng về tạo tác động xã hội, các nhà đầu tư sẽ lồng ghép các ý tưởng của startup vào việc kinh doanh.”

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc chính sách, Tiktok Việt Nam cho biết “Xu hướng truyền thông xã hội đang rất rõ rệt, những yếu tố tích cực, nhân văn đang là những điều rất cần thiết cho cuộc sống. Theo số liệu thống kê rất cụ thể của Tiktok, các chủ đề tích cực nhân văn mới có khả năng thu hút lâu dài và tương tác tích cực, chứ không phải các yếu tố chỉ gây sốc, bạo lực, v.v. mà chúng ta vẫn nghĩ sẽ giật gân dễ hút người xem hơn. Chính vì thế, việc các startups tạo tác động, rất có lợi thế có thể kể câu chuyện nhân văn, mang lại giá trị lâu dài, để làm sắc nét thương hiệu, đóng góp và hình ảnh tốt đẹp tích cực tạo nên niềm tin bền vững từ khách hàng”.

Chia sẻ về quan điểm muốn đẩy mạnh thương hiệu cần yếu tố viral, gây sốc, Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long – Sáng lập Truyền thông trăng đen cho biết: “Không nên xem việc viral là kim chỉ nam để truyền thông mà tập trung vào các giá trị, nội dung mà bạn có thể truyền tải tới khách hàng. Ngoài ra, đừng xem viral là cứ phải giật gân, gây sốc, mà có rất nhiều yếu tố để có thể làm truyền thông viral – đặc biệt lạ và sáng tạo lại là lợi thế của các startups. Tuy nhiên, để phát triển lâu dài, tôi khuyên các startup hãy làm thật tốt những truyền thông căn bản, xây dựng nội dung và phát triển kênh truyền thông và có sự chỉn chu về nội dung ngay từ đầu và thường xuyên. Thông qua lễ trao giải hôm nay, các bên liên quan có thể ngồi lại để thông qua 1 mô hình chuẩn chỉnh về marketing dành cho startup”

Xem lại chương trình tại đây: https://www.facebook.com/livinglabvn/videos/598289104780096

—————

Về Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) – United Way Vietnam

Là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, MSD nỗ lực hành động vì một môi trường phát triển thuận lợi cho sự phát triển của khối các tổ chức xã hội và thúc đẩy việc thực hiện quyền của các nhóm cộng đồng bị lề hoá và dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật. Hiện nay, MSD được công nhận là một tổ chức đi đầu trong việc phối hợp, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ nâng cao năng lực, đào tạo và tham vấn cho các tổ chức xã hội tại Việt Nam. Thêm vào đó, MSD cũng là một tổ chức chuyên nghiệp đáp ứng hiệu quả nhu cầu và bảo vệ quyền của các cộng đồng yếu thế, bao gồm thúc đẩy bình đẳng giới, thông qua các chương trình, dự án và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, người nhập cư và người khuyết tật, v.v… tại Việt Nam.

 

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.