MSD và báo chí

TTBC: Hội thảo Tham vấn Dự thảo Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình (sửa đổi)

HỘI THẢO

THAM VẤN DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH SỬA ĐỔI

Hà Nội, ngày 04.11.2021 – Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em thực hiện Hội thảo tham vấn dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) sửa đổi với sự tham gia của đại diện từ các tổ chức xã hội, đặc biệt là các tổ chức xã hội làm việc vì trẻ em tại Việt Nam. Sự kiện được thực hiện với sự hỗ trợ tài chính từ Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tể (Save the Children).

Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, với mong muốn có thể tham gia đề xuất, đóng góp ý kiến và vận động chính sách cho Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em (CRG) tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) sửa đổi. Hội thảo có sự tham gia của ông Khuất Văn Quý – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch – Cơ quan soạn thảo Luật, các chuyên gia, đại diện gần 40 tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bảo vệ quyền của người khuyết tật.

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD chia sẻ: “Bạo lực gia đình vẫn là vấn nạn chung của toàn xã hội. Nhà không còn là nơi chỉ có an toàn và yêu thương, mà còn là những địa ngục với các nạn nhân bạo lực gia đình, đặc biệt là trong bối cảnh Covid19 và giãn cách xã hội, việc bỏ trốn hay kêu cứu là không thể. Việc sửa đổi luật PCBLGĐ lúc này là vô cùng hợp lý và kịp lúc. Chúng tôi mong rằng với hội thảo hôm nay, chúng ta có thể lắng nghe, tiếng nói, tham góp của các bên liên quan ảnh hưởng bởi Luật, đặc biệt là bao gồm các nhóm dễ bị tổn thương”. Bà Linh nhấn mạnh “Đặc biệt, các tổ chức thành viên của Mạng lưới Quản trị Quyền trẻ em hôm nay, các tổ chức tha thiết kiến nghị Ban dự thảo Luật quan tâm tới tiếng nói của trẻ em, đối tượng bị ảnh hưởng và có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình, chứng kiến bạo lực gia đình nhưng dễ bị yếu thế và quên lãng, trong đó có cả trẻ em khuyết tật, trẻ LGBT, v.v. càng thêm yếu thế. Các em cần được quan tâm, tôn trọng, ưu tiên trong dự thảo Luật, vì Bạo lực gia đình sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thể chất, tinh thần và sự hát triển của trẻ; sau khi lớn lên, cũng có thể ảnh hưởng tới gia đình tương lai của các em. Trong khi đó, nếu trẻ em được bảo vệ an toàn, và được lên tiếng, chính các em là tác nhân của sự thay đổi và khiến Luật phòng, chống bạo lực gia đình được thực thi hiệu quả, triệt để”

Sau phần chia sẻ trình bày dự thảo Luật với những điểm nổi trội của dự thảo Luật so với Luật năm 2007 của ông Khuất Văn Quý, các đại biểu đã tích cực trình bày các tham luận và các ý kiến đa chiều đóng góp cho dự thảo Luật.

Bà Nguyễn Thu Hà – Đại diện Hội bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam nhấn mạnh: “Ở nhiều gia đình Việt Nam hiện nay, trẻ em là nạn nhân của các hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên Luật PCBLGĐ năm 2007 chỉ đề cập tới vấn đề bảo vệ nạn nhân của BLGĐ nói chung chứ chưa tập trung cụ thể vào trẻ em. Các tổ chức xã hội hiện nay có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền của các nhóm yếu thế, trong đó có trẻ em, tuy nhiên vai trò của các tổ chức xã hội vẫn chưa được đề cập trong các văn bản, chính sách. Dự thảo luật mới cần bổ sung và nâng cao vai trò truyền thông, nâng cao nhận thức và hỗ trợ nạn nhân của các tổ chức xã hội.”

Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) đề xuất: “Trẻ em khuyết tật nói riêng và người khuyết tật nói chung có nguy cơ bị bạo lực bởi người thân trong gia đình cao hơn người không khuyết tật. Cần bổ sung các chính sách cụ thể đảm bảo nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ, bảo vệ các đối tượng yếu thế là người bị BLGĐ, quy định những điều kiện đảm bảo đặc thù trong thông tin, giáo dục, truyền thông và tư vấn về BLGĐ đối với một số đối tượng ưu tiên, cũng như hỗ trợ đặc biệt cho những người khuyết tật là nạn nhân của bạo lực gia đình.”. Bà Lan Anh cũng nêu ví dụ “Người khuyết tật, bao gồm cả trẻ em khi là nạn nhân của bạo lực gia đình, khi muốn tiếp cận các cơ quan chức năng thì rất khó, ví dụ, các địa điểm các cơ quan chức năng không tiếp cận, hay nhà tạm lánh cũng không tiếp cận với người khuyết tật vận động, không có kiến thức kỹ năng để chăm sóc, làm việc, tham vấn cho người khuyết tật”.

Đại diễn Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em, bà Nguyễn Hải Anh – Quản lý dự án Viện MSD chia sẻ khuyến nghị chung của mạng lưới: “Cần nhìn nhận nguyên nhân sâu xa của BLGĐ và bạo lực giới nói chung là xuất phát từ vấn đề bất bình đẳng giới, định kiến giới, định kiến thứ bậc, mất cân bằng quyền lực hoặc rối loạn chức năng trong gia đình; sự thiếu hụt về kỹ năng của cha mẹ, người chăm sóc trẻ để đưa ra những biện pháp giải quyết vấn đề BLGĐ phù hợp, hiệu quả hơn. Cần có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề BLGĐ nói chung, BLGĐ đối với trẻ em nói riêng để thay đổi những quan niệm mang tính “chấp nhận”, “cổ vũ” cho BLGĐ và mang tính định kiến giới như: “thương cho roi cho vọt”, “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, “tam tòng tứ đức”, “đàn ông là trụ cột trong gia đình,v.v… ” Một số các khuyến nghị nổi bật của Mạng lưới quản trị quyền trẻ em bao gồm:

– Cần giải thích thêm khái niệm “trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em” là bạo lực gia đình do có nhiều cha mẹ vẫn nhầm lẫn đây là hành vi có thể chấp nhận để giáo dục, dạy bảo con trong gia đình. Dự thảo Luật cần quy định cụ thể và đầy đủ hơn các loại hành vi BLGĐ, bao gồm cả các hành vi trừng phạt thể chất, tinh thần đối với trẻ em; các hành vi xâm hại tình dục trẻ em (theo quy định tại các Điều 142, 144, 145, 146, 147 Bộ luật hình sự); các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định tại các Điều 22, 27, 28, 29, 30 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 và các hành vi vi phạm hành chính trong phòng, chống bạo lực gia đình quy định tại các Điều 49, 50, 51, 52, 53, 54, 56, 57 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.

– Trong dự thảo Luật cần có các quy định đặc thù, thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, đặc điểm cá nhân,… với các trường hợp người bị bạo lực là trẻ em và người gây ra bạo lực là trẻ em, bao gồm các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý người có hành vi BLGĐ cũng như các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, phục hồi cho người bị bạo lực; phòng ngừa tái diễn các hành vi bạo lực. Riêng đối với trẻ em là nạn nhân bị bạo lực, ngoài việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ về y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý thì cần quan tâm tới việc học tập và bảo vệ bí mật đời tư cho trẻ, bảo đảm trẻ được phục hồi, tái hòa nhập và phát triển toàn diện sau khi bị bạo lực.

– Dự thảo Luật cần chú trọng các biện pháp phòng ngừa BLGĐ (bao gồm cả phòng ngừa hành vi BLGĐ xảy ra và phòng ngừa tái diễn hành vi BLGĐ). Đồng thời với các biện pháp xử lý người có hành vi BLGĐ cần ưu tiên áp dụng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục để giúp họ nâng cao nhận thức về hậu quả, tác hại của BLGĐ, trang bị cho họ các kỹ năng để thay đổi hành vi ứng xử, sử dụng các biện pháp phi bạo lực để giải quyết các xung đột, mâu thuẫn trong gia đình; áp dụng phương pháp giáo dục tích cực thay vì các biện pháp giáo dục “dựa trên nỗi sợ”, kỷ luật theo kiểu “trừng phạt” trẻ em.

– Dự thảo Luật nên đề cập cụ thể chi tiết hơn có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề BLGĐ nói chung, BLGĐ đối với trẻ em nói riêng để thay đổi những quan niệm mang tính “chấp nhận”, “cổ vũ” cho BLGĐ và mang tính định kiến giới như: “thương cho roi cho vọt”, “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, “tam tòng tứ đức”, “đàn ông là trụ cột trong gia đình,v.v…

– Dự thảo Luật cần chú trọng nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác PCBLGĐ, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong PCBLGĐ từ cấp Trung ương tới cấp địa phương. Cần có đường dây nóng và các ứng dụng công nghệ thông tin để các gia đình, nạn nhân có thể dễ dàng tiếp cận; tuy nhiên, Mạng CRG không tán thành việc tích hợp vào Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 vốn là Tổng đài dành riêng cho việc bảo vệ, hỗ trợ, tư vấn giáo dục trẻ em. Nếu tích hợp vào Tổng đài có thể dễ có sự chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ và dễ dẫn đến rủi ro trẻ em tiếp tục không được ưu tiên, để ý, dễ bị quên lãng khi nói tới vấn đề bạo lực gia đình.

– Dự thảo Luật nên thúc đẩy hơn nữa việc xã hội hóa, khuyến khích và huy động hiệu quả sự tham gia của các tổ chức xã hội, các đoàn thể quần chúng và cộng đồng dân cư vào công tác PCBLGĐ.

Tham gia ý kiến từ các đại biểu tham dự hội nghị, Bà Hoàng Thị Tây Ninh – Đại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em một lần nữa bổ sung và khẳng định: “Các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần vẫn chưa được xác định đúng là bạo lực trẻ em. Trong khi nhiều nước đã bao gồm vấn đề này trong Luật thì Việt Nam chưa quy định rõ, chính vì thế việc đưa việc cấm, chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần với trẻ em vào dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình sẽ là một bước tiến cụ thể của Việt Nam trong bảo vệ và hỗ trợ trẻ em phát triển toàn diện.

Bên cạnh ý kiến của các Tổ chức xã hội, Hội thảo còn chia sẻ ý kiến của trẻ em. Để thu thập thêm ý kiến của trẻ em về dự thảo Luật PCBLGĐ, MSD đã thực hiện khảo sát với gần 5.500 trẻ em và thực hiện thảo luận sâu với các nhóm trẻ em tại các tỉnh, thành phố. Ông Mai Đức Vũ – Chuyên gia thực hiện khảo sát này đã chia sẻ một số phát hiện chính từ khảo sát này: “Dưới góc nhìn của trẻ, các hành vi trừng phạt thể chất tinh thần chính là bạo lực; những “Ông bà, bố mẹ hay áp dụng các biện pháp phạt khiến trẻ cảm thấy đau đớn, sợ hãi, tổn thương” được trẻ lựa chọn là nhóm đối tượng có nguy cơ gây ra BLGĐ cao thứ hai (66,9% số trẻ lựa chọn), chỉ sau nhóm “Người nghiện rượu, bia, ma tuý và các chất gây nghiện khác” (76,5% số trẻ lựa chọn).” hay “Trở ngại lớn nhất mà trẻ cho rằng mình có thể gặp phải khi báo tin hoặc tìm kiếm sự trợ giúp là “Em không biết là mọi người có tin những điều mình nói hay không và có giúp mình không?” (59%). Trở ngại lớn thứ hai đối với trẻ là trẻ “Không biết ai, cơ quan nào có thể giúp đỡ những người bị bạo lực để liên hệ” (52%).”

Các em cũng đưa ra khuyến nghị với các cơ quan nhà nước, gia đình, nhà trường và truyền thông, báo chí, có thể kể đến như: Các cơ quan nên đưa ra các luật lệ về PCBLGĐ, xử phạt nghiêm các hành vi về BLGĐ; Tổ chức truyền thông đến cả trẻ em và người lớn về kiến thức, kỹ năng để chủ động trong PCBLGĐ; Khuyến khích trẻ em tham gia vào các hoạt động giáo dục về BLGĐ; Quan tâm cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên kiểm tra các hộ gia đình có xu hướng BLGĐ; Ba mẹ cần gắn kết yêu thương trong gia đình, có sự thấu hiểu, quan tâm đến con cái; Cha mẹ cần tự chủ bản thân và thấu hiểu con cái, cần dạy dỗ, khuyên dạy con đúng cách, biết cách áp dụng các biện pháp phạt phù hợp với trẻ em; Nhà trường, Thầy cô cần phải là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho học sinh, chú ý quan tâm đến học sinh, phát hiện các trường hợp học sinh bị BLGĐ và hỗ trợ kịp thời; Báo chí, truyền thông cần đưa tin và lên án mạnh mẽ các hành vi BLGĐ, nhất là BLGĐ với trẻ em, có những dạng confession/ trang (ẩn danh) để trẻ em có thể tự tin chia sẻ câu chuyện của mình; Đưa tin đúng sự thật, tôn trọng quyền riêng tư, không nên công khai danh tính của người bị BLGĐ và người thực hiện hành vi BLGĐ,…

Ông Khuất Văn Quý phát biểu phản hồi các khuyến nghị và tổng kết hội thảo: “Tôi vô cùng ấn tượng với các ý kiến chuyên sâu của các đại biểu đóng góp trong hội thảo. Ban soạn thảo chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của các tổ chức xã hội trong việc thu thập ý kiến, tiếng nói của các bên liên quan để đóng góp vào nội dung dự thảo Luật PCBLGĐ sửa đổi. Chúng tôi đã ghi nhận những ý kiến này và sẽ tiếp tục chỉnh sửa dự thảo Luật một cách hiệu quả.”

Sau Hội thảo, Viện MSD sẽ thu thập và tổng hợp thêm ý kiến để chia sẻ văn bản Tuyên bố và Đóng góp ý kiến của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của Mạng lưới Quản trị quyền trẻ em cho Ban dự thảo Luật. Mạng CRG cũng cam kết sẽ tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật trong thời gian xây dựng, thi hành, vận động sau này.

Xem lại chương trình tại: https://www.facebook.com/www.msdvietnam.org/videos/878458722844223

————————————

Chuỗi Hội thảo “Tạo xu hướng – dẫn dắt thay đổi 2021 – Dấu ấn doanh nghiệp có trách nhiệm trong đại dịch COVID 19 sẽ tiếp nối với các hội thảo:

– CRIB 3: QUẢNG CÁO KINH DOANH CÓ TRÁCH NHIỆM GIỚI VÀ TRUYỀN TẢI THÔNG ĐIỆP TÍCH CỰC CHO TRẺ EM VÀ THANH NIÊN: 14.00 ngày 09.11.2021

– CRIB 4: Sự kiện chính: TẠO XU HƯỚNG DẪN DẮT THAY ĐỔI – DẤU ẤN DOANH NGHIỆP CÓ TRÁCH NHIỆM TRONG ĐẠI DỊCH: 13.30 ngày 12.11.2021

Đăng kí tham dự tại đây: https://forms.office.com/r/9h5Zw3dTvB

——————————————————————

Về Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

Là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, MSD nỗ lực hành động vì một môi trường phát triển thuận lợi cho sự phát triển của khối các tổ chức xã hội và thúc đẩy việc thực hiện quyền của các nhóm cộng đồng bị lề hoá và dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật. Hiện nay, MSD được công nhận là một tổ chức đi đầu trong việc phối hợp, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ nâng cao năng lực, đào tạo và tham vấn cho các tổ chức xã hội tại Việt Nam. Thêm vào đó, MSD cũng là một tổ chức chuyên nghiệp đáp ứng hiệu quả nhu cầu và bảo vệ quyền của các cộng đồng yếu thế, bao gồm thúc đẩy bình đẳng giới, thông qua các chương trình, dự án và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, người nhập cư và người khuyết tật, v.v… tại Việt Nam.

 

Liên hệ truyền thông:

Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

(Ms) Chu Thu Hà – Quản lý Truyền thông và Sự kiện

Email: event.manager@msdvietnam.org

Điện thoại: 024 62769056 – 0852577220

Địa chỉ: Phòng 1007, toà nhà 17T9 Hoàng Đạo Thuý, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Website: www.msdvietnam.org

Fanpage: https://www.facebook.com/www.msdvietnam.org

 


1. Tài liệu Quyền Trẻ em trong nguyên tắc kinh doanh: https://bit.ly/3GxVxOr

2. Tuyên bố của CRWG về Bảo vệ và chăm sóc trẻ em mồ côi trong đại dịch COVID 19: https://bit.ly/3BmxzlI

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.