MSD và báo chí

TTBC: Hội thảo xu hướng, dẫn dắt thay đổi – Dấu ấn Doanh nghiệp trách nhiệm trong đại dịch COVID-19

THÔNG TIN BÁO CHÍ

HỘI THẢO: TẠO XU HƯỚNG, DẪN DẮT THAY ĐỔI –

DẤU ẤN DOANH NGHIỆP TRÁCH NHIỆM TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19

Hà Nội, ngày 12.11.2021 – Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em (CRG) và Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam (SNPO) tổ chức hội thảo “Tạo xu hướng, dẫn dắt thay đổi – Dấu ấn doanh nghiệp trách nhiệm trong đại dịch Covid-19” với sự hỗ trợ tài chính của Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children).

Với mong muốn tạo không gian chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các doanh nghiệp phối kết hợp cùng các tổ chức xã hội và nhà nước trong chiến lược thúc đẩy các chương trình phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hỗ trợ đối tượng trẻ em và thanh niên trong bối cảnh đại dịch COVID 19, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp cùng các tổ chức đối tác thực hiện chuỗi Hội thảo “Tạo xu hướng – dẫn dắt thay đổi” 2021 với chủ đề “Dấu ấn doanh nghiệp có trách nhiệm trong đại dịch COVID 19”.

Thông qua 3 buổi Hội thảo với các chủ đề: “Hỗ trợ trẻ em trong đại dịch Covid-19 – Vì lợi ích tốt nhất của trẻ” ngày 28.10.2021; “Việc làm thoả đáng trong bối cảnh Covid-19” ngày 2.11.2021 và “Quảng cáo truyền thông có trách nhiệm giới” ngày 9.11.2021 với sự tham gia và chia sẻ của các diễn giả, đại diện đến từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, báo chí, truyền thông, hội thảo đã mang đến những thông tin hữu ích để góp phần vào việc xây dựng những doanh nghiệp thân thiện và tôn trọng quyền trẻ em, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác, gắn kết giữa các doanh nghiệp, tổ chức xã hội để đảm bảo lợi ích và sự phát triển của trẻ em nói riêng và các nhóm yếu thế nói chung.

Khai mạc chương trình cuối cùng trong chuỗi Hội thảo, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD một lần nữa nhấn mạnh: “Xây dựng một doanh nghiệp có trách nhiệm không chỉ là việc hoàn thành các Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR), nó bắt đầu từ các giá trị cốt lõi và niềm tin của doanh nghiệp và mỗi nhân sự, cộng đồng tìm kiếm và tìm thấy ở doanh nghiệp. Trong bối cảnh đại dịch COVID 19 đã kích hoạt các sáng kiến và trách nhiệm của cộng đồng và sự đoàn kết, sự an toàn hay sự phát triển của mỗi cá nhân gắn chặt với sự an toàn của cả cộng đồng. Đây là lúc mà chúng ta cần nhìn nhận Doanh nghiệp không thể một mình thành công khi xung quanh họ thất bại. Chúng ta thấy xu hướng rõ ràng của việc – Doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc trong việc phối hợp với các bên liên quan để cùng thực hiện các trách nhiệm cộng đồng – từ thiện lúc này không nên chỉ là CSR – trách nhiệm xã hội doanh nghiệp để doanh nghiệp nhìn nhận như một việc phụ thêm đóng góp cộng đồng, mà cần nhìn nhận lại đó là chiến lược để phát triển, đáp ứng các nhu cầu của khách hàng trong thời đại mới, một nền kinh kế chuyển đổi đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ bán sản phẩm, dịch vụ mà còn là giá trị và trách nhiệm. Đừng coi từ thiện phát triển là cuộc chơi của doanh nghiệp lớn, đợi lớn mới thực hiện, mà hãy thực hiện từ thiện phát triển để lớn.”

Từ thiện phát triển và hợp tác nhà nước – doanh nghiệp – tổ chức xã hội: xu hướng mới thời kì hậu Covid – 19

Bà Bà Ruth Shapiro, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Từ thiện Phát triển Châu Á chia sẻ về xu hướng từ thiện phát triển: “Trong vòng 2 năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều khó khăn, thách thức trên phạm vi toàn thế giới. Theo nghiên cứu, khảo sát gần đây của chúng tôi và MSD thực hiện, Việt Nam đang thực hiện khá tốt trong việc thành lập các hội đồng tổ chức phát triển xã hội dựa trên kinh nghiệm của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng đã lập ra những hội đồng để đưa ra các chiến lược phát triển xã hội để hoàn thành trách nhiệm với cộng đồng. Và tôi rất vui vì Việt Nam đã thành lập được nhiều hội đồng như vậy. Một điều rất tuyệt vời mà Việt Nam làm được đó là thành lập đối tác công tư, giúp hợp tác hiệu quả giữa khu vực tư và khu vực công để đem lại hiệu quả cho cộng đồng.”

Chia sẻ về mô hình hợp tác giữa tổ chức xã hội và doanh nghiệp của tổ chức United Way Worldwide – tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất thế giới và bàn về xu hướng hợp tác tạo tác động xã hội, Bà Hooyung Young – Phó chủ tịch United Way Worldwide, phụ trách khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết: “Ở châu Á, Doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế, và ngày càng quan tâm tới giải quyết các vấn đề xã hội, Đây là một sự chuyển biến có xu hướng rõ ràng và thích ứng với bối cảnh của thời đại mới, với các yêu cầu của thích ứng với các tiêu chuẩn toàn cầu. Có thể vẫn còn những rào cản khiến các tổ chức xã hội và doanh nghiệp khó tiếp cận nhau, nhưng cũng đang cùng hướng tới các mục tiêu, giá trị chung để giải quyết các thách thức xã hội. Vậy nên tôi khuyến khích các tổ chức xã hội, kể cả các tổ chức quy mô nhỏ có thể chủ động “dẫn dắt thay đổi” tiếp cận, đặt vấn đề hợp tác với Doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước để được hỗ trợ hoạt động bền vững hơn, lớn mạnh hơn.”

Doanh nghiệp có trách nhiệm – Dấu ấn trong Đại dịch COVID 19

Hội thảo được tiếp nối với phiên toạ đàm “Doanh nghiệp có trách nhiệm – Dấu ấn trong Đại dịch COVID 19” có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp và tổ chức xã hội.

Chia sẻ về các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm trong đại dịch, Ông Nguyễn Trần Trung – Giám đốc Phát triển bền vững và CSR, BlueScope Việt Nam cho biết: “Trách nhiệm xã hội đã và đang là một phần quan trọng trong tiến trình phát triển kinh doanh của BlueScope, đặc biệt trong giai đoạn 2020-2025. Khi các dự án CSR triển khai thì cần lưu tâm đến yếu tố bền vững. Và trong các hoạt động này, Bluescope luôn đi cùng với các đối tác và Bluescope nhấn mạnh sẽ luôn đồng hành cùng các nhà cung cấp để tạo ra những chuỗi cung ứng bền vững. Bên cạnh đó, chúng tôi đánh giá cao vai trò và năng lực của các tổ chức xã hội để đem lại các giá trị tích cực cho cộng đồng. Với sự hợp tác chung này, chúng ta có thể cùng đem đến những lợi ích cho cộng đồng.”

Từ góc độ của một doanh nghiệp – nền tảng hoạt động tích cực trong thời kì đại dịch, ông Nguyễn Lâm Thanh – Giám đốc Chính sách Tiktok Việt Nam chia sẻ: “Khi dịch COVID19 xuất hiện ở VN, Tiktok hân hạnh là một trong những đơn vị đầu tiên phối hợp với các bên liên quan để xây dựng những chiến dịch nhằm lan tỏa và truyền tải những thông tin, thông điệp hữu ích đến cộng đồng. Hiện nay Tiktok cũng đã và đang có những chính sách để hỗ trợ các tổ chức xã hội: Hỗ trợ cung cấp tick xanh, đào tạo, lan tỏa nội dung mà các tổ chức đăng tải. Khoảng 1 tháng 1 lần, Tiktok sẽ lựa ra những chiến dịch nhằm hỗ trợ xã hội như bảo vệ môi trường, bảo vệ trẻ em,… để thay đổi nhận thức và lan tỏa những thông điệp tích cực.

Chúng tôi cũng rất mừng vì gần đây các nội dung về giáo dục đã xuất hiện rất nhiều trên Tiktok và nhận được sự quan tâm của rất nhiều người sử dụng.”

Đại diện Quỹ Vì Tầm Vóc Việt – tổ chức xã hội đã có nhiều hoạt động phối hợp với các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các nhóm yếu thế trong đại dịch, bà Trần Thị Như Trang – Giám đốc Quỹ bày tỏ: “Nhiều doanh nghiệp hiện nay mong muốn thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn lực để thực hiện, đặc biệt là về nhân sự. Lúc này, các NGO và các tổ chức xã hội sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng để phối hợp và hợp tác. Về Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, Quỹ có những mạng lưới hoạt động xã hội để các doanh nghiệp có thể tiếp cận cộng đồng. Để hợp tác lâu dài, không nên chỉ tập trung hỗ trợ, từ thiện ngắn hạn mà cần hướng đến những chương trình bền vững, dài hạn, giải quyết các vấn đề xã hội sau đại dịch.”

Chiến lược và giải pháp trong và hậu đại dịch

Nhận định rằng trẻ em chính là tương lai và cần đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ, chăm sóc trẻ em, Ông Nguyễn Minh Đức – Giám đốc khối quan hệ chính phủ, Công ty 3M khẳng định: “Hiện nay, 3M không chỉ hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế, mà chúng tôi cũng cân nhắc tới tác động về đạo đức và xã hội. Đổi mới sáng tạo là một sứ mệnh tối quan trọng tại 3M. Không chỉ đơn thuần tạo ra các sản phẩm có tính đột phá, chúng tôi còn mong muốn mang lại những tác động tích cực cho cộng đồng. Và trẻ em cũng như thanh niên được chúng tôi đặt làm trọng tâm của mục đích ấy, vì những người trẻ sẽ trở thành chủ nhân tương lai của xã hội và chúng tôi quyết tâm tạo tiền đề để những thanh thiếu niên sẽ được phát huy năng lực trong một môi trường thuận lợi. Việc tạo ra một xã hội với nhiều sự phát triển tích cực sẽ là một mục tiêu khó có thể dễ dàng thực hiện nếu thiếu sự hỗ trợ của các tổ chức cộng đồng. Hàng năm, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu và làm việc với các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ để tìm hiểu về những cộng đồng cần tới sự hỗ trợ, từ đó đưa ra các sáng kiến phù hợp để cải thiện cuộc sống của họ, trong các khía cạnh như giáo dục hay môi trường.”

Bà Nguyễn Minh Giang, Quản lý bền vững, Công ty Bitis’ chia sẻ: “Ở Bitis, chúng tôi luôn đề cao việc chăm sóc trẻ em như phát triển về trí tuệ, thể chất và tinh thần. Chúng tôi đã xây dựng những chính sách để theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của mình, tuy nhiên tùy theo bối cảnh, Bitis cũng cần tham khảo nhiều bên khác nhau để hỗ trợ cộng đồng một cách phù hợp nhất. Chúng tôi mong muốn tiếp tục phối hợp với các tổ chức xã hội để có thể mang lại sự hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em và cộng đồng.”

Điều phối viên Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam (SNPO), ông Nguyễn Văn Cử nhấn mạnh: “Các tổ chức xã hội cần xác định mũi nhọn chiến lược của tổ chức để có thể phối hợp với các doanh nghiệp có chung mối quan tâm. SNPO cũng là mạng lưới nhỏ và chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc hợp tác và đi chung với nhau. Ngoài ra, chúng ta cần phải xây dựng các hệ sinh thái hỗ trợ,… phối hợp với Nhà nước để được tạo điều kiện thực hiện trách nhiệm xã hội.”

Khép lại phiên toạ đàm và hội thảo, bà Trần Vân Anh – Giám đốc Chương trình Viện MSD gửi gắm thông điệp: “Câu chuyện về vai trò của doanh nghiệp trong việc tôn trọng và thực hiện quyền trẻ em, doanh nghiệp trách nhiệm phát triển bền vững trong hoạt động kinh doanh cũng như xu hướng hợp tác giữa doanh nghiệp và tổ chức xã hội chỉ mới bắt đầu. Hành trình này cần sự chung tay của tất cả các bên để thực hiện, và ngày hôm nay là thời điểm tốt nhất để bắt đầu “Tạo xu hướng, dẫn dắt thay đổi”.

—————————————————–

Xem lại chương trình tại đây: https://www.facebook.com/watch/live/?ref=watch_permalink&v=3040082576309380

———————————————————————–

Về Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

Là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, MSD nỗ lực hành động vì một môi trường phát triển thuận lợi cho sự phát triển của khối các tổ chức xã hội và thúc đẩy việc thực hiện quyền của các nhóm cộng đồng bị lề hoá và dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật. Hiện nay, MSD được công nhận là một tổ chức đi đầu trong việc phối hợp, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ nâng cao năng lực, đào tạo và tham vấn cho các tổ chức xã hội tại Việt Nam. Thêm vào đó, MSD cũng là một tổ chức chuyên nghiệp đáp ứng hiệu quả nhu cầu và bảo vệ quyền của các cộng đồng yếu thế, bao gồm thúc đẩy bình đẳng giới, thông qua các chương trình, dự án và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, người nhập cư và người khuyết tật, v.v… tại Việt Nam.

Liên hệ truyền thông:

Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

(Ms) Chu Thu Hà – Quản lý Truyền thông và Sự kiện Email: event.manager@msdvietnam.org

Điện thoại: 024 62769056 – 0852577220

Địa chỉ: Phòng 1007, toà nhà 17T9 Hoàng Đạo Thuý, quận Thanh Xuân, Hà Nội Website: www.msdvietnam.org Fanpage: https://www.facebook.com/www.msdvietnam.org

 

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.