MSD và báo chí

TTBC: Hội thảo Chia sẻ và bổ sung ý kiến cho Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình sửa đổi

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

HỘI THẢO CHIA SẺ VÀ BỔ SUNG Ý KIẾN CHO LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH SỬA ĐỔI

Hà Nội, ngày 15.07.2021 – Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em (CRG) thực hiện Hội thảo Chia sẻ, đóng góp ý kiến cho Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) sửa đổi với sự tham gia của đại diện từ các tổ chức xã hội tại Việt Nam. Sự kiện được thực hiện với sự hỗ trợ tài chính từ Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tể (Save the Children).

Bạo lực gia đình đến nay vẫn luôn là vấn nạn chung của toàn xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Để phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực đối với trẻ em trong gia đình, trong thời gian qua, các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, quyền trẻ em đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thúc đẩy việc ban hành mới và thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các nhóm yếu thế khác trong xã hội.

Ở góc độ pháp lý, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành từ năm 2007 thể hiện những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Sau 12 năm thực hiện, Luật này đã bộc lộ khá nhiều bất cập. Chính vì vậy, ngày 25/5/2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch xây dựng dự án Luật PCBLGĐ (sửa đổi) nhằm hoàn thiện chính sách và tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong thi hành pháp luật về PCBLGĐ, bảo vệ quyền cơ bản và đảm bảo bình đẳng giữa các thành viên gia đình, bao gồm bình đẳng giới; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong PCBLGĐ. Dự thảo Luật sẽ trình Chính phủ vào tháng 11/2021 và trình Quốc hội để thông qua vào năm 2022.

Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, với mong muốn có thể tham gia đề xuất, đóng góp ý kiến và vận động chính sách cho Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em (CRG) tổ chức Hội thảo Chia sẻ, đóng góp ý kiến cho Luật PCBLGĐ sửa đổi. Hội thảo có sự tham gia của ông Khuất Văn Quý – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch – Cơ quan soạn thảo Luật, các chuyên gia, đại diện hơn 30 tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bảo vệ quyền của người khuyết tật.

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD chia sẻ: “Khi nói đến bạo lực gia đình, chúng ta thường hay nghĩ ngay đến mối quan hệ giữa vợ và chồng, tôi cảm thấy trẻ em hay những đối tượng dễ bị tổn thương khác như người khuyết tật, người cao tuổi, người LBGTIQ thường ít được cân nhắc tới, dễ bị bỏ lại phía sau. Chính vì thế, trong buổi hội thảo ngày hôm nay, Ban tổ chức hy vọng sẽ mang tiếng nói của các nhóm này tới đánh động tiến trình xây dựng chính sách pháp luật. Là tổ chức làm về trẻ em, tôi lại muốn nhấn mạnh vai trò của trẻ em: Trẻ em có thể dễ dàng là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình, bao gồm các việc các em là đối tượng bị cha mẹ bạo hành, xâm hại, đôi khi bị trừng phạt thể chất và tinh thần; Trẻ em có thể chỉ là người chứng kiến bạo lực gia đình, điều này cũng ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất, tinh thần và quan điểm, nhân sinh quan cuộc sống của trẻ em. Và hơn hết, trẻ em cũng là những người có thể tạo nên sự thay đổi. Trẻ em nhận thức, có tiếng nói và lên tiếng yêu cầu chấm dứt bạo lực ngày hôm nay sẽ là những người kiến tạo nên một xã hội an toàn, công bằng, những gia đình thực chất tôn trọng quyền trẻ em và quyền con người, tràn đầy yêu thương,…

(Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD)

Tại hội thảo, các diễn giả và thành viên tham dự đã cùng nhau chia sẻ, cập nhật tiến trình xây dựng và những nội dung chính của dự thảo luật PCBLGĐ sửa đổi, đồng thời cùng trao đổi về vấn đề bạo lực trong gia đình đối với trẻ em nói chung, trẻ em khuyết tật và trẻ LGBT nói riêng dưới góc độ tiếp cận của các tổ chức xã hội làm việc trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, quyền trẻ em.

Chia sẻ về những điểm mới của dự thảo luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi, ông Khuất Văn Quý cho biết: “Với dự thảo luật sửa đổi, chúng tôi mong muốn tập trung vào các nội dung như: làm rõ các khái niệm liên quan đến công tác PCBLGĐ; bổ sung các loại hình hỗ trợ tư vấn cho người bị BLGĐ; hoàn thiện các biện pháp ngăn ngừa, bảo vệ và hỗ trợ người bị BLGĐ, hòa giải trong PCBLGĐ; giáo dục và truyền thông cho người gây ra BLGĐ chứ không phải chỉ có trừng phạt, công tác thông tin, tuyên truyền và quy định rõ số điện thoại (111) tiếp nhận thông tin về BLGĐ. Tăng cường các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác PCBLGĐ theo đó cần quy định rõ các biện pháp bảo đảm cho công tác PCBLGĐ; khắc phục những bất cập trong công tác báo cáo thông tin về BLGĐ, bổ sung các loại hình thức báo tin về vụ BLGĐ hay nguy cơ gây BLGĐ qua mạng xã hội. Đặc biệt, với nội dung sửa đổi đa dạng, chúng tôi luôn mong muốn và sẵn sàng lắng nghe cũng như ghi nhận những ý kiến đóng góp từ các tổ chức xã hội, nhưng đơn vị hoặc cá nhân trực tiếp làm công tác hỗ trợ người bị bạo lực để có thể đi đến dự thảo luật một cách toàn diện và đầy đủ”.

(Ông Khuất Văn Quý – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch – Bên phải)

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh thành, trong giai đoạn 2009-2019, tổng số vụ BLGĐ các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 297.498 vụ. Trong giai đoạn này, số vụ BLGĐ giảm dần qua các năm: năm 2009 là 53.206 vụ, giảm xuống còn 20.108 vụ trong năm 2015 và chỉ còn 8.176 vụ trong năm 2019.

Lý giải và đánh giá về thực trạng vấn đề bạo lực trẻ em trong gia đình, ông Nguyễn Trọng Tiến – chuyên gia đại diện Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam nhấn mạnh: “Các hình thức bạo lực trẻ em không chỉ đơn thuần là sử dụng đòn roi, bạo lực thân thể mà thực tế rất đa dạng như bạo lực tinh thần (chửi mắng, xúc phạm), bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế (bóc lột lao động, chiếm giữ và kiểm soát tài chính của trẻ em),… Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ em bị bạo lực trong gia đình nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn đến từ nhận thức hay những quan niệm cố hữu như: “Thương cho roi, cho vọt” hay “Không đánh thì không thể dạy được trẻ”,… hay sự thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em nói riêng. Thực tế khi tiếp cận hỗ trợ các nạn nhân, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn như: khó tiếp cận được với các thành viên trong gia đình; thông tin trình báo thường chậm; một số thành viên trong gia đình che giấu thông tin bạo hành trẻ,… Cần nhớ rằng, không có bất cứ hình thức bạo lực nào được xem là sự yêu thương đối với trẻ em”.

(Ông Nguyễn Trọng Tiến – Chuyên gia đại diện Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam)

Đại diện Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam cũng đưa ra một số đề xuất sửa đổi luật bao gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật; Kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước; Củng cố và hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội về bảo vệ trẻ em; Nâng cao kiến thức BVTE cho đội ngũ cán bộ bảo vệ trẻ em các cấp đặc biệt là cấp cơ sở,…

Đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, bà Hoàng Thị Tây Ninh, Quản lý Chương trình Quản trị Quyền Trẻ em bày tỏ quan điểm: “Hiện nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành và thực thi luật cấm trừng phạt thể chất trẻ em ở tất cả mọi nơi, bao gồm cả ở nhà, trong gia đình. Việt Nam chúng ta cũng đã có khung pháp lý để bảo vệ trẻ em trong vấn đề này, tuy nhiên, trong tất cả các luật có đề cập tới trẻ em, các hình phạt thể chất và tinh thần vẫn chưa được xác định đúng mức, rằng đó chính là bạo lực với trẻ em, và việc nghiêm cấm các hình phạt thể chất và tinh thần, đặc biệt các các hình phạt dưới danh nghĩa “giáo dục” chưa được nhấn mạnh hay làm rõ ở bất kỳ điều luật nào.”

(Bà Hoàng Thị Tây Ninh – Quản lý chương trình Quản trị Quyền Trẻ em, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em)

Bên cạnh đó, điểm mới của Luật PCBLGĐ cũng chú trọng hơn trong việc bổ sung các điều luật bảo vệ trẻ khuyết tật và trẻ LGBT.

Bà Trịnh Thị Lê – Điều phối viên dự án Viện Nghiên cứu Phát triển cộng đồng (ACDC) chia sẻ: “Trẻ em khuyết tật có nguy cơ bị tấn công bạo lực cao gần gấp 4 lần so với trẻ em không khuyết tật và dễ trở thành nạn nhân của bạo hành và xâm hại hơn trẻ không khuyết tật. Hiện nay chưa có số liệu thống kê đầy đủ về BLGĐ với trẻ khuyết tật nhưng trên thực tế trẻ khuyết tật phải trải qua rất nhiều câu chuyện BLGĐ. Người gây ra bạo lực với trẻ em có thể là anh chị em của trẻ, những người thiếu kiên nhẫn hoặc thiếu tôn trọng trẻ em khuyết tật. Chúng tôi đề nghị các nhà làm luật cần nghiên cứu bổ sung một số hình thức xử phạt vi phạm hành chính (như giáo dục bắt buộc, phạt lao động công ích,…) nhằm đa dạng hóa hình thức xử phạt, tăng tính khả thi cũng như tăng hiệu quả răn đe, giáo dục của các chế tài xử lý vi phạm hành chính. Cần tăng mức phạt tiền đối với các hành vi BLGĐ mà nạn nhân là trẻ khuyết tật, bổ sung một số chế tài đối với một số hành vi BLGĐ đang xảy ra phổ biến trên thực tế như hành vi bạo lực tình dục trong quan hệ vợ chồng, đặc biệt là đối với trẻ khuyết tật”.

(Bà Trịnh Thị Lê – Điều phối viên dự án Viện Nghiên cứu Phát triển cộng đồng ACDC)

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ quyền của người LGBT, ông Lương Thế Huy – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) chia sẻ: “Những người LGBT bị bạo lực bởi nhiêu đối tượng khác nhau trong xã hội nhưng bị bạo lực nhiều nhất bởi chính những người trong gia đình. Trẻ em LGBT vẫn bị xem là “ngộ nhận”, ”đua đòi” và “cần chữa trị”, hay nhẹ hơn là “định hướng giáo dục lại cho đúng” hay trì hoãn sự chấp nhận thay vì hỗ trợ giúp đỡ tiếp cận tới các thông tin đúng vì cho rằng như thế là “chịu thua” hay “khuyến khích con cái lệch lạc”. Các hình thức bạo lực thể xác khá phổ biến do bố mẹ nghĩ rằng con mình bị ảnh hưởng bởi lối sống lệch lạc hoặc xâm phạm đời sống riêng tư. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực nhưng nguyên nhân gốc rễ chính là các định kiến về giới và tình dục. Bạo lực với người LGBT chính là bạo lực trên cơ sở giới, tuy nhiên Luật PCBLGĐ vẫn chưa nhắc đến nhóm những người LGBT. Do vậy, các gia đình, chính quyền và các cơ quan liên quan và chính những người LGBT chưa nhận thức được việc áp dụng luật này để phòng và bảo vệ họ khỏi bạo lực từ chính những người thân trong gia đình”.

Từ những chia sẻ này, ông Huy đưa ra các đề xuất khuyến nghị: “Rất cần thiết có các chương trình truyền thông sâu rộng để những người dân ở cộng đồng, thành viên gia đình, lãnh đạo địa phương, công an, những người làm công tác giáo dục, và chính bản thân người LGBT nhìn nhận rõ hơn về vấn đề bạo lực với họ cũng như các hậu quả của nó. Việc hiểu rõ bản chất của các bạo lực này cũng sẽ giúp cho việc áp dụng hiệu quả hơn các khung pháp lý về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam. Ngoài ra, việc bổ sung các dịch vụ hỗ trợ về tâm lý, sức khỏe, việc làm, giáo dục, pháp lý cho người LGBT và thành viên gia đình của họ̣ là việc quan trọng. Các chương trình phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ trẻ em cần phải đưa nhóm LGBT vào là một nhóm đối tượng.

(Ông Lương Thế Huy – Viện trưởng Viện iSEE)

Khép lại hội thảo, bà Nguyễn Hải Anh – Quản lý dự án, MSD chia sẻ: “Đối với nhiều người, đặc biệt là trẻ em hay những nhóm yếu thế, nhà – gia đình là nơi an toàn nhất. Nhưng cũng chính trong ngôi nhà của mình, trẻ em và các nhóm yếu thế lại đang phải chứng kiến hay là nạn nhân của nhiều hành vi bạo lực, có nguy cơ ít được quan tâm và bỏ lại phía sau. Với sự cầu thị và hợp tác tích cực từ phía cơ quan chủ trì xây dựng Dự án Luật, chúng tôi thấy có rất nhiều tín hiệu tích cực từ việc sửa đổi, bổ sung Luật PCBLGĐ lần này. Từ góc độ các tổ chức xã hội, MSD sẽ cùng với các thành viên mạng lưới quản trị quyền trẻ em (CRG), các mạng lưới và tổ chức hỗ trợ người yếu thế, nghiên cứu kỹ các nội dung dự kiến sửa đổi và chuẩn bị khuyến nghị chi tiết gửi tới Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật trong thời gian tới cũng như tích cực tiếp tục tham gia tiến trình xây dựng văn bản Luật/ chính sách một cách hiệu quả”.

—————–

Xem lại chương trình tại đây:

https://www.facebook.com/www.msdvietnam.org/videos/923513791560212

Về Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

Là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, MSD nỗ lực hành động vì một môi trường phát triển thuận lợi cho sự phát triển của khối các tổ chức xã hội và thúc đẩy việc thực hiện quyền của các nhóm cộng đồng bị lề hoá và dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật. Hiện nay, MSD được công nhận là một tổ chức đi đầu trong việc phối hợp, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ nâng cao năng lực, đào tạo và tham vấn cho các tổ chức xã hội tại Việt Nam. Thêm vào đó, MSD cũng là một tổ chức chuyên nghiệp đáp ứng hiệu quả nhu cầu và bảo vệ quyền của các cộng đồng yếu thế, bao gồm thúc đẩy bình đẳng giới, thông qua các chương trình, dự án và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, người nhập cư và người khuyết tật, v.v… tại Việt Nam.

 

——————————

Liên hệ truyền thông:

Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

(Ms) Chu Thu Hà – Cán bộ Điều phối Sự kiện và Truyền thông

Email: event.manager@msdvietnam.org

Điện thoại: 024 62769056 – 0852577220

Địa chỉ: Phòng 1007, toà nhà 17T9 Hoàng Đạo Thuý, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Website: www.msdvietnam.org

Fanpage: https://www.facebook.com/www.msdvietnam.org

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.