Tin tức

Tham luận của Viện MSD tại Cuộc họp chuẩn bị nội dung phiên giải trình về “Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”

Tham luận của Viện MSD tại Cuộc họp chuẩn bị nội dung phiên giải trình về “Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”

Chiều ngày 14/02, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Văn Hạ chủ trì tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có: các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đại diện Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, đại diện các tổ chức xã hội làm việc về trẻ em. Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng và bà Trần Vân Anh – Giám đốc Chương trình đại diện Viện MSD tham dự.

Tại toạ đàm, bà Nguyễn Phương Linh đã trình bày tham luận và kiến nghị  về vấn đề bạo lực trẻ em trong gia đình và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Dưới đây là toàn văn tham luận:

Kính thưa ông Tạ Văn Hạ và các đại biểu, chuyên gia
Nhấn mạnh đến các vấn đề xâm hại bạo lực trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh COVID 19, chúng ta có thể thấy nổi bật lên vấn đề về bạo lực trẻ em trong gia đình và trẻ em gặp các vấn đề rủi ro, bị xâm hại trên môi trường mạng.

Về phòng ngừa, chúng ta cần phân tích về những nguyên nhân về bạo lực gia đình và vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, đặc biệt là các vấn đề khoảng trông scác văn bản pháp lý hiện hành hoặc việc thực thi khó thực hiện được.

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực trong gia đình đối với trẻ em:
Sự hạn chế về nhận thức và kỹ năng của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em:
a) Nhận thức, kỹ năng của cha mẹ, người chăm sóc trẻ:
– Nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ. Người lớn không nhận biết được các hành vi bạo lực trẻ em. Cha mẹ cho rằng mình có quyền giáo dục con cái theo cách riêng của mình. Nhiều vụ bạo lực đối với trẻ em trong gia đình thường bị che lấp bởi những giá trị yêu thương, giáo dục trẻ. Tâm lý chung của các thành viên trong gia đình là không muốn làm to chuyện, ảnh hưởng đến uy tín, vị trí của gia đình nên thường giải quyết trong nội bộ gia đình.
– Các nhóm trẻ đặc biệt có nguy cơ cao hơn: Ví dụ: Với trẻ khuyết tật, có khảo sát ghi nhận trẻ khuyết tật có thể có nguy cơ cao 4 lần bị bạo lực so với trẻ không khuyết tật. Nguyên nhân gây bạo lực đến từ sự mệt mỏi, chán nản, kiệt sức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ khi phải chăm sóc, nuôi dưỡng, chi tiêu quá nhiều cho đứa con khuyết tật. Cha mẹ đổ lỗi cho đứa con khuyết tật “vì nó mà mình không may mắn”. Người chăm sóc tiếp xúc gần gũi khi chăm sóc thân thể hàng ngày cho trẻ em khuyết tật cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi hoặc không kiềm chế được cảm xúc của bản thân trước những hành vi kích động của trẻ. Không chỉ tình trạng khuyết tật mà xu hướng tính dục và bản dạng giới của trẻ cũng có thể bị cha mẹ và người thân trong gia đình lấy làm lý do để thực hiện hành vi bạo lực vì cha mẹ chưa có nhận thức đúng và đầy đủ về các vấn đề này.
– Nhận thức hạn chế về sức khỏe tâm thần và sự thiếu hụt các kỹ năng quản lý cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn, xử lý xung đột, căng thẳng trong gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến việc cha mẹ, người chăm sóc trẻ “trút giận” lên trẻ bằng các hành vi bạo lực.

b) Nhận thức của trẻ em:
– Trẻ em không nhận biết được các hành vi bạo lực, không biết rằng việc cha mẹ, người lớn trong gia đình sử dụng bạo lực với mình là bất hợp pháp. Trẻ không biết rằng mình có quyền được bảo vệ; không biết cách lên tiếng, không biết tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị bạo lực ở đâu, phải báo cáo ai và cách báo cáo như thế nào. Trong nhiều trường hợp, trẻ bị dọa nạt, ép buộc nên không dám tố cáo.
c) Nhận thức, quan niệm chung của cộng đồng, xã hội:
– Quan niệm ″Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi″ ăn sâu bám rễ bấy lâu nay khiến cho mọi người coi chuyện cha mẹ đánh con là bình thường, đó là quyền của cha mẹ và là biện pháp giáo dục hiệu quả để dạy cho trẻ nên người. Vẫn nhiều người quan niệm rằng con cái là tài sản của ba mẹ, cha mẹ có quyền dạy con theo cách mà họ muốn. Phụ huynh có thể lên án về bạo lực nhưng vẫn giơ tay đánh con, mắng con hàng ngày. Bạo lực cũng có tính chất leo thang mà phụ huynh không nhận ra, nên vẫn nhìn các vấn đề như chuyện nhà người khác, cha mẹ khác bạo lực chứ mình thì không, mình giáo dục con, yêu thương con.
– Cộng đồng cũng vẫn giữ lối suy nghĩ kiểu “đèn nhà ai nấy rạng”, quan niệm việc dạy con là việc riêng của mỗi gia đình, người khác không nên xen vào. Việc “bình thường hóa” bạo lực trẻ em khiến trẻ nghĩ rằng trẻ bị bạo hành là do lỗi của trẻ và tiếp tục che giấu tình trạng bị bạo lực, sống cam chịu, chấp nhận.
Về cơ chế phòng ngừa, phát hiện, báo cáo, xử lý vụ việc bạo lực gia đình và hỗ trợ trẻ em bị bạo lực.
– Các hành vi ngược đãi, xâm hại, bạo lực đối với trẻ em thường xảy ra trong phạm vi gia đình, ít khi có người ngoài chứng kiến. Trẻ còn nhỏ, không thể tự lên tiếng, trong khi người gây ra bạo lực thường lại chính là người có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, đại diện hợp pháp cho trẻ (ông bà, bố mẹ, anh chị em) nên không có ai tố cáo với cơ quan chức năng. Nếu trẻ có lên tiếng thì cũng ít khi được người lớn tin tưởng, giúp đỡ. Cộng đồng chưa chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời những vụ việc bạo hành trẻ em. Thông tin nhận được từ cộng đồng hàng xóm về tình trạng trẻ em bị bạo hành thường chậm. Người dân không biết thông báo cho ai, ở đâu, báo bằng cách nào. Nhiều người cũng có tâm lý lo lắng, ngại phiền hà, sợ rắc rối, không dám lên tiếng vì sợ gia đình người gây bạo lực trả thù.
– Việc phòng ngừa cảnh báo ở cấp cộng đồng là vô cùng quan trọng. Các hành vi ngược đãi, xâm hại, bạo lực đối với trẻ em thường xảy ra trong phạm vi gia đình, ít khi có người ngoài chứng kiến. Trẻ còn nhỏ, không thể tự lên tiếng, trong khi người gây ra bạo lực thường chính là người có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, đại diện hợp pháp cho trẻ (ông bà, bố mẹ, anh chị em) nên không có ai tố cáo với cơ quan chức năng. Nếu trẻ có lên tiếng thì cũng ít khi được người lớn tin tưởng, giúp đỡ. Cộng đồng xung quanh, hàng xóm, các ban ngành đoàn thể, tổ chức tại cộng đồng sẽ là những người gần nhất có thể phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời những vụ việc bạo hành trẻ em. Nếu trẻ đi học, bao gồm cả học trực tiếp và học trực tuyến, nhà trường cần đặc biệt lưu tâm các trẻ có nguy cơ cao để phát hiện bạo lực và có hỗ trợ kịp thời. Các cơ quan y tế có vai trò quan trọng trong phát hiện và báo cáo trẻ có dấu hiệu bị bạo hành. Chính vì vậy, việc tăng cường nhận thức và sự chủ động cho cộng đồng dân cư, ban ngành đoàn thể tại cộng đồng, nhà trường và cán bộ y tế để kịp thời phát hiện và báo cáo các hành vi ngay từ khi có dấu hiệu bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình là vô cùng quan trọng.
– Tại nhiều địa phương, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em chưa quan tâm đúng mức. Nhiều vụ việc bạo hành trẻ em trong gia đình, đặc biệt là những vụ việc ít nghiêm trọng được xử lý qua loa, chủ yếu là nhắc nhở, chưa đủ để răn đe những người có hành vi bạo hành trẻ em, cũng không có sự giám sát sau khi xử lý, dẫn đến nhiều trường hợp trẻ bị người thân trong gia đình bạo lực nhiều lần trong một thời gian dài. Những vụ việc được đưa ra xử lý nghiêm khắc, được báo chí đưa tin đều là những vụ việc nghiêm trọng, trẻ bị tổn hại nặng nề cả về thể chất và tinh thần.
– Các dịch vụ về phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình còn thiếu vắng, chưa có những hỗ trợ thiết thực và phù hợp cho trẻ khi xảy ra các vụ BLGĐ với trẻ em. Đội ngũ cán bộ bảo vệ trẻ em ở cấp cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, phần lớn chưa đủ khả năng, năng lực để xử lý các vụ BLGĐ; mới chỉ tập trung cho việc phát hiện vụ việc mà chưa chú ý đến việc chăm sóc, phục hồi tâm lý cho em.

Về vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng:
Ghi nhận thành tích: Chương trình quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy trẻ em tương tác sáng tạo trên môi trường mạng
Các hạn chế:
• Trẻ em nghỉ dài ngày, học trực tuyến, nhiều trường hợp không có sự hỗ trợ, đồng hành của cha mẹ, thầy cô
• Trẻ em phải sử dụng Internet sớm, ngay từ lớp 1 khi chưa sẵn sàng với các kỹ năng thiết yếu trong bảo vệ bản thân trên môi trường mạng
• Chưa có chương trình giáo dục về kỹ năng số cho trẻ em trên trường học
• Xuất hiện các rủi ro mới liên quan đến sự phức tạp trên Internet: lừa đảo trên mạng, hack vào các lớp học trực tuyến, các thử thách trực tuyến nguy hiểm hay chơi khăm, các thông tin độc hại, mê tín dị đoan được thực hiện bởi những người có ảnh hưởng trên mạng, nói xấu, phát ngôn thù ghét hay bắt nạt tập thể trên môi trường mạng, v.v.
• Những ảnh hưởng về tâm thần và sự phát triển lâu dài của trẻ là nạn nhân của các rủi ro trên môi trường mạng chưa được nghiên cứu và tổng hợp, phân tích kỹ để đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Khuyến nghị:
25.11.2021 và 25.1.2022 MSD và CRG đều gửi khuyến nghị rất chi tiết cụ thể. Chúng tôi cũng đã lấy ý kiến khảo sát dự thảo 1 của Dự thảo Luật với sự tham gia của hơn 5000 trẻ em. Bản dự thảo 2 vừa được gửi kèm khác và thay đổi rất nhiều so với dự thảo 1, tuy nhiên, những yếu tố căn bản liên quan đến ý kiến của các tổ chức xã hội và trẻ em thì chưa thấy được cân nhắc trong dự thảo này. Chúng tôi tiếp tục kiến nghị các ý trong 2 bản khuyến nghị và báo cáo khảo sát ý kiến của trẻ em, trong đó, trong khuôn khổ toạ đàm tôi muốn tập trung các khuyến nghị sai:
Thứ nhất, cần nhìn nhận nguyên nhân sâu xa của BLGĐ và bạo lực giới nói chung là xuất phát từ vấn đề thiếu kiến thức về pháp luật, các vấn đề về bất bình đẳng giới, định kiến giới, định kiến thứ bậc trong gia đình (định kiến là trẻ em); sự thiếu hụt về kỹ năng của cha mẹ, người chăm sóc trẻ để đưa ra những biện pháp giải quyết vấn đề BLGĐ phù hợp, hiệu quả hơn.
Thứ hai, cần giải thích thêm khái niệm “trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em”, quy định cụ thể và đầy đủ hơn các loại hành vi BLGĐ, bao gồm cả các hành vi trừng phạt thể chất, tinh thần đối với trẻ em; các hành vi xâm hại tình dục trẻ em (theo quy định tại các Điều 142, 144, 145, 146, 147 Bộ luật hình sự); các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định tại các Điều 22, 27, 28, 29, 30 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 và các hành vi vi phạm hành chính trong phòng, chống bạo lực gia đình quy định tại các Điều 49, 50, 51, 52, 53, 54, 56, 57 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.
Bổ sung thuật ngữ “trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em” vào Dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ và giải thích như sau: “Trừng phạt là biện pháp mà người lớn thực hiện với trẻ em nhằm thay đổi hành vi tiêu cực ở trẻ em, nhưng lại gây ra sự đau đớn về thể chất và tinh thần ở trẻ, có hại cho sự phát triển của trẻ”. Đồng thời, cần quy định cụ thể và đầy đủ hơn các loại hành vi BLGĐ, bao gồm cả các hành vi trừng phạt thể chất, tinh thần đối với trẻ em. Thực tế, các hành vi bạo lực với trẻ em trong gia đình thường được thể hiện dưới các hành vi trừng phạt về thể chất, tinh thần trẻ em, nhưng các hành vi này lại không được thừa nhận là BLGĐ mà được coi là biện pháp giáo dục trẻ em. Bản thân trẻ em khi bị bố mẹ áp dụng các biện pháp trừng phạt, tuy có đau đớn, sợ hãi, tổn thương nhưng cũng không nhận thức được đó chính là các hành vi bạo lực với mình, do đó cũng chấp nhận bị trừng phạt/ bạo lực. Chính vì thế, việc quy định rõ trong Luật sẽ giúp cha mẹ, người chăm sóc trẻ, trẻ em và cộng đồng nhận thức được rõ hành vi “trừng phạt thể chất, tinh thần” đối với trẻ là hành vi BLGĐ, là vi phạm pháp luật chứ không phải hành vi giáo dục, có lợi cho sự phát triển của trẻ.

Thứ ba, ngoài các nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục đã quy định trong dự thảo Luật, chúng tôi đề nghị bổ sung các nội dung sau:
– Các hành vi trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em, nguyên nhân và hậu quả.
– Phương pháp kỷ luật tích cực dành cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ.
– Khái niệm, đặc điểm về giới và đa dạng tính dục, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
– Nhận biết các các vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần, kỹ năng quản lý cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn, xung đột trong gia đình.
Những nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục nêu trên sẽ góp phần giải quyết nguyên nhân sâu xa của BLGĐ là xuất phát từ sự thiếu hụt về kỹ năng của cha mẹ, người chăm sóc trẻ; vấn đề bất bình đẳng giới, định kiến giới, định kiến thứ bậc trong gia đình vẫn khá phổ biến trong các gia đình Việt Nam hiện nay.
Thứ ba, việc phòng ngừa cảnh báo ở cấp cộng đồng là vô cùng quan trọng. Chúng tôi khuyến nghị bổ sung nội dung “Chủ động phát hiện sớm và báo tin tới các địa chỉ quy định” vào các điều trong dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của các cá nhân, thành viên gia đình, các ban ngành đoàn thể, tổ chức xã hội trong cộng đồng.
Thứ tư, chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết bổ sung các giải pháp hỗ trợ, cơ sở trợ giúp cho đối tượng đặc thù là trẻ em bị BLGĐ và bị ảnh hưởng bởi BLGĐ.
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện đang tập trung vào các giải pháp hỗ trợ người bị bạo lực là người lớn, với các giải pháp truyền thông, hoà giải, chấm dứt bạo lực; mà chưa cân nhắc đến đối tượng đặc thù là trẻ em trực tiếp bị BLGĐ hoặc bị ảnh hưởng khi chứng kiến các hành vi BLGĐ xảy ra giữa các thành viên trong gia đình. Các nghiên cứu đã cho thấy, trẻ em bị BLGĐ và ảnh hưởng bởi BLGĐ có thể bị ảnh hưởng lớn đến thể chất và tinh thần trong thời gian dài, tác động tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của trẻ sau này. Do vậy, chúng tôi đề xuất trong dự thảo Luật cần có các quy định cho đối tượng đặc thù là trẻ em, trong đó cần thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, sự phát triển của trẻ em, lợi ích tốt nhất của trẻ,… Các quy định này cần bao gồm cả các trường hợp người bị bạo lực là trẻ em và người gây ra bạo lực là trẻ em, với các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý người có hành vi BLGĐ cũng như các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, phục hồi cho người bị bạo lực; phòng ngừa tái diễn các hành vi bạo lực. Riêng đối với trẻ em là người bị BLGĐ, ngoài việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ về y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý thì cần quan tâm tới việc bảo vệ bí mật đời tư cho trẻ, việc học tập, bảo đảm trẻ được phục hồi, tái hòa nhập và phát triển toàn diện sau khi bị bạo lực.
Thứ năm, ngoài các biện pháp hỗ trợ kiểm soát những người có hành vi nguy cơ cao dẫn đến BLGĐ đã quy định trong dự thảo Luật, chúng tôi đề nghị bổ sung biện pháp “Hướng dẫn kỹ năng nuôi dạy con theo phương pháp tích cực, không dùng bạo lực” để trang bị cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ những kiến thức về đặc điểm tâm sinh lý của trẻ qua các giai đoạn phát triển; kỹ năng lắng nghe, phản hồi tích cực; khen thưởng, khích lệ con; áp dụng các biện pháp kỷ luật tích cực khi con mắc lỗi,… Đối với những gia đình có trẻ em khuyết tật, cần hỗ trợ trang bị cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ những kiến thức về tâm sinh lý, đặc điểm khuyết tật và kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục hành vi trong nuôi dạy trẻ em khuyết tật; kỹ năng quản lý cảm xúc tiêu cực trong quá trình nuôi dạy trẻ khuyết tật.

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.