TP.Hồ Chí Minh, ngày 06.04.2021 – Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Cục Trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Phòng Công tác phía Nam – Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Hội thảo Chia sẻ kết quả Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam (Young Voices in Vietnam) tại TP.Hồ Chí Minh. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội do Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) và Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Thuỵ Điển tài trợ.

Đây là sự kiện nằm trong Chuỗi Hội thảo Chia sẻ Báo cáo Tiếng nói trẻ em Việt Nam, tiếp nối Hội thảo tại Hà Nội ngày 22.03.2021. Buổi chia sẻ tại TP.Hồ Chí Minh được thực hiện tại Trường THCS Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Cục Trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng công tác phía Nam – Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.Hồ Chí Minh, Ban giám hiệu, giáo viên và hơn 100 học sinh trường THCS Thanh Đa và trẻ em đến từ Cơ sở Bảo trợ xã hội Thảo Đàn.

Phát biểu khai mạc, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em chia sẻ: “Quyền tham gia của trẻ em đã được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, Luật trẻ em 2016, hôm nay các em đang được thực hiện quyền của mình. Trách nhiệm của tôi và các đại biểu cơ quan nhà nước hôm nay là sẽ nói ít hơn và lắng nghe các em nhiều hơn, cố gắng giải đáp và phản hồi các ý kiến của các em.”

(Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em)

Hội thảo đã giới thiệu 15 phát hiện nổi bật của khảo sát Tiếng nói trẻ em Việt Nam và chia sẻ quá trình báo cáo đã được sử dụng để tham vấn và xây dựng các chương trình, chính sách quốc gia vì trẻ em, với sự tham gia tích cực của trẻ em. Phần Đối thoại – Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến, câu hỏi, vấn đề được đặt ra bởi chính các em học sinh, một số phát biểu đáng chú ý là:

Em ấn tượng bởi phát hiện liên quan đến việc chứng kiến trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em. Em cũng đã chứng kiến hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em, em thấy tội nghiệp cho các bạn đó. Em mong muốn cha mẹ cần lắng nghe con nhiều hơn, các bên liên quan cần xây dựng quyền để bảo vệ trẻ em. (Em T.D, lớp 6)

Hiện nay có nhiều bạn nghiện Internet, nghiện game, bỏ học để đi chơi Internet rất nhiều, thầy cô và gia đình nên cải thiện vấn đề này. (Em V.A)

Trẻ em đang phải học hành nhiều quá, thì ăn ngủ, vui chơi ở đâu? Cần cân bằng thời gian học với thời gian tham gia các hoạt động ngoại khoá như cắm trại, đi đến các khu mồ côi, nghèo để tìm hiểu cuộc sống, các kiến thức về cuộc sống. (Em G.H, lớp 7)

Để cha mẹ và nhà trường giúp các em các kiến thức về an toàn mạng thì tốt hơn là để các em tự học. Các em tự học nhiều thì lỡ mình lên mạng tiếp cận các trang web xấu thì các em không biết làm sao? (Em T.B)

Chúng em đang học tới 13 môn học, chúng ta có sử dụng hết kiến thức của các môn này trong tương lai không? Theo em chỉ nên tập trung học vài môn theo định hướng. (Em G.N, lớp 7)

Em thấy cần tăng cường các câu lạc bộ năng khiếu bên ngoài học tập như hát, vẽ, múa. (Em G.H, lớp 8)

Trẻ em cũng được quyền chăm sóc sắc đẹp cho bản thân mình, ví dụ làm tóc, hay trang điểm thì có thể bị nhìn nhận là trẻ em hư hỏng hay ăn chơi. Vậy trẻ em có quyền chăm sóc sắc đẹp cho bản thân mình không? (Em T.H, lớp 7)

Nhiều trẻ em không tự tin, còn khá thụ động chưa tự tin nói lên ý kiến của mình, có cách nào để hỗ trợ các bạn có thể phát biểu trước đám đông hay không? (Em K.)

Nhiều bạn lo lắng về công việc cho tương lai, có cách nào để hướng nghiệp cho các bạn hay không?

Trước những ý kiến của các em, Bà Đinh Thị Thiên Ân – Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa đã giải đáp các thắc mắc của các em trong nhà trường và chia sẻ thêm: “Trước giờ, Ban giám hiệu cũng đã nỗ lực hết sức để cùng đối thoại, lắng nghe tiếng nói của các em. Có một số vấn đề trong trường như các khoá học ngoại khoá, việc thay đổi thời khoá biểu, v.v. chúng tôi đã được hướng dẫn, chỉ đạo, tư vấn từ Sở/ Phòng Giáo dục, xin ý kiến phụ huynh, v.v. Tuy nhiên, qua buổi đối thoại như thế này, thấy cần phải đẩy mạnh cả việc lấy ý kiến của học sinh. Trường hứa sẽ nỗ lực để lắng nghe và chia sẻ, ghi nhận tiếng nói của học sinh tích cực và hiệu quả hơn nữa.”

(Bà Đinh Thị Thiên Ân – Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa)

Tiếp nối ý kiến này, Bà Phạm Thị Thu Hiền – Phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh khẳng định: “Gần đây Sở đã tổ chức tập huấn hướng nghiệp cho các hiệu trưởng, sau đó sẽ được phổ biến tại các trường dành cho học sinh lớp 8 và lớp 9 trong thời gian sắp tới. Các khoá học về kỹ năng sống cũng cần được chú trọng. Bên cạnh đó, nhà trường và cơ quan các cấp luôn tổ chức đối thoại hàng năm giữa học sinh với thầy cô, các thầy cô sẵn sàng lắng nghe. Các em có quyền lên tiếng, đừng chịu đựng mà hãy bày tỏ mong muốn của các em về phương pháp giảng dạy, cách thức hành xử của thầy cô. Thực tế có nhiều trẻ em vì ấm ức mà trở nên trầm cảm, nên các em cần bày tỏ, để người lớn lắng nghe và cùng các em thay đổi, tìm các giải pháp để tạo điều kiện tốt nhất cho các em.”

(Bà Phạm Thị Thu Hiền – Phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh)

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD cũng chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với các chia sẻ và góp ý của các em để thúc đẩy sự tham gia của các em trong trường học, gia đình và cộng đồng. Điều tiên quyết là các em cần nhận thức được quyền lên tiếng, quyền tham gia của chính bản thân để nói chuyện, tham vấn, phản biện, đưa ý tưởng, sáng kiến và giải pháp với các người lớn. Rõ ràng, buổi chia sẻ như ngày hôm nay là cơ hội để các em thực hiện quyền của mình và được giải đáp trả lời thắc mắc từ những người lớn phải chịu trách nhiệm với việc đảm bảo quyền của các em”.

(Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD)

Phát biểu phản hồi và tổng kết, Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ: “Sự tham gia của trẻ em luôn là nội dung ưu tiên trong các kế hoạch hoạt động của Cục Trẻ em. Chúng tôi đánh giá cao các kết quả Báo cáo Tiếng nói trẻ em Việt Nam cũng như các ý kiến, nguyện vọng, đề xuất mà các em đã chia sẻ trong chương trình hôm nay. Những hoạt động đối thoại, tiếp nhận ý kiến của trẻ em cần được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức, cách thức. Bên cạnh việc đề xuất ý kiến trực tiếp, các em hoàn toàn có thể gọi tới Tổng đài 111 để đưa ra các chia sẻ, suy nghĩ, mong muốn của các em hoặc khi các em/bạn của các em cảm thấy mất an toàn. Các ý kiến này sẽ được ghi nhận lại và trình lên các cơ quan quản lý cấp cao nhất mỗi tháng. Chúng tôi luôn cùng các cơ quan quản lý nhà nước khác, trường học, các tổ chức xã tiếp tục lắng nghe, tiếp thu và hành động để thúc đẩy thực hiện quyền tham gia của trẻ em Việt Nam.”

Bên cạnh đó, ông Đặng Hoa Nam cũng tham vấn ý kiến trẻ em về việc đưa vào giảng dạy các môn học kĩ năng sống như Phòng tránh tai nạn thương tích, Phòng chống đuối nước, Sử dụng Internet an toàn, Thuyết trình,… và được tất cả trẻ em tham dự đồng ý.

Chuỗi Hội thảo chia sẻ kết quả Báo cáo Tiếng nói Trẻ em sẽ tiếp tục được thực hiện tại các tỉnh thành phố: Hải Phòng, Lào Cai, Huế, Đăk Lăk và Tiền Giang trong tháng 4.2021. Các ý kiến của trẻ em sẽ được thu thập, ghi nhận và đệ trình nhằm xây dựng các chương trình đảm bảo thúc đẩy sự tham gia và tiếng nói trẻ em trong các vấn đề của chính các em.

————————————— 

Trong năm 2020, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) đã công bố Báo cáo Tiếng nói trẻ em Việt Nam. Khảo sát Tiếng nói Trẻ em Việt Nam do MSD điều phối triển khai từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2020 với sự tham gia của 1.692 trẻ em từ 11 đến 16 tuổi7 tỉnh/ thành phố trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Mục tiêu của khảo sát nhằm thu thập ý kiến, suy nghĩ của trẻ em về những vấn đề liên quan trực tiếp tới trẻ em, từ đó, xem xét thực trạng thực thi Quyền Trẻ em tại Việt Nam dưới góc nhìn của trẻ.

Tiếp nối thành công của Báo cáo, MSD phối hợp với Cục Trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện chuỗi Hội thảo Chia sẻ kết quả Báo cáo Tiếng nói trẻ em Việt Nam, dự kiến trong giai đoạn tháng 3 – tháng 5.2021 tại 7 tỉnh, thành phố có trẻ em đã thực hiện khảo sát. Chuỗi Hội thảo nhằm mục tiêu chia sẻ, công bố các kết quả của Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam, đồng thời lắng nghe, tiếp nhận ý kiến phản hồi của các em và các bên liên quan nhằm thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong các vấn đề liên quan đến chính các em. Tham khảo Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam tại đây: Báo cáo Tiếng nói Trẻ em đầy đủ; Tóm tắt Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam, Phim ngắn Tiếng nói Trẻ em Việt Nam.

————————————- 

Về Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

Là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, MSD nỗ lực hành động vì một môi trường phát triển thuận lợi cho sự phát triển của khối các tổ chức xã hội và thúc đẩy việc thực hiện quyền của các nhóm cộng đồng bị lề hoá và dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật.

Chương trình Gia đình Việt của MSD tập trung vào các nỗ lực hỗ trợ quyền của trẻ em và gia đình về Giáo dục Quyền trẻ em, Quản trị quyền trẻ em, Giáo dục công dân toàn cầu, Công dân số, đại sứ bảo vệ môi trường Bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại, Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và thanh niên, v.v

—————————————– 

Liên hệ truyền thông:

(Ms) Chu Thu Hà – Cán bộ Điều phối Sự kiện và Truyền thông Email: event.manager@msdvietnam.org

Điện thoại: 024 62769056 – 0852577220

Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD)

Địa chỉ: Tầng 6, Số 15 Yên Lãng, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội Website: www.msdvietnam.org Fanpage: https://www.facebook.com/www.msdvietnam.org

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.