Hà Nội, ngày 11.10.2020 – Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD), Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và Tổ chức Plan Intenational phát động chiến dịch “Hành động ngay cùng GBVNet bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục”. Chiến dịch được khởi động với buổi Toạ đàm trực tuyến “An toàn cho trẻ em gái – Phòng tránh quấy rối, xâm hại trẻ em”.

Xâm hại tình dục trẻ em là một vấn đề vẫn khá nóng tại Việt Nam mặc dù nhận được sự quan tâm từ chính phủ, các cơ quan, các tổ chức xã hội và người dân tại cộng đồng. Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã đưa vấn đề xâm hại tình dục trẻ em vào chương trình nghị sự. Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2014 có 1.544 vụ, năm 2015 có 1.355 vụ, năm 2016 có 1.248 vụ, năm 2017 có 1.370 vụ, và năm 2018 có 1.269 vụ xâm hại tình dục. Theo thông tin do Tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 công bố, trong năm 2017-2018, 86% số trẻ bị xâm hại bởi thủ phạm là chính người thân, người quen. Trong đó, người quen, hàng xóm chiếm 59%; giáo viên, nhân viên nhà trường là 6%; đặc biệt, trên 21% là người thân trong gia đình. Thêm vào đó, tình trạng bạo lực, bắt nạt trẻ em trên không gian mạng ngày càng gia tăng. Báo cáo của Quốc hội cho biết, trung bình mỗi ngày có 720,000 hình ảnh và các đăng tải có nội dung bạo lực và xâm hại đối với trẻ em.

Nhằm nâng cao năng lực cho các bậc cha mẹ, những người chăm sóc và làm việc với trẻ em, thông qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng hiểu đúng và nắm bắt được những kỹ năng giúp trẻ phòng ngừa quấy rối và xâm hại tình dục, trong giai đoạn tháng 10 – tháng 11 năm 2020, Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) phát động chiến dịch “Hành động ngay cùng GBVNet bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục”. Các hoạt động chính của chiến dịch bao gồm: Cuộc thi sáng tác bài viết, thực hiện phim ngắn dành cho học sinh THCS và THPT về chủ đề Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em, Thử thách chia sẻ câu chuyện dành cho các bậc phụ huynh về các phương pháp bảo vệ và giáo dục con/trẻ em khỏi xâm hại tình dục, toạ đàm trực tuyến với các chuyên gia, truyền thông mạng xã hội,…

Chia sẻ về chiến dịch, bà Khuất Thu Hồng – Chủ tịch Mạng lưới GBVNet phát biểu: “Dù chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng để thay đổi, nhưng cần nhìn nhận rằng tình trạng bạo lực phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang diễn ra cùng với sự phát triển của xã hội với tính chất phức tạp hơn và khó đối phó hơn. Với chiến dịch “Hành động ngay cùng GBVNet bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục”, chúng tôi kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội, không chỉ là các cơ quan chuyên trách về bảo vệ phụ nữ và trẻ em, mà còn cả các bậc phụ huynh, giáo viên, chính bản thân trẻ em và cộng đồng cùng tham gia đẩy lùi nạn xâm hại, quấy rối trẻ em, để những câu chuyện, những vụ việc đau lòng không còn tiếp diễn nữa. Mạng lưới GBVNet mong muốn đồng hành với các cơ quan chức năng và xã hội cùng lên tiếng và chung tay bảo vệ, hỗ trợ để mọi trẻ em lớn lên trong một môi trường an toàn, được vui chơi, được sống mà không phải lo sợ bất kì điều gì.”

(Bà Khuất Thu Hồng (bên trái) – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) – Chủ tịch Mạng lưới GBVNet)

Nhân dịp Khởi động chiến dịch cũng là Ngày Quốc tế trẻ em gái 11.10, Toạ đàm trực tuyến “An toàn cho trẻ em gái – Phòng tránh quấy rối, xâm hại trẻ em” diễn ra ngay sau phát động chiến dịch nhằm tập trung vào nâng cao nhận thức của trẻ em, cha mẹ, thầy cô và công chúng về việc xây dựng môi trường an toàn và thân thiện với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái; thúc đẩy các giải pháp ngăn ngừa xâm hại trẻ em. Chương trình được phát sóng trực tiếp trên Fanpage GBVNet, CSAGA Vietnam và MSD Vietnam. Chương trình quy tụ các chuyên gia thành viên GBVNet đã có nhiều hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới:

– Bà Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) – Chủ tịch Mạng lưới GBVnet

– Bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm CSAGA

– Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD

– Bà Đào Thị Bảo Thư – Điều phối viên dự án Thành phố an toàn và thân thiện với em gái – Tổ chức Plan International

– Anh Nguyễn Thanh Tùng – Người đã đạt giải Nhất trong cuộc thi “Tôi lên tiếng – Tôi hành động" do Trung tâm CSAGA phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức.

(Các diễn giả tại toạ đàm “An toàn cho trẻ em gái – Phòng chống quấy rối, xâm hại trẻ em")

Tại buổi Toạ đàm, các diễn giả đã cùng nhau chia sẻ quan điểm, góc nhìn về thực trạng việc quấy rối, xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian gần đây, đặc biệt là em gái, đồng thời đưa ra những đề xuất, ý kiến và lời khuyên dành cho phụ huynh và những người chăm sóc trẻ về những cách thức để bảo vệ và giáo dục trẻ em khỏi những nguy cơ và hành vi quấy rối, xâm hại.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại tình dục, Bà Nguyễn Vân Anh chia sẻ: “Trước những vụ việc đau lòng liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em, chúng ta thường đưa ra những lời cảm thán, đau xót và giật mình trước những con số báo cáo, thế nhưng chúng ta lại quên ngay sau đó và thờ ơ khi cho rằng đó không phải chuyện nhà mình. Tuy nhiên, cần nhớ rằng việc bảo vệ trẻ em là câu chuyện không của riêng ai, là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Trẻ em, dù là trai hay gái, dù ở độ tuổi nào cũng đều cần bảo vệ bởi mọi sự xâm hại, quấy rối đều sẽ để lại những vết thương rất sâu trong lòng trẻ em. Tôi tin rằng nếu mỗi chúng ta đều có ý thức với việc lên tiếng tố giác các hành vi xâm hại, quấy rối và nhận thức được trách nhiệm bảo vệ trẻ em, những trường hợp đau lòng sẽ giảm đi rất nhiều.”

(Bà Nguyễn Vân Anh (bên phải) – Giám đốc Trung tâm CSAGA)

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD, với kinh nghiệm nhiều năm truyền thông giáo dục phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em nhấn mạnh: “Việc giáo dục truyền thông cho trẻ em và gia đình, và nhà trường là đặc biệt quan trọng – chúng ta phòng ngừa từ gốc rễ chứ không để xảy ra các sự việc xâm hại đau lòng rồi mới đi xử lý, răn đe. Việc giáo dục truyền thông ở Việt Nam trước giờ vẫn còn mang tính lý thuyết, nhiều khi né tránh các vấn đề giáo dục tình dục, giới tính của trẻ em vì cho là nhạy cảm, trẻ em không biết gì. Tôi nghĩ quan niệm này nên bỏ và phải nhìn thẳng vào vấn đề, hành động ngay. Việc giáo dục trẻ về giới tính, gọi tên chính xác các bộ phận, tôn trọng cơ thể mình và người khác, các kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, xử lý các tình huống, v.v. cần được đưa vào trong nhà trường và gia đình càng sớm càng tốt. Phương pháp cũng cần cải tiến thân thiện với gia đình và trẻ em như trò chơi, cuộc thi xử lý tình huống, phim hoạt hình, ứng dụng trò chơi điện tử, v.v. để trẻ dễ tiếp thu, dễ nhớ. Nếu việc giáo dục truyền thông cho trẻ em, gia đình, nhà trường và cộng đồng được làm tốt, chúng ta có thể xây dựng 1 tấm khiên, sức đề kháng và tự bảo vệ cho trẻ em.”

(Bà Nguyễn Phương Linh (ở giữa) – Viện trưởng MSD – Thành viên ban điều hành GBVnet)

Đại diện cho nhóm thanh niên – những người mong muốn đóng góp tiếng nói của mình với các vấn đề xã hội, bạn Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: “Trong thời đại công nghệ số, người trẻ với sự sáng tạo và năng động của mình có thể có rất nhiều cách thức để truyền thông, thay đổi nhận thức của xã hội trong việc bảo vệ trẻ em. Trong thời gian tới tôi sẽ cùng cộng sự của mình có kế hoạch cho một chuỗi phim ngắn về bạo lực giới, quấy rối tình dục trẻ em và phụ nữ nhằm cung cấp kiến thức cho trẻ em và phụ huynh để phần nào đó góp công sức nhỏ bé cho xã hội và thay thế các kênh xấu, độc trên mạng xã hội hiện nay.”

(Anh Nguyễn Thanh Tùng – Người đã đạt giải Nhất trong cuộc thi “Tôi lên tiếng – Tôi hành động" do Trung tâm CSAGA phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức)

Bà Đào Thị Bảo Thư – Tổ chức Plan International khẳng định: “Chúng ta cần nhận thức được rằng, mọi hành vi khiến cho trẻ em cảm thấy không thoải mái, kể cả sự trêu chọc, đụng chạm thoáng qua đều là xâm hại, quấy rối và sẽ để lại những ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ, cuộc sống và trải nghiệm của các em. Vì vậy, hãy lên tiếng. Trẻ em chính là những nhân tố của sự thay đổi, với mục tiêu các em sẽ trở thành thủ lĩnh của sự thay đổi vì bình đẳng giới và vì quyền của trẻ em gái.”

(Bà Đào Thị Bảo Thư – Điều phối viên dự án Thành phố an toàn và thân thiện với em gái – Tổ chức Plan International)

Bên cạnh những chia sẻ của các chuyên gia, buổi Toạ đàm còn giới thiệu Cuộc thi sáng tác các sản phẩm truyền thông với chủ đề “Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em”. Đây là cuộc thi dành cho học sinh bậc THCS và THPT trên cả nước, sẽ diễn ra từ ngày 11.10 đến 13.11.2020. Chi tiết về cuộc thi có trên trang Fanpage của Mạng lưới GBVNet. Vui lòng xem lại Toạ đàm tại đây.

———————————————— 

Về Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet)

GBVNet là một tập hợp các tổ chức xã hội và cá nhân có cùng mối quan tâm và hoạt động nhằm xóa bỏ bạo lực giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.

Tiền thân của GBVNet là Mạng lưới Phòng, Chống Bạo lực Gia đình Việt Nam (DOVIPNET), được thành lập từ năm 2007. DOVIPNET đã tham gia tích cực vào quá trình soạn thảo và vận động cho việc ban hành Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình đồng thời thực hiện nhiều nghiên cứu và các chương trình can thiệp về bạo lực gia đình. Với thời gian, các thành viên của DOVIPNET không chỉ giới hạn hoạt động trong lĩnh vực bạo lực gia đình, mà còn quan tâm tới việc giải quyết vấn đề bạo lực giới tại Việt Nam, thực hiện nhiều chương trình liên quan tới các dạng thức khác nhau của bạo lực giới. Do vậy, các thành viên DOVIPNET đã đồng thuận đổi tên gọi mới của mạng là Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) để phản ánh đầy đủ hơn nội dung hoạt động của các thành viên trong mạng lưới và đáp ứng nhu cầu của thực tế xã hội.

Về Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

Là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, MSD nỗ lực hành động vì một môi trường phát triển thuận lợi cho sự phát triển của khối các tổ chức xã hội và thúc đẩy việc thực hiện quyền của các nhóm cộng đồng bị lề hoá và dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật.

Chương trình Gia đình Việt của MSD tập trung vào các nỗ lực hỗ trợ quyền của trẻ em và gia đình về Giáo dục Quyền trẻ em, Quản trị quyền trẻ em, Giáo dục công dân toàn cầu, Công dân số, đại sứ bảo vệ môi trường Bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại, Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và thanh niên, v.v

Về Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA)

Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, hoạt động nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền cho nhóm phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi kỳ thị và bạo lực tại Việt Nam.

Chúng tôi hiểu rằng bất bình đẳng giới là nguyên nhân gốc rễ của bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Chúng tôi nỗ lực hoạt động để mang đến các cơ hội tốt đẹp hơn cho phụ nữ và trẻ em gái. Chúng tôi hợp tác với các đối tác khác nhau để thúc đẩy quyền của nhóm phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi kỳ thị và bạo lực.

Về Tổ chức Plan International

Tổ chức Plan International bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1954. Lúc bấy giờ, thông qua chương trình Bảo trợ, Plan International đã hỗ trợ cải thiện cuộc sống cho hàng nghìn gia đình tại khu vực miền Nam. Năm 1993, Plan International quay trở lại Việt Nam, chuyển sang hoạt động tại khu vực miền Bắc và miền Trung, ưu tiên cho các cộng đồng dân tộc thiểu số. Mục tiêu đến năm 2021, Plan International hành động để 2 triệu trẻ em gái từ 1.875 cộng đồng tại Việt Nam được học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển.

Các lĩnh vực can thiệp chính bao gồm: (1) Giáo dục chất lượng và hòa nhập; (2) Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em và dịch vụ y tế tại cộng đồng; (3) Tăng cường khả năng ứng phó trước thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu; (4) Môi trường an toàn, thân thiện và bền vững về kinh tế cho trẻ em và thanh niên nhập cư; (5) Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả hình thức bạo lực và xâm hại.

———————————————- 

Liên hệ truyền thông:

CSAGA:

(Ms) Đặng Minh Nguyệt – Cán bộ dự án Email: nguyetdang@csaga.org.vn

Điện thoại: 0965629448

Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và Vị thành niên

Địa chỉ: Số 35, ngõ 66, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội

Website: csaga.org.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/CsagaVietnam

MSD:

(Ms) Chu Thu Hà – Cán bộ Điều phối Sự kiện và Truyền thông Email: event.manager@msdvietnam.org

Điện thoại: 024 62769056

Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD)

Địa chỉ: Tầng 6, Số 15 Yên Lãng, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội

Website: www.msdvietnam.org

Fanpage: https://www.facebook.com/www.msdvietnam.org

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.