I. Giới thiệu

Hợp phần “Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử đối với trẻ em, trong đó có  trẻ khuyết tật” được Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) triển khai từ tháng 1/2023 thuộc khuôn khổ Dự án “Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử đối với trẻ em khuyết tật” (AVAC) do Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam (SCI) tài trợ triển khai giai đoạn từ 9/2022 – đến 12/2024. 

Mục tiêu của dự án nhằm cung cấp các biện pháp can thiệp cần thiết để thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em, bao gồm trẻ em khuyết tật, thuộc các bản dạng giới khác nhau, để trẻ được tham gia vào quá trình ra quyết định và được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực. 

Để góp phần chấm dứt việc cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo sử dụng các biện pháp trừng phạt thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử trong giáo dục trẻ em, hàng năm, MSD đều tổ chức Chiến dịch truyền thông và vận động chính sách về chống trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em với nhiều hoạt động đa dạng như: tập huấn, đối thoại chính sách, sự kiện truyền thông ngoài trời, truyền thông trên mạng xã hội, dán poster tại các địa điểm công cộng… Trong số đó, hoạt động đối thoại chính sách là sự kiện trọng tâm để các bên liên quan cùng đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật và thực thi có hiệu quả các quy định pháp luật về chống trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em. 

Để tăng chất lượng tham gia của trẻ em tại buổi đối thoại chính sách dự kiến sẽ được tổ chức vào Tháng 5 năm 2023 nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, MSD dự kiến sẽ lựa chọn và tổ chức tập huấn cho một nhóm trẻ em nòng cốt (từ 11-15 tuổi) về sự tham gia của trẻ em và hướng dẫn các em thu thập thông tin và chuẩn bị các kiến nghị, đề xuất để trình bày với các bên liên quan tại buổi đối thoại. 


II. Mục tiêu và kết quả mong đợi:

1. Mục tiêu: Nâng cao năng lực cho nhóm trẻ nòng cốt về sự tham gia của trẻ em và hướng  dẫn các em thu thập thông tin, chuẩn bị các kiến nghị, đề xuất để trình bày với các bên liên quan tại buổi đối thoại.

2. Kết quả mong đợi: 

– Cung cấp khái niệm về sự tham gia của trẻ, mục đích và vai trò tham gia của trẻ em, các hình thức tham gia của trẻ, các tiêu chuẩn của sự tham gia và các điều kiện cần thiết cho sự tham gia của trẻ;

– Cung cấp các quy định về quyền tham gia của trẻ theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em và pháp luật Việt Nam; 

– Cung cấp khái niệm “trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em“, đưa ra được một số ví dụ về hành vi trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em và những hậu quả, tác hại của việc áp dụng các biện pháp trừng phạt thể chất, tinh thần đối với trẻ em;

– Đưa ra được một số đề xuất, khuyến nghị đối với các bên liên quan, đặc biệt là cha mẹ, thầy cô giáo và bản thân trẻ để chấm dứt việc áp dụng các hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em;

– Nêu được tên gọi và thực hành được một số kỹ năng tham gia (kỹ năng quan sát, đặt câu hỏi, lắng nghe, phản hồi, thuyết trình,…).


III. Nội dung và phương pháp tập huấn

1. Các nội dung chính: 

– Giới thiệu về sự tham gia của trẻ: Khái niệm về sự tham gia; mục đích và vai trò tham gia của trẻ em; hình thức tham gia của trẻ, các tiêu chuẩn của sự tham gia và các điều kiện cần thiết cho sự tham gia của trẻ (tham khảo tài liệu về giám sát và đánh giá sự tham gia của trẻ em do SC phát triển); 

– Quyền tham gia của trẻ theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em và pháp luật Việt Nam;

– Khái niệm và các hành vi “trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em“, nguyên nhân và hậu quả, tác hại của việc áp dụng các biện pháp trừng phạt thể chất, tinh thần đối với trẻ em;

– Một số kỹ năng tham gia của trẻ (giới thiệu lý thuyết và hướng dẫn thực hành);

– Thảo luận, đưa ra các đề xuất, khuyến nghị đối với các bên liên quan, đặc biệt là cha mẹ, thầy cô giáo và bản thân trẻ để chấm dứt việc áp dụng các hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em.

2. Phương pháp tập huấn:

Áp dụng phương pháp tập huấn có sự tham gia, lấy người học làm trung tâm, kết hợp đa dạng và linh hoạt các kỹ thuật tập huấn như: thảo luận nhóm, chia sẻ ý kiến, thuyết trình, động não, lấy ý kiến nhanh, trò chơi,…

3. Thành phần tham dự tập huấn: 30 trẻ em từ 11 – 16 tuổi (trong đó bao gồm trẻ em khuyết tật) và 05 giáo viên cấp THCS.


IV.Thời gian, địa điểm tập huấn:

– Thời gian tập huấn: 26-27 tháng 3 năm 2023

– Thời gian hỗ trợ sau tập huấn: Tháng 4 hoặc tháng 5 (01 ngày)

– Địa điểm: huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội

V. Yêu cầu đối với tư vấn:

1. Tiêu chí lựa chọn tập huấn viên:

– Có trình độ từ đại học trở lên, ưu tiên những người có chuyên môn về công tác xã hội, quyền  con người, trẻ em và gia đình.

– Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em;

– Am hiểu về quyền trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia của trẻ em và các mô hình, kỹ năng thúc đẩy sự tham gia của trẻ.

– Am hiểu về vấn đề trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em.

– Ưu tiên tư vấn có kiến thức, kỹ năng hòa nhập khuyết tật và có kinh nghiệm thúc đẩy sự tham gia của trẻ khuyết tật với nhiều dạng tật. 

– Thông thạo phương pháp tập huấn cùng tham gia.

– Có kỹ năng làm việc trực tiếp với trẻ em.

2. Nhiệm vụ của tư vấn: 

– Trao đổi với nhóm dự án MSD và SC trước và trong quá trình tổ chức tập huấn để thống nhất chương trình, phương pháp và tài liệu tập huấn. 

– Nghiên cứu và tuân thủ các chính sách, quy định của SC trước khi thực hiện tập huấn như khung chính sách an toàn, quy định về truyền thông v.v

– Nghiên cứu tài liệu dự án để nắm được bối cảnh, thiết kế dự án.

– Xây dựng chương trình tập huấn;

– Nghiên cứu tài liệu để biên soạn tài liệu tập huấn (bản trình chiếu và tài liệu phát tay cho tham dự viên);

– Chuẩn bị công cụ và thực hiện đánh giá sau tập huấn (phiếu lượng giá đầu và cuối tập huấn)  để kiểm tra mức độ tiếp thu kiến thức và thực hành kỹ năng của học viên, đồng thời đánh giá mức độ đạt được mục tiêu mong đợi của hội thảo tập huấn;

– Trực tiếp giảng dạy tại tập huấn;

– Tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ trẻ trong quá trình trẻ thu thập thông tin và chuẩn bị cho sự tham gia của trẻ tại buổi đối thoại;

– Tổng hợp thông tin, viết báo cáo tập huấn (theo mẫu của Dự án) và gửi cho MSD trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tập huấn.

3. Số ngày tư vấn: 

– Tập huấn trực tiếp: 2,5 ngày (bao gồm cả thời gian chuẩn bị và giảng).

– Tư vấn hỗ trợ trẻ em xây dựng khuyến nghị: 1 ngày 

Tổng số: 3,5 ngày

VI.Phí tư vấn và hình thức thanh toán:

– Phí tư vấn: theo thoả thuận.

– Việc thanh toán sẽ được thực hiện một lần bằng phương thức chuyển khoản sau khi công việc được hoàn thành và được MSD nghiệm thu.

VII.Liên hệ: 

– Ứng viên quan tâm xin gửi hồ sơ về địa chỉ email: pro.officer@msdvietnam.com – SĐT:
02462769056 trước ngày 25/3/2023.

 – Hồ sơ gồm: CV, đề xuất chương trình tập huấn chi tiết và đề xuất cụ thể mức phí trọn gói
(bao gồm chi phí: đi lại, phòng nghỉ, công tác phí, phí tư vấn).

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.