ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

Tư vấn thực hiện nghiên cứu rà soát kinh nghiệm quốc tế
về cơ chế phối hợp liên ngành bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

I. Bối cảnh:
Trong thời đại số ngày nay, sử dụng internet đã trở thành hoạt động bình thường trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi người. Trẻ em cũng trở thành những “công dân số” từ rất sớm. Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), năm 2019, trên thế giới có hơn 2,2 tỷ người dưới 18 tuổi đã truy cập internet hằng ngày, cứ 3 người truy cập internet thì có 1 trẻ em. Việt Nam hiện có khoảng hơn 60 triệu người sử dụng internet với 58 triệu người sử dụng mạng xã hội, trong đó có khoảng 30% người sử dụng là trẻ em.
Môi trường mạng Internet luôn hấp dẫn, chứa đựng kho tàng tri thức và nhiều tiện ích. Tuy nhiên, khi tiếp xúc trên môi trường mạng, nếu không được trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn thì trẻ em sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực. Bất kỳ một trẻ em nào truy cập internet đều phải đối diện với nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt trên mạng (cyberbullying), dụ dỗ qua mạng (grooming), lừa đảo qua mạng, tiếp cận với các thông tin sai lệch, thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng. Theo một kết quả thăm dò của UNICEF tại Việt Nam, 1/5 số trẻ em được hỏi cho biết mình đã từng là nạn nhân của đe dọa trực tuyến trên internet. Trong khi đó, phần lớn trẻ em tự học cách dùng Internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%). Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn . Khi gặp các vấn đề, sự cố trên không gian mạng, trẻ em thường có xu hướng giấu kín, không chia sẻ với bố mẹ, thầy cô.
Việt Nam đã có Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An toàn thông tin năm 2018, Luật An ninh mạng 2018… với nhiều quy định về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Vào ngày 05/3/2020, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ký Kế hoạch phối hợp về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Ngày 22/12/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký Quyết định số 2264/QĐ-BTTTT phê duyệt Chương trình phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng của Bộ Thông tin và truyền thông năm 2021. Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025" cũng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Theo đó, việc xây dựng một cơ chế phối hợp liên ngành để kết nối các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cùng hoạt động vì trẻ em, tạo thành quy trình chặt chẽ để phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng là hết sức cần thiết. Thông qua mạng lưới này, trẻ em sẽ dễ dàng lên tiếng, tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, được bảo vệ an toàn khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng, tương tự quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại trong đời thực.
Hiện nay, dự thảo Quyết định về việc thành lập mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông dự thảo, đưa ra lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Theo dự thảo Quyết định này, sẽ có 24 cơ quan/tổ chức là thành viên của mạng lưới, trong đó có đại diện các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực trẻ em, an toàn thông tin; cơ quan thông tin đại chúng; doanh nghiệp công nghệ thông tin; tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước. Trong dự thảo quyết định cũng đã dự kiến về chức năng, nhiệm vụ của mạng lưới và giao cho Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực của mạng lưới, có trách nhiệm điều hành, phối hợp, tổ chức các hoạt động của mạng lưới. Dự thảo quy chế phối hợp giữa các thành viên trong mạng lưới cũng đang được nghiên cứu, xây dựng.
Để góp phần thúc đẩy việc thiết lập và đưa vào vận hành cơ chế phối hợp liên ngành bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực các tổ chức xã hội về quản trị quyền trẻ em ” do Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SC) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA) tài trợ, Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) dự kiến phối hợp với Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành một nghiên cứu rà soát kinh nghiệm quốc tế về cơ chế phối hợp liên ngành bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng để tham khảo, vận dụng vào việc xúc tiến thành lập và vận hành một cơ chế phối hợp liên ngành tương tự tại Việt Nam.

II. Mục tiêu nghiên cứu:
Nghiên cứu sẽ rà soát kinh nghiệm quốc tế về việc thiết lập và vận hành cơ chế phối hợp liên ngành để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trên cơ sở đó đưa ra đề xuất về việc thiết lập và vận hành một cơ chế phối hợp liên ngành bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Việt Nam.

III. Nội dung nghiên cứu:
1. Rà soát cơ chế phối hợp liên ngành để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của một số quốc gia trên thế giới (những quốc gia được xếp hạng cao về an ninh mạng) và các quốc gia trong khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội tương đồng với Việt Nam (Ví dụ: Trung Quốc, Thái Lan, Phillipine, v.v.) mà thực hiện tốt nhiệm vụ này. Cụ thể:
+ Các quy định về phối hợp liên ngành.
+ Các mô hình về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cấp quốc gia (chỉ rõ các bên tham gia, cơ chế hoạt động, nhiệm vụ, vai trò của các bên tham gia, một số kết quả đạt được và một số bài học kinh nghiệm đã được rút ra từ quá trình vận hành các mô hình này).
+ Các mô hình về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại một số địa phương thực hiện tốt (nếu có) trong đó cũng chỉ rõ các bên tham gia, cơ chế hoạt động, nhiệm vụ, vai trò của các bên tham gia, một số kết quả nổi bật khi hoạt động và bài học kinh nghiệm).
(Nội dung 1 này chiếm khoảng 70% nội dung nghiên cứu).
2. Đề xuất thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Việt Nam (dựa trên kết quả của phần 1. bao gồm:
+ Vai trò, nhiệm vụ của từng bên tham gia trong mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cấp Trung ương và cấp địa phương.
+ Cơ chế phối hợp giữa các thành viên trong mạng lưới (văn bản phối hợp: luật/nghị định/quyết định của Thủ tướng Chính phủ/ kế hoạch liên ngành; quy trình, cách thức phối hợp giữa các thành viên trong mạng lưới…).
+ Mô hình mạng lưới thành lập tại cấp Trung ương và địa phương…
(Nội dung 2 này chiếm khoảng 30% nội dung nghiên cứu).

III. Phạm vi công việc và phương pháp nghiên cứu:
Nghiên cứu chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính. Tư vấn sẽ tiến hành nghiên cứu và phân tích các hệ thống dữ liệu thứ cấp đặc biệt các tài liệu mô hình quốc tế và chính sách, chương trình trong nước, đồng thời thực hiện một số cuộc phỏng vấn bán cấu trúc (semi-structured interview) với một số “người tham gia chính” (key informants) là đại diện các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực trẻ em, an ninh mạng và cung cấp các dịch vụ truyền thông kỹ thuật số. Thông tin thu thập được sẽ được tổng hợp, phân tích để xây dựng báo cáo rà soát.
Các phát hiện và đề xuất nêu trong báo cáo sẽ được đưa ra tham vấn các bên liên quan tại hội thảo tham vấn được tổ chức sau khi có dự thảo 1 báo cáo. Tư vấn sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo.

IV. Kết quả đầu ra:
1. Đề cương nghiên cứu: bao gồm mục tiêu, câu hỏi nghiên cứu, phương pháp, công cụ nghiên cứu, cỡ mẫu và kế hoạch làm việc chi tiết. Kèm theo đề cương là: (1) Câu hỏi phỏng vấn sâu, (2) Mẫu phiếu đồng thuận tham gia nghiên cứu (consent form); 3) Đề cương báo cáo nghiên cứu.
2. Dữ liệu nghiên cứu: bao gồm tất cả các dữ liệu thu thập được như tài liệu viết về kinh nghiệm của các nước, biên bản phỏng vấn, các ý kiến góp ý tại hội thảo tham vấn, các phiếu đồng thuận tham gia nghiên cứu.
3. Dự thảo báo cáo nghiên cứu. Báo cáo dài không quá 40 trang A4, trong đó phần nội dung chính không quá 30 trang A4; phần tóm tắt báo cáo (excecutive summary) không quá 03 trang A4.
4. Báo cáo nghiên cứu hoàn thiện (bằng tiếng Việt) được chỉnh sửa, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu các góp ý của nhóm cán bộ dự án và các bên liên quan.

V. Khung thời gian:
Nghiên cứu sẽ được thực hiện trong tháng 6 và tháng 7 năm 2021.

VI. Yêu cầu và trách nhiệm của tư vấn:
1. Tiêu chí lựa chọn và trách nhiệm của tư vấn:
a) Tiêu chí lựa chọn tư vấn:
– Có bằng thạc sỹ và 6-10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội hoặc có bằng tiến sỹ với 4-8 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội;
– Có kiến thức và hiểu rõ các quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng;
– Có kiến thức và hoặc kinh nghiệm về nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là 1 lợi thế;
– Có kiến thức và kinh nghiệm về bình giá tài liệu (Literature Review);
– Am hiểu về các nguy cơ, rủi ro mà trẻ em gặp phải khi tham gia môi trường mạng và cách thức phòng tránh, ứng phó với các sự cố bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng;
– Có kiến thức và kỹ năng chuyên môn về phương pháp nghiên cứu, phân tích dữ liệu định tính và định lượng, và viết báo cáo;
– Có kinh nghiệm tiếp xúc, làm việc với đại diện các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp;
– Thông thạo tiếng Anh, có khả năng làm việc độc lập và hoàn thành tiến độ công việc theo đúng kế hoạch đề ra.
– Nắm vững và tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ trẻ em.
b) Trách nhiệm của tư vấn:
– Xây dựng đề cương nghiên cứu và các công cụ nghiên cứu (câu hỏi phỏng vấn sâu, mẫu phiếu đồng thuận, đề cương báo cáo nghiên cứu).
– Thu thập dữ liệu định tính.
– Phân tích, tổng hợp dữ liệu.
– Viết dự thảo báo cáo nghiên cứu (bằng tiếng Việt).
– Tham gia các hoạt động tham vấn với các bên liên quan (do MSD chủ trì tổ chức).
– Tiếp thu ý kiến góp ý của các bên liên quan để chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo.
2. Thời gian làm việc dự kiến:

VII. Phí tư vấn và hình thức thanh toán:
– Phí tư vấn: theo thoả thuận
– Việc thanh toán sẽ được thực hiện bằng phương thức chuyển khoản sau theo các đợt hoàn thành công việc trên cơ sở thỏa thuận ở bước đàm phán hợp đồng.

IV. Cấp báo cáo và người liên hệ:
– Ứng viên quan tâm xin gửi hồ sơ về địa chỉ email: vf.manager@msdvietnam.org trước ngày 19/6/2021.
– Hồ sơ gồm: CV của tư vấn, đề cương nghiên cứu và đề xuất cụ thể mức phí tư vấn (tính theo ngày).
– Tư vấn sẽ làm việc và báo cáo trực tiếp với Quản lý Dự án, MSD; Email: vf.manager@msdvietnam.org . Điện thoại: (024) 62769056.

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.