Tuyển dụng

MSD tuyển dụng Tư vấn nghiên cứu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

 

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU
Tư vấn nghiên cứu xây dựng
Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

I. Bối cảnh:
Trong thời đại số ngày nay, sử dụng internet đã trở thành hoạt động bình thường trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi người. Trẻ em cũng trở thành những “công dân số” từ rất sớm. Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), năm 2019, trên thế giới có hơn 2,2 tỷ người dưới 18 tuổi đã truy cập internet hằng ngày, cứ 3 người truy cập internet thì có 1 trẻ em. Việt Nam hiện có khoảng hơn 60 triệu người sử dụng internet với 58 triệu người sử dụng mạng xã hội, trong đó có khoảng 30% người sử dụng là trẻ em.

Môi trường mạng Internet luôn hấp dẫn, chứa đựng kho tàng tri thức và nhiều tiện ích. Tuy nhiên, khi tiếp xúc trên môi trường mạng, nếu không được trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn thì trẻ em sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực. Bất kỳ một trẻ em nào truy cập internet đều phải đối diện với nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt trên mạng (cyberbullying), dụ dỗ qua mạng (grooming), lừa đảo qua mạng, tiếp cận với các thông tin sai lệch, thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng. Theo kết quả khảo sát Tiếng nói trẻ em Việt Nam (Young Voice) do MSD phối hợp với Save the Children thực hiện vào cuối năm 2019, có đến 96,9% trẻ em tại Việt Nam có sử dụng mạng Internet. Cứ 3 trẻ em thì có 2 trẻ có thiết bị kết nối Internet (điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng,…). Trẻ em sử dụng Internet cho nhiều mục đích khác nhau như học hành/ nghiên cứu (83,1%), xem phim/ca nhạc (71,5%), xem các chương trình giải trí/ đọc tin tức (70,9%), giao lưu, kết nối bạn bè (71,2%) và chơi trò chơi điện tử/ trực tuyến (58,7%). Cứ 5 trẻ em thì có 3 trẻ cảm thấy an toàn khi sử dụng Internet. 60% trẻ em tự học về kiến thức an toàn khi sử dụng Internet, 56% trẻ em được cha mẹ, người thân trong gia đình hướng dẫn và 53% trẻ em được thầy cô giáo dạy về an toàn Internet. 1 trong 3 vấn đề ưu tiên mà trẻ em muốn Việt Nam hành động nhiều hơn để giải quyết là “bắt nạt qua mạng” .

Việt Nam đã có Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An toàn thông tin năm 2018, Luật An ninh mạng 2018… với nhiều quy định về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021. Trước đó, vào ngày 26/5/2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký quyết định Quyết định số 716/QĐ-BTTTT về việc thành lập Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục có Quyết định 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc này áp dụng với 3 nhóm đối tượng là: cơ quan nhà nước, cán bộ, công viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam. Trong đó, có 8 quy tắc ứng xử dành cho tổ chức, cá nhân; 3 quy tắc dành cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; 4 quy tắc ứng xử dành cho cơ quan nhà nước và 5 quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Tuy nhiên, bộ quy tắc này chưa đề cập nhiều tới các quy tắc ứng xử tập trung vào mục tiêu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Để góp phần tạo ra một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em, Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) cùng các đơn vị có liên quan tiến hành nghiên cứu, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Bộ quy tắc này sẽ đưa ra những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử, hướng dẫn chung mang tính khuyến nghị cho tổ chức, cá nhân sử dụng môi trường mạng và nhà cung cấp dịch vụ mạng góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em tại Việt Nam.

II. Mục tiêu hoạt động:
Nghiên cứu, tìm hiểu các sáng kiến tương tự trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên môi trường mạng của một số quốc gia, mạng lưới quốc tế, trên cơ sở đó đề xuất dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng để áp dụng tại Việt Nam.

III. Nội dung hoạt động/ Phạm vi công việc của tư vấn:
1. Rà soát, tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của các quốc gia, mạng lưới quốc tế và các Bộ quy tắc ứng xử/ Chính sách/ Tiêu chuẩn cộng đồng của các doanh nghiệp công nghệ (như mạng xã hội Google, Facebook, Tiktok, Youtube, Twitter,…) hay các công ty công nghệ lớn cung cấp dịch vụ trên mạng (Netflix, Apple, các công ty sản xuất game/ trò chơi điện tử, v.v), bao gồm các nội dung sau:
– Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng Bộ quy tắc;
– Các quy tắc ứng xử chung;
– Quy tắc ứng xử cho các cá nhân (bao gồm người lớn, trẻ em), cơ quan, tổ chức, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, các công ty công nghệ, v.v.…
– Các quy tắc ứng xử hướng tới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

2. Góp ý hoàn thiện dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Cục An toàn thông tin xây dựng.

IV. Kết quả đầu ra:
1. Đề cương nghiên cứu: bao gồm mục tiêu, câu hỏi nghiên cứu, phương pháp, công cụ nghiên cứu, kế hoạch làm việc chi tiết và đề cương báo cáo nghiên cứu.
2. Dữ liệu nghiên cứu: bao gồm Bộ quy tắc ứng xử/Tiêu chuẩn cộng đồng của các nước/doanh nghiệp đã thu thập được.
3. Dự thảo báo cáo nghiên cứu (bằng tiếng Việt). Báo cáo dài không quá 30 trang A4, trong đó phần nội dung kết quả nghiên cứu không quá 15 trang A4; phần tóm tắt báo cáo (excecutive summary) không quá 03 trang A4;
4. Báo cáo nghiên cứu hoàn thiện được chỉnh sửa, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu các góp ý của nhóm cán bộ dự án và các bên liên quan.
5. Các ý kiến góp ý và đề xuất chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được gửi tới Ban soạn thảo Bộ Quy tắc.

V. Khung thời gian:
Hoạt động này sẽ được thực hiện trong tháng 8 và tháng 9 năm 2021.

VI. Yêu cầu và trách nhiệm của tư vấn:
1. Tiêu chí lựa chọn và trách nhiệm của tư vấn:
a) Tiêu chí lựa chọn tư vấn:
– Có bằng thạc sỹ và 6-10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội hoặc có bằng tiến sỹ với 4-8 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội;
– Có kiến thức và hiểu rõ các quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng;
– Có kiến thức và kỹ năng chuyên môn về phương pháp nghiên cứu, phân tích dữ liệu định tính và định lượng và viết báo cáo;
– Có kỹ năng và kinh nghiệm bình giá tài liệu (literature review)
– Am hiểu về các nguy cơ, rủi ro mà trẻ em gặp phải khi tham gia môi trường mạng và cách thức phòng tránh, ứng phó với các sự cố bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng;
– Có kiến thức và hoặc kinh nghiệm về nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là một lợi thế;
– Có kinh nghiệm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn là một lợi thế;
– Có khả năng làm việc độc lập và hoàn thành tiến độ công việc theo đúng kế hoạch đề ra.
– Có thái độ cầu thị, sẵn sàng tiếp thu các ý kiến đóng góp từ nhóm cán bộ dự án và các bên liên quan.
– Nắm vững và tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em.
b) Trách nhiệm của tư vấn:
– Xây dựng kế hoạch nghiên cứu và đề cương báo cáo nghiên cứu.
– Thu thập dữ liệu, phân tích, tổng hợp dữ liệu.
– Viết dự thảo báo cáo nghiên cứu (bằng tiếng Việt).
– Tham gia các hoạt động tham vấn với các bên liên quan (Do Cục ATTT phối hợp cùng MSD và các đơn vị liên quan cùng đồng tổ chức).
– Tiếp thu ý kiến góp ý của các bên liên quan để chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo.
– Góp ý và gợi ý chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Bộ quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Cục An toàn thông tin dự thảo.

2. Kế hoạch làm việc dự kiến:

VII. Phí tư vấn và hình thức thanh toán:
– Phí tư vấn: theo thoả thuận
– Việc thanh toán sẽ được thực hiện bằng phương thức chuyển khoản sau theo các đợt hoàn thành công việc trên cơ sở thỏa thuận ở bước đàm phán hợp đồng.

III. Cấp báo cáo và người liên hệ:
– Ứng viên quan tâm xin gửi hồ sơ về địa chỉ email: vf.manager@msdvietnam.org trước ngày 25/8/2021.
– Hồ sơ gồm: CV của tư vấn, kế hoạch nghiên cứu và đề xuất cụ thể mức phí tư vấn (tính theo ngày).
– Tư vấn sẽ làm việc và báo cáo trực tiếp với Quản lý Dự án, MSD; Email: vf.manager@msdvietnam.org . Điện thoại: (024) 62769056.

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.