BẢO VỆ TRẺ EM: MỨC ĐỘ ĐẦU TIÊN LÀ PHÒNG NGỪA

Tác giả: Th.sĩ Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

“Mấy hôm xao động tôi không thể đọc hết bài báo và viết hay trả lời phỏng vấn báo chí về vụ của bé A. 8 tuổi bị mẹ kế và bố (tôi muốn nhấn mạnh là cả 2 người) bạo hành đến chết. Cứ bắt đầu là nước mắt rơi… Mấy ngày trôi qua mới bình tĩnh lại được dù khi viết bài này vẫn khó kìm được xúc động.

Là một người làm công tác bảo vệ trẻ em, cũng là một người mẹ có 2 con gái ở độ tuổi 6-9 tuổi, đọc câu chuyện của bé A. mà tôi rất đau lòng, cái đau của một người mẹ và cũng là cái đau của một người làm xã hội khi còn quá nhiều việc phải làm.

Một vụ hành hạ, đánh đập trẻ đến chết bởi chính những người thân trong gia đình thực sự không phải là mới, lâu lâu chúng ta lại thấy xuất hiện một vụ. Trước bé A., chúng ta cũng đã chứng kiến một người bố dạy con học “nhỡ tay” đánh con đến chết; trước đó, một cô bé bị cha dượng và mẹ xâm hại, đánh đập đến chết. Những bản án hình sự, thậm chí chung thân, tử hình vì tội “giết người" – sự răn đe, sự lên án phẫn nộ của cả cộng đồng và truyền thông, vẫn chưa chạm tới được nhiều người làm cha làm mẹ, để rồi cái ác vẫn len lỏi và nguỵ biện cho việc dạy dỗ, làm tổn hại, tổn thương và thậm chí cướp đi mạng sống của trẻ em vô tội.

Nhiều cha mẹ cũng lên án, và phẫn nộ, nhưng rồi có khi cùng lúc đó, họ vẫn đánh mắng con mình mà không nhận ra mình đang thực hiện hành vi bạo lực – đó không phải dạy dỗ kỷ luật mà là hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ.

TRỪNG PHẠT TRẺ EM LÀ GÌ?

Trừng phạt trẻ em là các biện pháp mà một người nào đó (thường là người lớn) thực hiện với trẻ em nhằm thay đổi hành vi tiêu cực ở trẻ em, nhưng lại gây ra sự đau đớn về mặt thể chất và hoặc tinh thần cho trẻ, có hại cho sự phát triển của trẻ.

Trừng phạt trẻ có thể bao gồm cả trừng phạt thể chất và tinh thần.

Trừng phạt thể chất thường là những hành vi gây ra thương tích, đau đớn trên cơ thể trẻ em, làm ảnh hưởng đến sự phát triển thân thể của trẻ em. Ví dụ: đánh bằng roi, bằng gậy gộc, cốc đầu, véo hoặc xoắn tai, tát, đá đạp vào người; trói, nhốt, treo cây, bắt quỳ trên sỏi, không cho ăn, cho uống, v.v.

Trừng phạt tinh thần trẻ là những hành vi gây ra những tổn thương về mặt tâm lý, tình cảm, tinh thần của trẻ em. Ví dụ: mắng, chửi, quát mắng thậm tệ, sỉ nhục, chế nhạo, làm trẻ xấu hổ, doạ nạt, đe doạ làm trẻ hoảng loạn, bỏ rơi, không chăm sóc trẻ, v.v..

Trong nhiều trường hợp, trừng phạt tinh thần thường xảy ra cùng với trừng phạt thân thể. Tuy nhiên, trừng phạt tinh thần thường khó phát hiện hơn trừng phạt thân thể.

BIẾT KHÔNG TỐT, SAO PHỤ HUYNH VẪN LÀM?

Bản thân việc gây đau đớn thể xác cho một đứa trẻ là vi phạm quyền trẻ em được bảo vệ khỏi sự tấn công – và người lớn thường không chú ý tới sự khác biệt về sức mạnh và tầm vóc giữa người lớn và trẻ em cũng như sự khác biệt giữa những tác động họ muốn tạo ra và tác động thực sự gây ra cho trẻ. Các nghiên cứu quy mô lớn trên thế giới đã chỉ ra rằng 2 trên 5 phụ huynh được hỏi thừa nhận họ đánh trẻ mạnh hơn họ dự định.

Nhiều người lớn, dù biết hành vi trừng phạt trẻ, bạo lực với trẻ là vi phạm pháp luật và để lại những hậu quả về thể chất và tinh thần với trẻ, nhưng họ vẫn có những lý do để hợp lý hoá hành vi trừng phạt, từ đó cho rằng lợi ích của việc trừng phạt là lớn hơn: hiệu quả tức thì, trẻ tuân thủ kỷ luật ngay, đỡ mất thời gian giải thích, thảo luận đúng sai, hoặc cho rằng hành vi đó xuất phát từ động cơ giáo dục, từ tình thương và vì lợi ích của trẻ.

Một số các nguỵ biện thường thấy của cha mẹ khi bạo lực với con cái theo các nghiên cứu khảo sát của Viện MSD bao gồm:

– Người lớn lúc nào cũng đúng

– Người lớn không cần đưa ra lý do mà chỉ cần yêu cầu trẻ phải thực hiện

– Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi

– Sự ngang bướng, cứng đầu cứng cổ của trẻ phải bị bẻ gãy càng sớm càng tốt

– Bố mẹ phải nghiêm khắc thì mới được trẻ tôn trọng

– Nếu bố mẹ không biết đánh con, bố mẹ sẽ bị mất quyền hành, uy lực, v.v.

– Tôi có đánh con thì cũng vì yêu nó và muốn nó nên người

– Không đánh thì trẻ không sợ

– Thử các cách khác không được, chỉ mỗi roi là được

Đây là các quan điểm rất sai lầm và không có cơ sở khoa học hay tính giáo dục.

Trái với sự nhầm lẫn và quan điểm sai lầm của cha mẹ, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững MSD về kết quả thăm dò ý kiến trẻ em về dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) vào tháng 11.2021 với 5,400 trẻ em trên địa bàn cả nước, trên 90% trẻ em tham gia khảo sát nhận định rất rõ ràng rằng mọi hình thức như đánh bằng tay hay bằng các vật dụng khác, giật tóc, mắng, so sánh, chửi bới, hay các hình thức tra tấn khác đều là bạo lực, dù cha mẹ có nhân danh đó là yêu thương. Trong tiến trình chúng tôi làm việc với trẻ em, mỗi lần lấy ý kiến trẻ em, tập huấn cho trẻ em về bạo lực trẻ em, chấm dứt trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em, thì điều mà chúng tôi thấy khổ tâm nhất là những câu chuyện của các bạn nhỏ: “Bố mẹ lúc nào cũng bảo yêu con nhưng lại luôn đánh mắng con, sao yêu mà lại như vậy ạ?”

Bạn hãy thử nghĩ, có khi nào con mình tiến tới chỗ mình và nói “Con muốn bố/mẹ yêu con, bây giờ bố mẹ hãy lấy gậy đánh con đi!” Nếu cha mẹ muốn con mình tin đó là điều đúng đắn, bạn có nghĩ con mình cũng sẽ cư xử bạo lực với những người khác, hay chấp nhận thoả hiệp với bạo lực khi lớn lên?

BẠO LỰC CÓ XU HƯỚNG LEO THANG

Bố mẹ có thể không ngờ tới một điều là không có giáo dục bằng bạo lực, cũng không có khái niệm “bạo lực an toàn”, mà bạo lực chính là bạo lực. Mọi hành vi bạo lực, trừng phạt trẻ đều thể hiện sự thiếu tốn trọng trẻ, xâm phạm quyền được bảo vệ và ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất tinh thần của trẻ. Thêm vào đó, bản chất của hành vi bạo lực thường có xu hướng leo thang mà cha mẹ thường có thể không nhận ra.

Có nhiều cha mẹ vẫn đánh mắng con hàng ngày, lúc đầu là cái đánh tay, tét mông, nhưng vì con vẫn mắc lỗi nên chưa ăn thua, sau đó là cái roi mây, roi da, roi gỗ… Bản chất của bạo lực và cái ác lúc nào cũng leo thang như thế, nếu ta thoả hiệp với nó, ta sẽ bắt đầu nghĩ là bình thường và tăng mức độ lên. Tôi biết nhiều cha mẹ hôm nay lên án và tức giận, nhỏ nước mắt cho bé A. vì bé bị bạo lực nhưng khi đánh con mình lúc đầu cũng bằng cái tét tay, hay mua cái roi mây trên mạng giống hệt như vậy, họ có thể vô thức không nhận thấy rằng khi trừng phạt con, chính họ cũng đang “mạnh tay”,”nặng lời” dần và cái “ác” đang dần lớn lên. Tất nhiên, họ không nghĩ mình đang thi hành cái “ác” bạo lực với chính con mình dưới mĩ từ dạy dỗ hay vì con.

BẢO VỆ TRẺ PHẢI ĐI TỪ PHÒNG NGỪA

Bảo vệ trẻ em thì mức độ đầu tiên là phòng ngừa, rồi mới đến can thiệp, hỗ trợ. Chính việc phòng ngừa, giáo dục và truyền thông cộng đồng làm cha mẹ, sử dụng các phương pháp giáo dục, kỷ luật tích cực còn cả một quá trình dài, để thay đổi cái quan niệm thâm căn cố đế, cha mẹ có quyền đánh con, trừng phạt con, hành hạ con giống như tài sản của mình hay “yêu cho roi cho vọt”. Tình yêu và giáo dục không thể dưới hình hài cái ác như vậy.

Luật phòng, chống bạo lực gia đình đang trong quá trình dự thảo sửa đổi, chúng tôi hy vọng Luật sẽ bổ sung định nghĩa của việc “trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ” để chấm dứt các hình thức trừng phạt này trong gia đình.

Ở khía cạnh khác của sự phòng ngừa và hỗ trợ, ở vụ án của bé A., điều đau lòng hơn là đứa trẻ đã bị hành hạ một thời gian dài, không phải ở nơi nào đó xa xôi, hẻo lánh, mà là giữa thành phố Hồ Chí Minh, ở một chung cư hạng sang mà nhiều người và cả hệ thống bảo vệ trẻ em hỗ trợ, nhưng không có ai can thiệp thích đáng. Tôi giận dữ khi đọc tới các thông tin khi hàng xóm đã quen với tiếng khóc trẻ em, cũng đã có lần báo ban quản lý nhưng ban quản lý lên báo là việc dạy dỗ, việc riêng của gia đình nên không can thiệp.

Thực tế, các hành vi ngược đãi, xâm hại, bạo lực đối với trẻ em thường xảy ra trong phạm vi gia đình, ít khi có người ngoài chứng kiến. Trẻ còn nhỏ, không thể tự lên tiếng, trong khi người gây ra bạo lực thường lại chính là người có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, đại diện hợp pháp cho trẻ (ông bà, bố mẹ, anh chị em) nên không có ai tố cáo với cơ quan chức năng. Nếu trẻ có lên tiếng thì cũng ít khi được người lớn tin tưởng, giúp đỡ. Cộng đồng chưa chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời những vụ việc bạo hành trẻ em.

Giá như chỉ có 1 sự can thiệp đúng lúc, phù hợp ngay từ đầu, có tính phòng ngừa, thì cháu bé đã có thể không bị hành hạ tới chết như vậy. Những người lớn đã nghe tiếng khóc của cháu, đã chứng kiến, không ai có thể vô can vì đã thờ ơ, không can thiệp, ai cũng có trách nhiệm trong việc bảo vệ một đứa trẻ. Tôi tự hỏi: nếu chúng ta nhìn thấy hai người lớn đánh nhau, liệu trách nhiệm công dân của chúng ta có mách bảo chúng ta nhấc máy lên và gọi công an, cảnh sát tới can thiệp hay không. Vậy mà khi chứng kiến cô bé bị đánh mắng nhiều lần, đã không một ai gọi cơ quan chức năng, hay Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để cứu cháu mà coi đó là “việc riêng, việc nhà người ta”.

Có thể đó là một quan niệm sai lầm, có thể người dân không biết thông báo cho ai, ở đâu, báo bằng cách nào. Nhiều người cũng có tâm lý lo lắng, ngại phiền hà, sợ rắc rối, không dám lên tiếng vì sợ gia đình người gây bạo lực trả thù nhưng những suy nghĩ ấy đều là sự nguỵ biện. THỰC RA tôi đã can thiệp rất nhiều lần khi thấy người lớn đánh trẻ, và tôi luôn bị cho là người nhiều chuyện. Nhưng tôi tin đó là TRÁCH NHIỆM của mình. Đừng để mình hối hận vì là một người lớn, nhận thức đầy đủ mà không bảo vệ được một sinh linh bé bỏng, không chỉ là con nhà người ta, mà là trẻ em xung quanh chúng ta. Như Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam nói vậy: Đừng coi việc bạo hành trẻ em là việc của người ta.

ĐÃ ĐẾN LÚC THAY ĐỔI

Sự tiếc thương khi cháu ra đi, tôi không biết có thức tỉnh nhiều người về trách nhiệm, một sự can thiệp hỗ trợ đúng lúc khi chứng kiến trẻ bị bạo lực, một hành động bình dị ấy có thể có sức mạnh phi thường để cứu mạng một đứa trẻ.

Tôi hy vọng sự vụ này, cái chết đáng thương tâm của bé A. cũng là lời cảnh tỉnh cho những người xung quanh về vai trò của mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta muốn con em của mình sống trong một môi trường an toàn, không bạo lực, xâm hại, chúng ta cũng có trách nhiệm để phòng ngừa, bảo vệ những đứa trẻ khác.

Nếu bạn thấy/ chứng kiến/ nghe nói một trẻ em đang bị bạo lực, chúng ta có thể làm gì? Trước hết, nếu có thể, đừng ngần ngại can thiệp tức thời:

– Nếu là hàng xóm, hành động bình dị mà bạn có thể làm là bấm chuông/ gọi cửa nhà hàng xóm và đánh lạc hướng để làm gián đoạn và hoặc chấm dứt việc đánh mắng đứa trẻ của người chăm sóc trẻ. Một câu hỏi thăm, hỏi đường, hỏi mượn đồ dùng như những người hàng xóm với nhau cũng có thể tạm cứu một đứa trẻ tức thời khỏi cơn đau thể xác tinh thần;

– Nếu có thể hãy nói chuyện và hỗ trợ cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ hàng xóm, láng giềng các phương pháp kỷ luật tích cực hay hỗ trợ trẻ;

– Nếu ở nơi công cộng, hãy lập tức lên tiếng và có thể kêu gọi sự đồng tình của những người xung quanh để bảo đảm người chăm sóc trẻ dừng đánh mắng hay trừng phạt thể chất tinh thần trẻ.

– Bạo lực luôn có xu hướng leo thang và trở thành thói quen, nếu bạn thấy hành động trừng phạt thể chất tinh thần trẻ nhỏ có xu hướng nghiêm trọng hoặc có thể là hành vi lặp lại, để ngăn chặn bạo lực tiếp diễn trong tương lai hãy thông báo ngay tới các cơ quan chức năng và Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111. Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, 24/7 hoàn toàn miên phí và bảo mật thông tin người tố giác sẽ luôn sẵn sàng tiếp nhận và xử lý thông tin, thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại trẻ em.

Đừng chỉ tiếc thương, hãy hành động ngay trước khi quá muộn. Nếu bạn biết một đứa trẻ đang cần được hỗ trợ, hãy gọi 111 hay các cơ quan chức năng tại địa phương NGAY LẬP TỨC!

Những ngày cuối năm thật buồn! Cầu mong linh hồn bé A. an nghỉ! Con xứng đáng được yêu thương nhiều hơn."

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.