THÔNG TIN BÁO CHÍ
TOẠ ĐÀM TRỰC TUYẾN: CHA MẸ BÌNH DỊ PHI THƯỜNG
Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2021 – Tổ chức World Vision Việt Nam phối hợp cùng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) tổ chức buổi Toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Cha mẹ bình dị phi thường: Mâu thuẫn không là Zero – Giải quyết mâu thuẫn là Hero”. Đây là hoạt động thuộc chương trình thường niên “Người bình dị phi thường” của Tổ chức World Vision Việt Nam.
Nằm trong Chiến dịch “It Takes A World – Chấm dứt bạo lực trẻ em trong gia đình và trường học” do Tổ chức World Vision Việt Nam khởi xướng năm 2017, “Người bình dị phi thường” là sáng kiến khích lệ và thúc đẩy việc làm cụ thể của mọi thành phần trong xã hội để góp phần tạo nên môi trường an toàn, tích cực và tràn đầy yêu thương, nơi mọi trẻ em được phát triển một cách toàn diện. Trong năm 2021, World Vision Việt Nam phối hợp cùng Viện MSD thực hiện chuỗi toạ đàm trưc tuyến từ tháng 7 đến tháng 9 để truyền thông bảo vệ trẻ em trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Ở bất kỳ độ tuổi nào, người lớn hay trẻ em ít nhiều cũng sẽ gặp những rắc rối, mâu thuẫn xoay quanh các mối quan hệ trong cuộc sống hằng ngày. Việc giải quyết mâu thuẫn với người lớn đã là thách thức, đối với trẻ em việc này còn khó khăn hơn rất nhiều. Trong lúc này, điều trẻ cần nhất là sự lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng giải quyết từ cha mẹ. Toạ đàm “Cha mẹ bình dị phi thường: Mâu thuẫn không là Zero – Giải quyết mâu thuẫn là Hero” tập trung chia sẻ các góc nhìn và cách thức để cha mẹ, người chăm sóc hỗ trợ trẻ em đối mặt, hành xử phù hợp và giải quyết hiệu quả các mâu thuẫn trong cuộc sống. Sự kiện cũng là dịp để cha mẹ nhận thức rõ hơn về vai trò, ảnh hưởng của mình lên cách xử lý mâu thuẫn của con cái, từ đó điều chỉnh lời nói, thái độ và hành động để góp phần vun đắp cho tương lai của trẻ, nơi tình yêu thương, sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau luôn hiện hữu.
Toạ đàm “Cha mẹ bình dị phi thường” có sự tham gia của các diễn giả:
– Ông Khuất Văn Quý – Phó Vụ trưởng, Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
– Bà Phan Thị Kim Liên – Quản lý Chương trình Bảo vệ Trẻ em, Tổ chức World Vision Việt Nam
– Nhà báo, Nhà văn Hoàng Anh Tú
Toạ đàm do bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD điều phối.
Giải quyết mâu thuẫn trong gia đình: Rất cần sự lắng nghe của cha mẹ
Với hơn 20 năm kinh nghiệm làm công việc lắng nghe, tiếp nhận và gỡ rối những tâm sự của lứa tuổi trẻ em, vị thành niên, nhà báo Hoàng Anh Tú cho rằng mâu thuẫn trong các mối quan hệ gia đình là điều rất phổ biến: “Dù ở thời đại nào, kể cả ngày xưa hay ngày nay, mâu thuẫn trong gia đình đều rất giống nhau. Có nhiều bậc phụ huynh chia sẻ rằng những mâu thuẫn họ gặp với bố mẹ ngày trước nay cũng lặp lại như vậy với con của mình. Cũng có nhiều bạn đã gửi thư đến tôi chia sẻ rằng Tại sao bố mẹ không nghe con, Tại sao bố mẹ không tin con, Tại sao bố mẹ không hiểu con?… Chúng ta từng là trẻ con, từng bức xúc khi có những khúc mắc với cha mẹ, nhưng giờ lại gặp phải vấn đề đó với con mình. Điều này bắt nguồn từ tình yêu thương, tuy nhiên chính yêu thương khiến nhiều cha mẹ lo sợ quá, áp đặt, kìm kẹp con, quên mất việc lắng nghe còn. Chúng ta nói muốn con được hạnh phúc, nhưng Chỉ khi bố mẹ hạnh phúc thì con cái mới hạnh phúc được. Chính cách bố mẹ hạnh phúc với những gì đang có thì con mới có thể hạnh phúc. Nhiều người không biết rằng, đôi khi đứa trẻ không cần gì nhiều ngoài sự hiện diện, lắng nghe của bố mẹ mình.”
(Nhà báo Hoàng Anh Tú)
Bà Phan Thị Kim Liên đưa ra gợi ý về cách thức giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình: “Cha mẹ đừng coi những mâu thuẫn của con là số 0, là không đáng gì vì thực tế trẻ em nhạy cảm hơn chúng ta rất nhiều. Việc đầu tiên là chúng ta hãy quan tâm khi con trẻ có vấn đề, phát hiện và hỗ trợ xem vấn đề của con là gì để cùng tìm hiểu và giúp đỡ con. Sau đó, khi đã rõ về vấn đề thì mới xét đến chuyện bố mẹ cùng con xử lý mâu thuẫn hay để con tự xử lý. Cha mẹ hãy xây dựng mối quan hệ thân thiết với con cái bằng những hành động nhỏ như việc nói lời yêu thương, lời xin lỗi, hỏi thăm. Những việc làm như thế tuy rất nhỏ và đơn giản nhưng lại có tác động rất phi thường vì sẽ tạo nên sự thân thiết, niềm tin của con cái với bố mẹ, là động lực lớn với trẻ.”
Bà Liên cũng nhấn mạnh: “Những lúc bố mẹ nóng nảy, hãy khoan xử lý mâu thuẫn mà hãy bình tĩnh lại, chờ thời điểm thích hợp để cùng lắng nghe và giải quyết vấn đề. Chúng ta hãy xem cảm xúc của con như thế nào để tìm cách nói chuyện với con kĩ hơn, sâu hơn.”
(Bà Phan Thị Kim Liên – Quản lý Chương trình Bảo vệ Trẻ em, Tổ chức World Vision Việt Nam)
Từ góc độ cơ quan quản lý, Ông Khuất Văn Quý – Phó Vụ trưởng, Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chia sẻ: “Khi cuộc sống càng phát triển, mâu thuẫn sẽ càng phát sinh. Các thành viên trong gia đình có quyền ngang nhau và tất nhiên trẻ em cũng có sự tham gia tương đương với cha mẹ. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cha mẹ, đặc biệt các phụ huynh ở vùng sâu vùng xa không được tiếp cận với việc giáo dục làm cha mẹ. Vì vậy, chúng tôi đã đặt ra những chỉ tiêu về số lượng cha mẹ được tiếp cận thông tin, hướng dẫn làm cha mẹ, trong đó, có những tài liệu hướng dẫn cách xây dựng mối quan hệ với con, cách nói chuyện với con, hướng dẫn cho con. Để có thể hỗ trợ cha mẹ giáo dục con cái và giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình, Vụ Gia đình đã thực hiện các chương trình như Giáo dục hệ thống Gia đình, trong đó biên tập các bộ tài liệu giáo dục trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, thực hiện những nghiên cứu giáo dục trẻ em,… Bên cạnh đó, Vụ cũng phối hợp với các cơ quan khác để thực hiện các chương trình bảo vệ Trẻ em và làm cha mẹ.”
Cũng theo ông Quý, việc làm cha mẹ giống như thả diều, nếu giữ quá chặt thì diều không thể bay lên, nhưng nếu thả tay ra thì diều sẽ bay đi mất. Giữ từng nào, thả ra sao chính là điều mà cha mẹ cần học hỏi và thực hành mỗi ngày, đặc biệt là khi có mâu thuẫn xảy ra.
(Phó Vụ trưởng, Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch)
Bà Nguyễn Phương Linh tổng kết phần 1 và chia sẻ: “Chúng ta phải chấp nhận mâu thuẫn trong gia đình, quan điểm, khoảng cách giữa các thế hệ là hoàn toàn tự nhiên, bình thường, có mâu thuẫn mới có phát triển. Cha mẹ chúng ta khi đồng hành cùng con không lảng tránh mâu thuẫn coi là chuyện tẹp nhẹp không quan trọng, nhưng cũng không xử lý một cách thái quá, mà bình tĩnh đồng hành cùng con tìm giải pháp! Là những cha mẹ, bí kíp để đồng hành cùng con rất bình dị, đó là việc dành thời gian cho con, trao đổi tương tác, lắng nghe con và hỏi ý kiến con và khi có mâu thuẫn, cùng con phân tích và tìm giải pháp. Những việc bình dị ấy có thể có tác động phi thường đối với con cái, giúp con noi theo và hướng dẫn con xử lý những tình huống mâu thuẫn con gặp phải trong gia đình và trong các mối quan hệ xã hội”.
(Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD)
Giải quyết mâu thuẫn: Trẻ em là tấm gương phản chiếu của cha me
Trong phần 2 của chương trình, các diễn giả đã cùng nhau chia sẻ về cách thức cha mẹ hướng dẫn con cái giải quyết những mâu thuẫn mà trẻ có thể gặp ở bên ngoài gia đình như trường lớp, bạn bè, và cả trên mạng Internet. Các diễn giả đều đồng ý rằng cách bố mẹ giải quyết những mâu thuẫn trong gia đình sẽ định hướng cho trẻ cách giải quyết những mâu thuẫn khác.
Nhà báo Hoàng Anh Tú nhấn mạnh: “Trong khi nhiều cha mẹ xem chuyện của con là “chuyện trẻ con”, một số người lại xem những chuyện nhỏ của con là “chuyện người lớn”, dẫn đến việc nhiều bố mẹ hành xử, xử lý vấn đề của các con một cách không sáng suốt. Khi chúng ta giải quyết mâu thuẫn bằng thái độ bực tức, nóng nảy, bằng những lời lẽ không phù hợp hay thậm chí dùng bạo lực thì liệu các con sẽ học được điều tốt đẹp gi? Con cái chính là bản sao, là tấm gương phản chiếu hình ảnh của chúng ta.”
Từ đó, ông đưa ra lời khuyên: “Cha mẹ cần để tâm đến con cái, đừng để mất sợi dây kết nối với các con. Chỉ khi thật sự để tâm, cha mẹ mới có thể nhận thấy những vấn đề con cái đang phải đối mặt, ngay cả khi chưa được nói ra, từ đó gia đình sẽ không chỉ đơn thuần là “nơi trú ẩn an toàn” nữa mà còn là nơi nuôi dưỡng tình thương yêu, trang bị kỹ năng để trẻ em phát triển toàn diện nhất. Yêu thương và tôn trọng con chính là chìa khoá của vấn đề đồng hành cùng con.”
Sự đồng hành của cha mẹ trở nên cần thiết hơn trong bối cảnh phức tạp của đại dịch COVID-19 khi việc học trực tuyến dần trở nên quen thuộc với trẻ em. Theo một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF (2020)[1], thế giới hiện có hơn 1.5 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên đang
chịu ảnh hưởng từ việc trường học bị đóng cửa, trong đó bao gồm việc phải đối diện với nhiều nguy cơ bất đồng và bắt nạt trên mạng.
“Trẻ em ngày nay được tiếp cận với nhiều luồng thông tin từ Internet, gây ảnh hưởng đáng kể đến suy nghĩ, hành động và thái độ của trẻ, nhất là khi không có sự quan tâm, định hướng, uốn nắn kịp thời của cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Một biểu cảm, một bình luận vô tình trên mạng xã hội đều có thể trở thành nguyên nhân gây mâu thuẫn”, bà Phan Thị Kim Liên phân tích.
Bà Liên bổ sung: “Mâu thuẫn trên môi trường mạng đôi khi phức tạp và khó xử lý hơn ngoài đời thực rất nhiều vì lúc này mâu thuẫn không chỉ xoay quanh hai người mà còn có sự tham gia của những người sử dụng Internet khác. Thậm chí chúng ta cần nhìn vào thực tế rằng đôi khi chính con mình cũng sẽ là người bắt nạt, là người khơi mào và tham gia những “cuộc chiến” trên mạng xã hội. Trong hoàn cảnh đó, trước tiên, chúng ta không nên và cố tránh việc bức xúc, chỉ trích con cái. Hãy tìm hiểu lý do tại sao con muốn nói xấu bạn, đánh bạn, khuyên con không nên tham gia vào những cuộc cãi vã. Cách hỏi con cũng rất quan trọng, giọng điệu cũng sẽ quyết định đến chuyện thể hiện thái độ của chúng ta như nào. Cha mẹ khi đồng hành cùng con cái, nên giáo dục con cư xử văn minh trên môi trường mạng.”
Cùng quan điểm với bà Liên, ông Khuất Văn Quý gợi ý thêm cho các cha mẹ: “Nếu muốn thực sự đồng hành cùng con, cha mẹ hãy đặt bản thân ngang hàng với trẻ thì trẻ sẽ thoải mái chia sẻ những vấn đề của bản thân cả ngoài đời thực và trên môi trường mạng. Việc làm bạn, đồng hành với con trên mạng xã hội tuy khó và cần thời gian, nhưng chúng ta có thể bắt đầu bằng cách giữ hình ảnh của bản thân không phản cảm, tiêu cực; tương tác, bình luận với con và cả bạn con; tìm hiểu những chương trình, ứng dụng trên mạng mà con thích; học hỏi ngôn ngữ mà độ tuổi con hay sử dụng, đồng thời cũng nên tâm sự với con về những việc nên làm hay không nên trên mạng. Quan trọng hơn cả, chính bản thân bố mẹ cũng cần xây dựng đời sống số chuẩn mực cho bản thân để truyền động lực cho con trở thành người dùng Internet văn minh.”
Các diễn giả sau đó đã cùng tương tác bình luận và chia sẻ các bí kíp, kinh nghiệm với khán giả về cùng con xử lý các tình huống mâu thuẫn khác nhau trong gia đình, với bạn bè và cả trên môi trường mạng. Tạm khép lại toạ đàm, bà Nguyễn Phương Linh gửi gắm thông điệp: “Hãy làm bạn cùng con ngay khi con còn nhỏ, và ngay khi có thể. Tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ, và sẵn sàng xin lỗi, học hỏi từ con là rất cần thiết để tạo nền tảng yêu thương và sự tin tưởng, kết nối giữa con cái cha mẹ. Những hành xử của cha mẹ và con cái thông qua giải quyết mâu thuẫn một cách tích cực và hiệu quả sẽ giúp con trưởng thành một cách lành mạnh, phát triển tư duy văn minh, cởi mở và vượt qua các mâu thuẫn, các khó khăn trong cuộc sống.”
Từ tháng 7 đến tháng 9/2021, World Vision Việt Nam và MSD Việt Nam sẽ tiếp tục mang đến những nội dung bổ ích, lý thú qua các buổi tọa đàm trực tuyến được tổ chức hàng tháng, giúp thúc đẩy hành động thiết thực từ các thành phần khác nhau trong xã hội trong nỗ lực chung để phòng chống bạo lực và bảo vệ an toàn cho cho mọi trẻ em.
Xem lại chương trình tại đây: https://www.facebook.com/www.msdvietnam.org/videos/531667708049306
————————
Về Tổ chức World Vision Việt Nam:
World Vision là tổ chức cứu trợ và nhân đạo Cơ đốc với sứ mệnh cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, đặc biệt là trẻ em nghèo ở vùng sâu vùng xa. World Vision phục vụ tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, dân tộc hay giới. World Vision bắt đầu có mặt ở Việt Nam từ năm 1988. Từ đó đến nay, World Vision đã phối hợp với Chính phủ, người dân Việt Nam, cùng các tổ chức phi chính phủ quốc tế khác trong việc thực hiện các chương trình cứu trợ, phát triển và vận động chính sách ở các cộng đồng còn đang gặp nhiều khó khăn. Các chương trình phát triển dài hạn của World Vision đang được triển khai tại 37 huyện thuộc 18 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Về Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD):
Là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, MSD nỗ lực hành động vì một môi trường phát triển thuận lợi cho sự phát triển của khối các tổ chức xã hội và thúc đẩy việc thực hiện quyền của các nhóm cộng đồng bị lề hoá và dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật. Hiện nay, MSD được công nhận là một tổ chức đi đầu trong việc phối hợp, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ nâng cao năng lực, đào tạo và tham vấn cho các tổ chức xã hội tại Việt Nam. Thêm vào đó, MSD cũng là một tổ chức chuyên nghiệp đáp ứng hiệu quả nhu cầu và bảo vệ quyền của các cộng đồng yếu thế, bao gồm thúc đẩy bình đẳng giới, thông qua các chương trình, dự án và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, người nhập cư và người khuyết tật, v.v… tại Việt Nam.
———————–
Liên hệ truyền thông:
Tổ chức World Vision Việt Nam: Ms. Ngô Thu Trà | Cán bộ cấp cao về Truyền thông & Quan hệ báo chí
Email: ngo_thu_tra@wvi.org Tel: (+84) 911.420.880
MSD Việt Nam: Ms. Chu Thu Hà | Cán bộ Điều phối Sự kiện và Truyền thông
Email: event.manager@msdvietvam.org Tel: (+84) 852.577.220