Tuyển dụng

MSD tuyển dụng Tư vấn thực hiện khảo sát về sự tham gia của trẻ em

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU
TUYỂN TƯ VẤN THỰC HIỆN KHẢO SÁT VỀ SỰ THAM GIA CỦA TRẺ EM

I. BỐI CẢNH
Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (QTE) thừa nhận các quyền của trẻ em được bày tỏ quan điểm về những vấn đề có liên quan tới các em và quyền được mọi người lắng nghe những quan điểm này. Các quyền này nếu được thực hiện đầy đủ sẽ tạo cơ hội cho trẻ em được thực hiện quyền chính trị, xã hội của mình, trong mối tương quan với các quyền dân sự, văn hóa, kinh tế.

Luật Trẻ em năm 2016 của Việt Nam dành hẳn một chương (Chương V – “Trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em”, từ Điều 74 đến Điều 78) quy định về: phạm vi, hình thức trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em; bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong gia đình; bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; bảo đảm để trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em.

Để cụ thể hóa các quy định của Luật Trẻ em, Chương VI Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em đã quy định chi tiết trách nhiệm của: các cơ quan bộ, ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các cấp; Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; nhà trường, cơ sở giáo dục; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội; cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng; gia đình trong việc bảo đảm để trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em.

Từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2020, Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) phối hợp cùng Tổ chức cứu trợ trẻ em (SC) tiến hành khảo sát “Tiếng nói trẻ em Việt Nam” tại 7 tỉnh/ thành phố trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam (Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên – Huế, Đắk Lắk, Lào Cai, Tiền Giang, Hải Phòng) với sự tham gia của 1.692 trẻ em từ 11 đến 16 tuổi. Báo cáo khảo sát đã được hoàn thành và công bố vào tháng 6 năm 2020 và được sử dụng làm cơ sở tham chiếu, đóng góp cho các bên trong việc xây dựng các chương trình, chính sách về trẻ em. Tiếp nối thành công của Báo cáo, từ ngày 22/3 đến ngày 23/4/2021, MSD phối hợp với Cục Trẻ em – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và SC tổ chức chuỗi hội thảo chia sẻ báo cáo khảo sát Tiếng nói trẻ em Việt Nam tại 7 tỉnh/thành phố để chia sẻ, công bố các kết quả của Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam, đồng thời lắng nghe, tiếp nhận ý kiến phản hồi của trẻ em và các bên liên quan nhằm thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong các vấn đề liên quan đến thực thi quyền trẻ em tại gia đình, nhà trường. Tại các hội thảo, kết quả báo cáo khảo sát Tiếng nói trẻ em Việt Nam đã được chia sẻ với các đại biểu và trẻ em dự hội thảo. 45 ý kiến của các em về các phát hiện của báo cáo và về những vấn đề liên quan tới việc thực thi các quyền của trẻ em được ghi nhận và gửi tới các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan. Kết quả khảo sát Tiếng nói trẻ em Việt Nam cũng đã được đưa vào Báo cáo quốc gia năm 2020 về tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, phần đánh giá về Chỉ tiêu 16.2.1: Tỷ lệ người dưới 18 tuổi đã từng bị người chăm sóc, nuôi dưỡng xử phạt về thể chất hoặc bị xử phạt về tinh thần trong tháng qua.

Để có cơ sở vận động chính sách và góp phần thúc đẩy việc thực thi hiệu quả quyền tham gia của trẻ em tại Việt Nam, MSD dự kiến tuyển một đơn vị tư vấn để phối hợp với MSD, SC và các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện một khảo sát về sự tham gia của trẻ em từ tháng 9 – 10/2021 với các nội dung cụ thể như sau:

II. MỤC TIÊU, MỤC ĐÍCH KHẢO SÁT:
1. Mục đích của khảo sát:
– Tạo cơ hội cho trẻ em lên tiếng về các vấn đề có liên quan đến trẻ em.
– Thúc đẩy thực thi hiệu quả quyền tham gia của trẻ em tại Việt Nam, thông qua:
+ Cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước, địa phương, các trường học, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế tại Việt Nam để phát triển chiến lược, hoạch định chính sách và ban hành các chương trình, kế hoạch thực thi hiệu quả hơn quyền tham gia của trẻ em.
+ Vận động các cơ quan Nhà nước ở cấp trung ương/địa phương và các bên liên quan nỗ lực cải thiện tình trạng thực thi quyền tham gia của trẻ em, bao gồm việc thay đổi các thực hành và chính sách.

2. Mục tiêu của khảo sát:
Tìm hiểu những khoảng trống về chính sách và thực thi quyền tham gia của trẻ em tại Việt Nam, trên cơ sở đó đưa ra các khuyến nghị, đề xuất nhằm thúc đẩy thực thi tốt hơn quyền trẻ em tại Việt Nam.

III. CÂU HỎI NGHIÊN CỨU
Khảo sát được kỳ vọng sẽ tập trung trả lời 02 câu hỏi chính như sau:
1. Khung pháp lý của quốc tế và Việt Nam hiện nay liên quan tới thúc đẩy quyền tham gia của trẻ bao gồm các quy định nào, trong các văn bản nào? Quy định của pháp luật Việt Nam có tương thích với quy định pháp luật quốc tế không?
2. Các quy định pháp luật của Việt Nam đó đang tạo ra những thuận lợi, khó khăn gì đối với việc bảo đảm quyền tham gia và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, có những khoảng trống, bất cập nào?
3. Việc thực thi quyền tham gia của trẻ em đang được triển khai như thế nào tại gia đình, nhà trường, và cộng đồng xã hội? Có những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc gì?
4. Vai trò của các tổ chức xã hội trong việc thúc đẩy sự tham gia của trẻ em được thể hiện như thế nào?

IV. NỘI DUNG KHẢO SÁT CHI TIẾT VÀ ĐỐI TƯỢNG KHẢO SÁT
Phần 1: Rà soát khung pháp lý và thực hành của hệ thống nhà nước trong thúc đẩy thực thi quyền tham gia của trẻ em tại Việt Nam.
Khảo sát tập trung vào các nội dung sau:
– Rà soát khung pháp lý của quốc tế và Việt Nam về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em;
– Xác định thực trạng thực hành các chính sách, chương trình quốc gia, mô hình tại cấp trung ương và địa phương trong hệ thống tổ chức nhà nước (phân tích thực hành, thuận lợi, khó khăn của các chính sách và mô hình);
Đối tượng khảo sát:
– Các quy địnhpháp luật quốc tế và các văn bản pháp luật của Việt Nam quy định về sự tham gia của trẻ em do các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương ban hành.
– Cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em từ cấp Trung ương tới cấp địa phương.

Phần 2: Khảo sát thực trạng thực thi quyền tham gia của trẻ em tại gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội (các cấp).
Khảo sát tập trung vào các nội dung sau:
– Tìm hiểu về nhận thức và thực hành của trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia của mình tại gia đình, nhà trường và cộng đồng;
– Tìm hiểu về nhận thức và thực hành của nhà trường, phụ huynh về thúc đẩy thực thi quyền tham gia của trẻ em tại gia đình, nhà trường và cộng đồng;
– Tìm hiểu về nhận thức và thực hành của các tổ chức xã hội về thúc đẩy thực thi quyền tham gia của trẻ em tại gia đình, nhà trường và cộng đồng
– Đánh giá các mô hình thúc đẩy sự tham gia của trẻ em đang được áp dụng tại Việt Nam;
– Đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện khung chính sách và thực thi hiệu quả hơn quyền tham gia của mọi trẻ em, trong đó bao gồm các nhóm trẻ dễ bị tổn thương.
Đối tượng khảo sát:
– Đại diện một số tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội có các hoạt động liên quan tới việc thúc đẩy thực thi quyền tham gia của trẻ em tại Việt Nam.
– Đại diện một số trường học (từ cấp tiểu học, trung học cơ sở tới trung học phổ thông) tại các địa bàn khảo sát.
– Giáo viên, phụ huynh, người chăm sóc trẻ.
– Trẻ em trong độ tuổi từ 10 – 16 tuổi ở cả khu vực thành thị và nông thôn, bao gồm các nhóm trẻ yếu thế, trẻ đang đi học và trẻ đã nghỉ học, cả trẻ nam, trẻ nữ, trẻ LGBT, trẻ khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ nhập cư… Số lượng kỳ vọng: 2000 – 3.000 trẻ.

V. ĐỊA BÀN KHẢO SÁT:
Tại 10 – 15 tỉnh/thành phố, bao gồm đại diện các vùng miền, dự kiến bao gồm:
– Miền Bắc: Hà Nội, Điện Biên, Lào Cai, Hải Phòng, Yên Bái
– Miền Trung: Thanh Hoá, Quảng Nam, Đắk Lắk, Quảng Trị, Huế
– Miền Nam: Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Ninh Thuận/Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh

VI. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Phương pháp khảo sát:
– Nghiên cứu tài liệu (văn bản chính sách, pháp luật; báo cáo, nghiên cứu sẵn có,…)
– Phương pháp định lượng: cán bộ địa phương, tham vấn ý kiến trẻ em, giáo viên, cán bộ xã hội và phụ huynh bằng phiếu khảo sát (online);
– Phương pháp định tính:
+ Thảo luận nhóm sử dụng bảng hỏi bán cấu trúc với một số tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội, nhà trường, giáo viên và phụ huynh.
+ Phỏng vấn sâu đại diện một số cơ quan nhà nước, Đoàn TNCSHCM, Hội đồng Đội, chuyên gia về trẻ em.

VI. KẾT QUẢ ĐẦU RA MONG ĐỢI VÀ KHUNG THỜI GIAN:
1. Kết quả đầu ra mong đợi
– 01 báo cáo ngắn gọn (bằng tiếng Anh và tiếng Việt) trình bày các phát hiện chính của khảo sát từ các góc độ nghiên cứu (như đã nêu ở mục IV) và các khuyến nghị, đề xuất nhằm thực thi tốt hơn nữa quyền tham gia của trẻ em;
– 01 báo cáo đầy đủ (bằng tiếng Anh và tiếng Việt) trình bày các kết quả của khảo sát, kèm theo các dữ liệu, bằng chứng thu thập được;
– 01 file trình bày chia sẻ kết quả khảo sát.
Các sản phẩm khác:
– 01 phụ lục bao gồm các bản cuối kế đề cương nghiên cứu, công cụ khảo sát đã được sử dụng và các tài liệu tham khảo.
– Bộ dữ liệu thô, bộ mã hóa các biến số/ chủ đề nghiên cứu.

Tất cả các tài liệu khảo sát, dữ liệu thô, dữ liệu điện tử và thông tin khác là tài sản của MSD và SC và phải được chuyển giao cho MSD và SC sau khi hoàn thành. Các tài liệu trên chỉ được sao chép và sử dụng lại khi có sự đồng ý của MSD và SC.

2. Khung thời gian khảo sát dự kiến và kết quả đầu ra mong đợi:

VII. YÊU CẦU VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TƯ VẤN
1. Trách nhiệm của Nhóm tư vấn/ Công ty tư vấn:
– Với sự hỗ trợ kỹ thuật của MSD và SCI, thực hiện thiết kế nghiên cứu và xây dựng phương pháp nghiên cứu (bao gồm xác định thông tin cần thu thập, nguồn thông tin, phương pháp thu thập thông tin, phương pháp chọn mẫu, cỡ mẫu, công cụ nghiên cứu, v.v…);
– Thực hiện khảo sát định lượng và định tính (online và offline);
– Nhập liệu, phân tích dữ liệu khảo sát;
– Xây dựng một báo cáo tổng thể về các phát hiện của khảo sát bằng tiếng Anh và tiếng Việt với ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu và một báo cáo ngắn gọn bằng tiếng Anh và tiếng Việt trình bày các phát hiện chính của khảo sát.
– Chuẩn bị 01 file ppt chia sẻ các phát hiện của khảo sát tới các bên liên quan
Báo cáo cần đảm bảo được hoàn thiện và được nghiệm thu chậm nhất là ngày 05/11/2021.

2. Tiêu chí lựa chọn Nhóm tư vấn/ Công ty tư vấn (gọi chung là Tư vấn):
– Đối với trưởng nhóm:
▪︎ Có bằng thạc sỹ và 6-10 năm kinh nghiệm hoặc có bằng tiến sỹ với 4-8 năm kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực: phát triển cộng đồng, khoa học xã hội, quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, giáo dục và/hoặc giáo dục hòa nhập hoặc các lĩnh vực liên quan.
▪︎  Ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là tư vấn/ chuyên gia độc lập về lĩnh vực đánh giá các dự án phát triển, đánh giá việc thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia của trẻ em với các tổ chức phi chính phủ.
▪︎  Có kinh nghiệm lãnh đạo và trực tiếp triển khai các nghiên cứu định tính và định lượng, hoặc các gói tư vấn tại Việt Nam, đặc biệt là các đánh giá thuộc lĩnh vực quyền con người, quyền trẻ em, quản trị quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em.
▪︎  Có hiểu biết về bối cảnh văn hóa, giáo dục, chính trị, xã hội của Việt Nam.
▪︎  Thông thạo kỹ năng phân tích, tổng hợp dữ liệu và viết báo cáo.
▪︎  Phong cách làm việc chuyên nghiệp, cởi mở, phối hợp tích cực và hiệu quả với các bên liên quan.
▪︎  Có khả năng hoàn thành công việc với chất lượng tốt trong khoảng thời gian hạn chế.
▪︎  Khả năng sử dụng tiếng Anh tốt (đặc biệt là kỹ năng nói và viết).
– Đối với thành viên nhóm:
▪︎  Có bằng cử nhân hoặc thạc sĩ về lĩnh vực: phát triển cộng đồng, khoa học xã hội, luật học, giáo dục và/hoặc giáo dục hòa nhập hoặc các lĩnh vực liên quan.
▪︎  Ít nhất 2-3 năm kinh nghiệm về đánh giá/ nghiên cứu.
▪︎  Có kinh nghiệm điều phối thảo luận nhóm, phỏng vấn sâu, khảo sát định lượng online và offline.
▪︎  Có kỹ năng nghiên cứu có sự tham gia, bao gồm các kỹ năng thúc đẩy sự tham gia của trẻ.
▪︎  Thông thạo kỹ năng xử lý, phân tích dữ liệu và xây dựng báo cáo.
▪︎  Có khả năng hoàn thành công việc với chất lượng tốt trong khoảng thời gian hạn chế.
▪︎  Khách quan, trung thực, hợp tác.
▪︎  Khả năng sử dụng tiếng Anh tốt (đặc biệt là kỹ năng nói và viết).
– Một số tiêu chí khác:
▪︎  Nhóm khảo sát đã từng có kinh nghiệm làm việc cùng nhau trước đây.
▪︎  Nhóm cam kết có khả năng huy động nguồn lực để hoàn thành công việc trong thời gian dự án cho phép.
▪︎  Nhóm có kinh nghiệm trong việc ứng phó với những thay đổi phát sinh trong quá trình thực hiện nghiên cứu.
▪︎  Nhóm có sáng tạo trong phương pháp tiếp cận, cách thức triển khai nghiên cứu,…
▪︎  Nhóm sẵn sàng phối hợp với MSD trong các hoạt động tiếp theo để công bố, chia sẻ kết quả nghiên cứu; thực hiện các hoạt động vận động chính sách để thúc đẩy thực thi quyền trẻ em nói chung, sự tham gia của trẻ em nói riêng.

VIII. PHÍ TƯ VẤN VÀ HÌNH THỨC THANH TOÁN:
– Phí tư vấn: theo thoả thuận.
– Phí tư vấn được chi trả làm 03 đợt như sau:
▪︎  Đợt 1: Tạm ứng lần 1 tương đương 30% tổng số phí tư vấn sau khi tư vấn xây dựng xong đề cương báo cáo nghiên cứu và các công cụ nghiên cứu, được MSD phê duyệt.
▪︎  Đợt 2: Tạm ứng lần 2 tương đương 30% tổng số phí tư vấn sau khi tư vấn xây dựng xong dự thảo 1 báo cáo.
▪︎  Đợt 3: Thanh toán nốt 40% số phí tư vấn còn lại sau khi tư vấn hoàn thiện báo cáo (bằng tiếng Việt và dịch sang tiếng Anh), được MSD nghiệm thu và tư vấn bàn giao toàn bộ dữ liệu nghiên cứu (bao gồm các biên bản ghi chép, ghi âm, phiếu khảo sát,….) cho MSD.

IX. ỨNG TUYỂN VÀ LIÊN HỆ:
– Các ứng viên quan tâm nộp hồ sơ chào thầu và gửi hồ sơ về 01 địa chỉ email duy nhất là: tender@msdvietnam.org trước 17h ngày 15/9/2021 với tiêu đề Child participation_[Tên công ty/ Tên trưởng nhóm tư vấn].
Lưu ý: Mọi gói thầu được gửi cho bên thứ ba ngoài địa chỉ email trên đều không hợp lệ.
– Hồ sơ thầu gồm:
+ Hồ sơ năng lực công ty và bản chụp Giấy phép kinh doanh/ Quyết định thành lập/ Chứng nhận đăng ký hoạt động (áp dụng với công ty tư vấn).
+ CV của trưởng nhóm và các thành viên nhóm tư vấn tham gia khảo sát.
+ Đề xuất nghiên cứu (cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, phân tích, kế hoạch thời gian).
+ Đề xuất kinh phí (bao gồm phí tư vấn tính theo ngày và các chi phí để thực hiện khảo sát), bao gồm cả thuế.
+ 01-02 báo cáo đã hoàn thành từ các hợp đồng trước liên quan đến các chủ đề về trẻ em tương tự như yêu cầu của nghiên cứu/ khảo sát này.

Liên hệ: Nếu cần làm rõ thông tin liên quan tới nội dung gói khảo sát, vui lòng liên hệ Bà Nguyễn Hải Anh – Quản lý dự án SIDA-CSO, MSD. Email vf.manager@msdvietnam.org, ĐT: (024) 62769056 – 0982.291525.

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.