PHỤ LỤC 1: ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

Tư vấn thực hiện nghiên cứu đánh giá về khả năng thành lập cơ chế giám sát độc lập
quyền trẻ em (Child’s Ombudsman)
tại Việt Nam

I. Bối cảnh

Trên thế giới hiện nay có hơn 70 quốc gia từ khắp các châu lục đã thành lập cơ quan giám sát quyền trẻ em (QTE) độc lập (Child’s Ombudsman) với sự đa dạng về hệ thống tổ chức, hoạt động phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của mỗi nước. Tùy theo bối cảnh ở mỗi quốc gia mà cơ quan này có những tên gọi khác nhau. Việt Nam tự hào được biết tới là quốc gia đầu tiên của Châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về QTE. Hiện nay, tại Việt Nam, theo quy định của Luật Trẻ em 2016, đã có nhiều các cơ quan, tổ chức, đoàn thể tham gia vào việc giám sát thực thi QTE. Tuy nhiên, chưa có một cơ quan nào của nhà nước chịu trách nhiệm giám sát độc lập. Đây có thể xem là nguyên nhân dẫn tới những “lỗ hổng” trong quá trình giám sát thực thi QTE tại Việt Nam. Trong khi đó, kết luận của Ủy ban của Liên hợp quốc về QTE năm 2012 nhắc lại khuyến nghị Việt Nam cần thành lập một cơ quan giám sát độc lập về QTE phù hợp với Nhận xét chung số 2 của Ủy ban về vai trò của cơ quan nhân quyền độc lập. Quyết định số 1975/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/12/2019 về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người chu kỳ III của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc có nêu yêu cầu “xem xét thiết lập cơ chế độc lập để giám sát QTE” và “tiếp tục nghiên cứu khả năng thành lập Cơ quan nhân quyền quốc gia”.

Dự án “Tăng cường năng lực các tổ chức xã hội về quản trị QTE” do Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SC) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA) tài trợ triển khai giai đoạn mới từ 01/5/2019 đến 31/10/2021. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao năng lực cho các nhân viên công tác xã hội và nhân viên các tổ chức xã hội về quản trị QTE. Trong khuôn khổ dự án, các hoạt động nhằm thúc đẩy thực thi các quyền của trẻ em được chú trọng triển khai, trong đó có bao gồm nội dung đề xuất xây dựng một cơ chế giám sát độc lập về QTE tại Việt Nam. Cơ chế này sẽ tạo được mối quan hệ mật thiết giữa luật pháp và việc thực thi trong đời sống. Đồng thời, với hoạt động của cơ chế giám sát độc lập, những vi phạm QTE sẽ được phát hiện và phản ánh một cách kịp thời, đồng thời các biện pháp khắc phục vi phạm về QTE cũng sẽ được đề xuất tới các cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm QTE được thực thi tốt hơn.

Nhận thấy tầm quan trọng của nội dung này, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và tổ chức Cứu trợ Trẻ em (SC) mong muốn tiến hành một nghiên cứu đánh giá toàn diện khả năng thiết lập cơ chế giám sát độc lập việc thực hiện QTE tại Việt Nam để có những dẫn chứng khoa học thúc đẩy quá trình vận động thực hiện một cách toàn diện cơ chế quản trị QTE hiệu quả tại Việt Nam.

II. Mục tiêu nghiên cứu

Làm rõ sự cần thiết và phân tích cơ sở lý luận, thực tiễn của việc thiết lập một cơ chế giám sát độc lập QTE tại Việt Nam, trên cơ sở đó đưa ra đề xuất ban đầu cho việc thiết lập một cơ chế giám sát độc lập này tại Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu sẽ được sử dụng làm bằng chứng để vận động thành lập một cơ chế độc lập giám sát QTE tại Việt Nam.

Nội dung nghiên cứu: (Nội dung chi tiết sẽ được xây dựng và thống nhất giữa nhóm chuyên gia và nhóm cán bộ dự án):

– Sự cần thiết phải thành lập cơ chế độc lập để giám sát thực hiện QTE tại Việt Nam. (Khung chính sách, pháp luật liên quan; lỗ hổng pháp lý, thực thi, giám sát chính sách; yếu tố chính trị, xã hội,…)

– Kinh nghiệm về việc thành lập và hoạt động của các cơ chế giám sát độc lập (Child’s Ombudsmen) của quốc tế, đặc biệt là những quốc gia có thể chế chính trị, điều kiện kinh tế – xã hội tương đồng với Việt Nam;

– Phân tích và đề xuất khả năng, giải pháp xây dựng/thiết lập cơ chế giám sát độc lập này tại Việt Nam (thuận lợi, thách thức, rủi ro, cơ hội; mục tiêu, mô hình/cấu trúc, lộ trình/ các bước tiến hành, vai trò của các bên liên quan: quốc hội, chính phủ, các tổ chức xã hội, chuyên gia độc lập, cơ quan giám sát độc lập, v.v.).

III. Phạm vi công việc và phương pháp nghiên cứu

– Nghiên cứu chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính. Nhóm chuyên gia sẽ tiến hành nghiên cứu và phân tích toàn diện các hệ thống dữ liệu thứ cấp (literature review), xây dựng bảng hỏi định tính với phỏng vấn bán cấu trúc (semi-structured interview) và tham vấn với một số “người tham gia chính” (key informants) là đại diện các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, chuyên gia làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, xây dựng và thực thi pháp luật về quyền con người, QTE và đại diện trẻ em,… Trong quá trình thực hiện, thiết kế nghiên cứu có thể được thay đổi nếu có nhân tố mới xuất hiện nhưng việc thay đổi cần được đề cập rõ ràng, mạch lạch, nhất quán và minh bạch.

– Các chuyên gia được khuyến khích sử dụng các phương pháp sáng tạo để thu thập và phân tích dữ liệu. Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng tôi khuyến khích việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật số như sử dụng các công cụ trực tuyến để phỏng vấn.

– Viết và hoàn thiện báo cáo.

* Lưu ý: Các chuyên gia sẽ xây dựng phương pháp nghiên cứu chi tiết với sự tham gia của nhóm cán bộ dự án. Tất cả dữ liệu, thông tin thu thập được trong quá trình thực hiện nghiên cứu nền này là tài sản của dự án.   

IV. Kết quả đầu ra:

  1. Đề cương nghiên cứu: bao gồm mục tiêu, câu hỏi nghiên cứu, phương pháp, công cụ nghiên cứu, cỡ mẫu và kế hoạch làm việc chi tiết. Kèm theo đề cương là: (1) Hướng dẫn thực hiện phỏng vấn sâu/thảo luận nhóm, (2) Mẫu phiếu đồng thuận tham gia nghiên cứu (consent form); 3) Đề cương báo cáo nghiên cứu.
  2. Dữ liệu nghiên cứu: bao gồm tất cả các dữ liệu thu thập được như: bài viết chuyên đề của các chuyên gia, dữ liệu khảo sát, ghi chú, biên bản của các cuộc thảo luận, phỏng vấn, hình ảnh, video (nếu có) và tất cả các phiếu đồng thuận tham gia nghiên cứu.
  3. Dự thảo báo cáo nghiên cứu. Báo cáo dài không quá 50 trang A4, trong đó phần nội dung chính không quá 30 trang A4; phần tóm tắt báo cáo (excecutive summary) không quá 03 trang A4.
  4. Báo cáo nghiên cứu hoàn thiện (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) được chỉnh sửa, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu các góp ý của nhóm cán bộ dự án và các bên liên quan.

V. Khung thời gian:

Nghiên cứu sẽ được thực hiện trong tháng 5 và tháng 6 năm 2021.

VI. Yêu cầu và trách nhiệm của tư vấn/chuyên gia:

  1. Tiêu chí lựa chọn và trách nhiệm của tư vấn/chuyên gia:

a. Tư vấn chính:

– Tiêu chí lựa chọn:

Tư vấn chính cần đáp ứng được các tiêu chí sau:

  • Am hiểu về quyền con người, QTE theo pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia.
  • Am hiểu về thể chế chính trị, hệ thống pháp luật, cấu trúc, cơ chế hoạt động của bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội Việt Nam.
  • Có bằng thạc sỹ và 6-10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội hoặc có bằng tiến sỹ với 4-8 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội.
  • Có kiến thức và kỹ năng chuyên môn về phương pháp nghiên cứu, phân tích dữ liệu và viết báo cáo (tiếng Việt và tiếng Anh).
  • Nắm được các nguyên tắc bảo vệ trẻ em và có kỹ năng làm việc với trẻ em.

– Trách nhiệm của tư vấn chính:

  • Xây dựng đề cương nghiên cứu và các công cụ nghiên cứu (câu hỏi phỏng vấn sâu, nội dung thảo luận nhóm, mẫu phiếu đồng thuận).
  • Xây dựng đề cương báo cáo nghiên cứu.
  • Xây dựng danh mục các chuyên đề và đề xuất nội dung chính của các chuyên đề để đặt bài viết của các chuyên gia.
  • Thu thập dữ liệu định tính (phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm).
  • Phân tích, tổng hợp dữ liệu (bao gồm cả bài viết của các chuyên gia).
  • Viết dự thảo báo cáo nghiên cứu (bằng tiếng Việt).
  • Tham gia các hoạt động tham vấn với các bên liên quan (do MSD tổ chức).
  • Tiếp thu ý kiến góp ý của các bên liên quan để chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo (tiếng Việt) và chuyển báo cáo sang tiếng Anh.

b. Chuyên gia:

– Tiêu chí lựa chọn:

Chuyên gia cần đáp ứng được các tiêu chí sau:

  • Am hiểu về quyền con người, QTEtheo pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia;
  • Am hiểu về thể chế chính trị, hệ thống pháp luật, cấu trúc, cơ chế hoạt động của bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội Việt Nam.
  • Có bằng thạc sỹ và 6 – 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội hoặc có bằng tiến sỹ với 4 – 8 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội.
  • Có tên tuổi và uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu, thực thi pháp luật về quyền con người, QTE.

– Trách nhiệm của chuyên gia:

  • Nghiên cứu, viết các chuyên đề theo chủ đề và nội dung chính do MSD đề xuất.
  • Tham gia và trình bày ý kiến tại hội thảo tham vấn dự thảo báo cáo.
    • Đóng góp ý kiến cho dự thảo báo cáo do tư vấn chính viết.

2. Thời gian làm việc dự kiến:

2.1. Tư vấn chính (01 người): 

2.2. Chuyên gia (05 người): 

VI. Phí tư vấn và hình thức thanh toán:
Phí tư vấn: theo thoả thuận
Việc thanh toán sẽ được thực hiện bằng phương thức chuyển khoản sau theo các đợt hoàn thành công việc trên cơ sở thỏa thuận ở bước đàm phán hợp đồng.
VII. Cấp báo cáo và người liên hệ:
Ứng viên quan tâm xin gửi hồ sơ về địa chỉ email: manager@msdvietnam.org trước ngày 01/06/2021.
Hồ sơ gồm:
+ CV của tư vấn.

+ Đề xuất nghiên cứu (đối với tư vấn chính).

+ Đề xuất cụ thể mức phí tư vấn (tính theo ngày).

Tư vấn sẽ làm việc và báo cáo trực tiếp với Quản lý Dự án, MSD; Email: manager@msdvietnam.org . Điện thoại: (024) 62769056.

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.