Tuyển dụng

Tuyển TƯ VẤN xây dựng cẩm nang trực tuyến “My first social account – tài khoản mạng xã hội đầu tiên của em”

  1. Thông tin chung:

Theo báo cáo tổng quan nghiên cứu Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam của UNICEF – Interpol và Ecpat cho thấy có 89% trẻ em Việt Nam từ 12 – 17 tuổi sử dụng Intenret, con số này ở lứa tuổi 12 – 13 là 82% và tăng lên 93% ở tuổi 16 – 17%; 97% ở tuổi 16 – 17. Tần suất trẻ em Việt Nam sử dụng Internet ngày càng nhiều hơn. Có tới 89% trẻ vào mạng hàng ngày và tần suất ngày càng tăng lên theo độ tuổi của trẻ. Tất cả các em đều sử dụng mạng Internet ở nhà và khoảng 75% trẻ truy cập Internet tại các trường học.

Kết quả điều tra cho thấy con số đáng suy ngẫm khi các hoạt động trực tuyến phổ biến nhất của trẻ em là xem video, mạng xã hội. Cụ thể, có tới 91% trẻ vào Internet để xem video. Trong đó, ở lứa tuổi 16 – 17 chiếm tỷ lệ cao nhất là 94%; từ 14 – 15 tuổi chiếm 93% còn khung tuổi 12 – 13 cũng chiếm tới 85%. Sau video, trẻ sử dụng Internet để truy cập mạng xã hội với tỷ lệ 88%. Đáng lưu ý, lứa tuổi 16 – 17 chiếm tỷ lệ 95%. Trong khi đó, lứa tuổi 14 – 15 và 12 – 13 lần lượt là 91% và 87%.

Theo kết quả khảo sát Tiếng nói trẻ em Việt Nam (Young Voice) do MSD phối hợp với Save the Children thực hiện vào cuối năm 2019, có đến 96,9% trẻ em tại Việt Nam có sử dụng mạng Internet. Cứ 3 trẻ em thì có 2 trẻ có thiết bị kết nối Internet (điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng,…). Trẻ em sử dụng Internet cho nhiều mục đích khác nhau như học hành/ nghiên cứu (83,1%), xem phim/ca nhạc (71,5%), xem các chương trình giải trí/ đọc tin tức (70,9%), giao lưu, kết nối bạn bè qua mạng xã hội (71,2%) và chơi trò chơi điện tử/ trực tuyến (58,7%). Cứ 5 trẻ em thì có 3 trẻ cảm thấy an toàn khi sử dụng Internet. 60% trẻ em tự học về kiến thức an toàn khi sử dụng Internet, 56% trẻ em được cha mẹ, người thân trong gia đình hướng dẫn và 53% trẻ em được thầy cô giáo dạy về an toàn Internet.

Việc sử dụng mạng xã hội, nhất là khi chưa đủ tuổi để lập tài khoản mạng xã hội, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ với trẻ em. Những nguy cơ điển hình có thể kể đến như: việc bắt nạt trên mạng (cyberbullying), dụ dỗ qua mạng (grooming), lừa đảo qua mạng, tiếp cận với các thông tin sai lệch, thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng,v.v.

Để góp phần bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đặc biệt là trong việc sử dụng mạng xã hội, Viện MSD dự kiến phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, tiến hành xây dựng cẩm nang trực tuyến “My first social account – tài khoản mạng xã hội đầu tiên của em” hướng dẫn cha mẹ và con cái lập tài khoản mạng xã hội an toàn. Việc xây dựng cẩm nang này nằm trong khuôn khổ dự án “Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử đối với trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tật (AVAC)” do Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) điều phối thực hiện từ tháng 1 năm 2023 đến hết tháng 12 năm 2024. Dự án do tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Hồng Kong tài trợ, thông qua tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam.

  1. Mục tiêu hoạt động:

Xây dựng 01 cuốn Cẩm nang “My first social acount, tài khoản mạng xã hội đầu tiên của em” dưới hình thức có thể đăng tải trên các nền tảng trực tuyến, cung cấp kiến thức và hướng dẫn cách thức lập tài khoản mạng xã hội, cách sử dụng mạng xã hội để tối ưu được lợi ích và phòng tránh được những rủi ro có thể gặp trong quá trình sử dụng mạng xã hội.

Cẩm nang sẽ được sử dụng trong các hoạt động tập huấn, truyền thông về chủ đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do các tổ chức thành viên Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tổ chức, đồng thời được sử dụng làm tài liệu tham khảo.

  1. Đối tượng sử dụng Cẩm nang:
  • Đối tượng sử dụng chính:
  • Trẻ em (độ tuổi 12 – 15 tuổi).
  • Cha mẹ, người chăm sóc trẻ có độ tuổi tương ứng
  • Các đối tượng khác có quan tâm.
  • Đối tượng sử dụng tham khảo:
  • Cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em ở các cơ quan thuộc hệ thống bảo vệ trẻ em từ cấp Trung ương tới cấp địa phương.
  • Cán bộ các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực trẻ em
  • Giáo viên
  1. Kết quả mong đợi:

01 Cẩm nang trực tuyến “My first device, tài khoản mạng xã hội đầu tiên của em” hướng dẫn cha mẹ và con cái lập tài khoản mạng xã hội an toàn được biên soạn, đáp ứng các tiêu chí sau:

– Truyền tải các kiến thức và kỹ năng an toàn căn bản về mạng xã hội nói chung và các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam nói riêng.

– Phổ biến các quy định, cách thức để lập tài khoản mạng xã hội, đặc biệt với trẻ em vừa đủ tuổi để lập tài khoản mạng xã hội.

– Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn về kỹ thuật và hành vi, tận dụng được những lợi ích của mạng xã hội mang lại, phòng tránh được những nguy cơ gây hại trực tiếp và gián tiếp cho trẻ em và cha mẹ,

– Các nội dung được minh hoạ chi tiết bằng hình ảnh cụ thể, xen kẽ phần Hỏi – Đáp để tăng tính sinh động. Nội dung được chia ra làm các phần cụ thể từ các kiến thức cơ bản đến các kiến thức nâng cao; bố cục khoa học, thuận tiện cho việc tra cứu, sử dụng.

– Sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu.

– Các thuật ngữ chuyên ngành về an toàn thông tin, mạng xã hội,… được giải thích rõ ràng, cụ thể.

– Độ dài: không quá 25 trang A4, font Times New Roman, cỡ chữ 14, giãn dòng single.

  1. Thời gian biên soạn: tháng 9-10/2024.
  1. Tiêu chí lựa chọn, trách nhiệm và thời gian làm việc của tư vấn.

6.1. Tiêu chí lựa chọn tư vấn:

– Có bằng thạc sỹ và 6-10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực khoa học xã hội hoặc có bằng tiến sỹ với 4-8 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực khoa học xã hội;

– Có kiến thức chuyên môn về quyền trẻ em, sử dụng internet và mạng xã hội thông minh và an toàn.

– Có kiến thức và kỹ năng làm việc về hệ thống bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng xã hội nói riêng.

– Có kinh nghiệm xây dựng tài liệu tập huấn, cẩm nang, tài liệu truyền thông/ nâng cao nhận thức cho các đối tượng là phụ huynh, giáo viên, cán bộ xã hội.

– Hiểu và tuân thủ các quy định về bảo vệ trẻ em;

– Cam kết bảo đảm tiến độ công việc theo thỏa thuận

6.2. Nội dung công việc và số ngày làm việc của tư vấn:

STT Công việc Kết quả đầu ra Thời gian dự kiến
1 Nghiên cứu các tài liệu liên quan, xây dựng đề cương cuốn cẩm nang Đề cương chi tiết của Cẩm nang được biên soạn và chỉnh sửa theo góp ý của MSD và các bên liên quan 17/10 – 25/10
2 Xây dựng dự thảo cuốn cẩm nang Dự thảo 1 của Cẩm nang được biên soạn, gửi cho MSD góp ý 26/10 – 30/10
3 Chỉnh sửa dự thảo 1 cuốn cẩm nang theo góp ý của các bên liên quan Dự thảo 1 Cẩm nang được chỉnh sửa thành dự thảo 2, gửi cho MSD góp ý 1/11 – 5/11
4 Chỉnh sửa dự thảo 2 theo góp ý của MSD và các bên liên quan thành bản hoàn thiện Dự thảo 2 của Cẩm nang được chỉnh sửa, hoàn thiện. 6/11 – 10/11
  1. Phí tư vấn và hình thức thanh toán:

– Phí tư vấn: theo thoả thuận.

– Việc thanh toán sẽ được thực hiện bằng phương thức chuyển khoản theo các đợt hoàn thành công việc trên cơ sở thoả thuận giữa hai bên trong bước đàm phán hợp đồng.

  1. Yêu cầu về hồ sơ và hạn ứng tuyển:

– Hồ sơ gồm:

+) CV của tư vấn;

+) Đề xuất sơ bộ nội dung, bố cục cuốn Cẩm nang;

+) Đề xuất số ngày cần thiết để biên soạn tài liệu (tương ứng với từng đầu công việc nêu ở mục 6.2).

+) Đề xuất mức phí tư vấn (tính theo ngày).

+) Bản copy/đường link một số tài liệu mà tư vấn đã biên soạn hoặc tham gia biên soạn.

– Hạn ứng tuyển: 17/10/2024

  1. Liên hệ:

– Tư vấn gửi hồ sơ tới địa chỉ email pro.officer@msdvietnam.org.

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.