Hà Nội, ngày 13.03.2021, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực giới (GBVnet) thực hiện buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Khuôn mẫu giới – Chuẩn mực hay áp lực?” với sự hỗ trợ của Tổ chức Plan International Việt Nam. Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái”.
Khuôn mẫu giới được hiểu là sự khái quát hóa giản đơn về đặc điểm, tính cách, vai trò, của các cá nhân hoặc nhóm người dựa trên giới tính của họ. Có thể lấy ví dụ như khi đề cập đến nam giới, mọi người thường cho rằng nam giới phải mạnh mẽ, phải là trụ cột gia đình, còn phụ nữ phải dịu dàng, thuỳ mị, nết na. Khuôn mẫu cũng có thể về vai trò trách nhiệm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", “đàn ông là trụ cột", phụ nữ có thiên chức làm mẹ, làm vợ, Phụ nữ “giỏi việc nước đảm việc nhà", v.v. Đây là những khái niệm, những yêu cầu, khuôn mẫu mà có lẽ bất cứ ai trong chúng ta cũng được nghe, được dạy, thậm chí đã ăn sâu vào ý thức của rất nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, một số tiêu chuẩn, khuôn mẫu giới này không còn phù hợp, đôi khi còn là những áp lực với nhiều người. Những ngày gần đây, dư luận xã hội cũng đang xuất hiện nhiều thảo luận sôi nổi, những ý kiến trái chiều về giới và đặc biệt là các vấn đề về nữ quyền, định kiến giới, phụ nữ. Vì vậy, buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Khuôn mẫu giới – Chuẩn mực hay áp lực?” đã được thực hiện nhằm trao đổi sâu về ảnh hưởng, tác động của khuôn mẫu giới tới nhận thức và hành vi đổ lỗi cho phụ nữ và em gái khi bị quấy rối, xâm hại, từ đó đưa ra các giải pháp triệt để cho vấn đề này.
Toạ đàm được phát sóng trực tiếp lúc 15 giờ ngày 13.03.2021 trên Fanpage MSD Vietnam, GBVNet và Plan International Vietnam. Buổi toạ đàm có sự tham gia của các diễn giả:
– Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS), Chủ tịch Mạng lưới GBVnet;
– Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD, Thành viên Ban điều hành GBVNet;
– MC Sơn Lâm
– Bạn Nguyễn Tùng Dương và Ngô Linh Chi, thành viên CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi
Khi được hỏi về tác động của khuôn mẫu giới lên phụ nữ, bà Khuất Thu Hồng nhấn mạnh: “Có rất nhiều khuôn mẫu đặt ra khiến con người – đặc biệt là phụ nữ phải đối mặt với áp lực, điều này thời kì nào cũng có. Thậm chí những khuôn mẫu như “việc nhà là của phụ nữ”, “phụ nữ thì không cần học quá cao”,… đang là rào cản lớn, tước đi cơ hội của phụ nữ trong khi xét về năng lực, phụ nữ có lẽ không hề thua kém đàn ông. Trong dòng chảy vận động của xã hội, một số khuôn mẫu, tiêu chuẩn không còn phù hợp nữa, hoặc những khái niệm cũ cần được giải thích theo cách khác. Ví dụ, khái niệm phụ nữ “đảm đang" trong thời đại cũ gắn chặt với định kiến phụ nữ làm việc nhà, quanh quẩn trong bếp, trong thời đại mới cần được lý giải cho những người phụ nữ năng động, tự tin. Nếu coi khuôn mẫu là một chiếc hộp thì chúng ta hãy mạnh dạn bước ra khỏi chiếc hộp của bản thân và hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.”
(Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS), Chủ tịch Mạng lưới GBVnet)
Trước vấn đề vẫn còn rất nhiều quảng cáo, sản phẩm truyền thông mang nhiều định kiến giới (ví dụ như quảng cáo thực phẩm, việc nhà thì luôn là hình ảnh phụ nữ vào bếp), MC Sơn Lâm chia sẻ: “Định kiến về giới vẫn còn hiện hữu rất rõ bởi nó đã đi sâu vào tiềm thức mỗi người, kể cả là giới truyền thông. Để thay đổi định kiến của truyền thông trong quảng cáo, đòi hỏi phải có sự thay đổi từ nhận thức từng cá nhân, của cả nhãn hàng và đối tượng khách hàng. Bên cạnh đó, việc có những chính sách ưu đãi, ưu tiên từ các đài, kênh phát sóng quảng cáo cho các video, quảng cáo, ấn phẩm có yếu tố thúc đẩy bình đẳng giới cũng là một giải pháp, tôi tin sẽ có hiệu quả nếu chúng ta kiên nhẫn và thực hiện thường xuyên, liên tục.”
(MC Sơn Lâm)
Ở cương vị một người chồng, người cha, anh cũng khẳng định: “Chúng ta nên từ bỏ suy nghĩ việc nhà là của vợ và khi đàn ông làm việc nhà là đang giúp vợ. Như vậy không đúng. Việc nhà là việc chung và cần sự san sẻ, hỗ trợ nhau chứ không phải là giúp đỡ.”
Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD gửi gắm thông điệp: “Khuôn mẫu giới là chuẩn mực hay áp lực, ranh giới đó rất mong manh. Tôi ủng hộ những chuẩn mực tích cực trong xã hội để mỗi người đều có những đích đến, những động lực tốt đẹp để hướng tới, nhưng những chuẩn mực ấy không phải là những cái hộp giới hạn khả năng và sự đa dạng, sự tư do lựa chọn và quyết định dù là của giới nào".
(Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD, Thành viên Ban điều hành GBVNet)
Theo Báo cáo đánh giá tạm thời Dự án Thành phố an toàn với em gái năm 2020 của Tổ chức Plan International Việt Nam, 70% em gái và 67% em trai nghĩ rằng trang phục của con gái khiêu khích nam giới và con trai. Một số ít người tham gia thảo luận nhóm cảm thấy rằng các em gái phải chịu trách nhiệm khi bị quấy rối bằng lời nói hoặc thân thể ở nơi công cộng.
Trước những con số này, bạn Nguyễn Tùng Dương chia sẻ: “Việc đổ lỗi cho các bạn gái là một hành động rất sai. Đẹp khoe – xấu chê, không có gì sai khi các bạn nữ chăm chút cho vẻ bề ngoài của mình. Khi bị đổ lỗi, những nạn nhân bị xâm hại sẽ cảm thấy sợ hãi, không dám nói ra và đây sẽ là bàn đạp để những kẻ xâm hại tiếp tục lộng hành. Vì vậy, tư duy đổ lỗi cho phụ nữ, các bạn gái khi bị quấy rối, xâm hại cần phải bị bài trừ.”
(Bạn Nguyễn Tùng Dương – Thành viên CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi)
Là một thành viên tích cực của CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi, bạn Ngô Linh Chi chia sẻ: “Bản thân em cảm thấy rất ngưỡng mộ các nhà lãnh đạo là nữ, và khi em tham gia câu lạc bộ, được đóng góp cho các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, em cũng thấy vui và tự hào. Vấn đề xoá bỏ định kiến, khuôn mẫu giới có lẽ vẫn sẽ là một con đường dài, và em tin rằng chính chúng em sẽ có thể chung tay vào quá trình này nếu được trao quyền. Các bà, các mẹ, các chị, các bạn nữ hãy luôn biết yêu thương và tự bảo vệ bản thân. Mỗi người đều có thể là những thủ lĩnh của sự thay đổi”.
(Bạn Ngô Linh Chi – Thành viên CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi)
Toạ đàm đã nhận được rất nhiều tương tác, câu hỏi và cả lời nhắn tích cực từ phía người xem, với những câu hỏi và bình luận liên quan đến những vấn đề hóc búa gây tranh cãi như Phụ nữ đi theo những lựa chọn của mình có các thách thức nào, Nam giới cũng có thách thức khi các khuôn mẫu gắn liên với việc phải mạnh mẽ, nam tính, làm ra nhiều tiền, Nam giới làm việc nhà làm thế nào để không bị coi là ẻo lả, ranh giới giữa sự khen tặng và quấy rối với phụ nữ, quan điểm “làm hoa cho người ta hái, là gái cho người ta trêu" cần phải thay đổi, v.v.
Đặc biệt, các diễn giả cũng tranh luận sôi nổi về câu hỏi của khán giả về quyết định thí điểm bộ môn nữ công gia chánh tại trường Trung học phổ thông Hai Bà Trưng, Huế gần đây khiến dư luận xôn xao liệu có kéo lùi các nỗ lực về bình đẳng giới, làm mạnh mẽ thêm định kiến giới khi phụ nữ gắn với làm việc nhà, nấu ăn, v.v. Với góc nhìn đa chiều nhiều thế hệ, nhưng các diễn giả cũng nhất trí rằng việc trong gia đình là việc chung, và các kỹ năng làm việc gia đình đều rất cần thiết cho bất kỳ giới nào, do đó, một môn học kỹ năng là cần thiết cho tất cả các giới, không chỉ là nữ hay nam. Môn học kỹ năng xã hội, kỹ năng gia đình nên được khuyến khích trong nhà trường, nhưng trước hết cần được đổi tên cho phù hợp, ví dụ Quản trị gia đình, cần tham khảo ý kiến, với sự tham gia của học sinh, nên là bộ môn được lựa chọn cho tất cả học sinh.
Xem lại chương trình tại đây:
https://www.facebook.com/www.msdvietnam.org/videos/114316513947858
————————————————–
Về Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)
Là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, MSD nỗ lực hành động vì một môi trường phát triển thuận lợi cho sự phát triển của khối các tổ chức xã hội và thúc đẩy việc thực hiện quyền của các nhóm cộng đồng bị lề hoá và dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật.
Chương trình Gia đình Việt của MSD tập trung vào các nỗ lực hỗ trợ quyền của trẻ em và gia đình về Giáo dục Quyền trẻ em, Quản trị quyền trẻ em, Giáo dục công dân toàn cầu, Công dân số, đại sứ bảo vệ môi trường Bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại, Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và thanh niên, v.v
Về Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet)
GBVNet là một tập hợp các tổ chức xã hội và cá nhân có cùng mối quan tâm và hoạt động nhằm xóa bỏ bạo lực giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.
Tiền thân của GBVNet là Mạng lưới Phòng, Chống Bạo lực Gia đình Việt Nam (DOVIPNET), được thành lập từ năm 2007. DOVIPNET đã tham gia tích cực vào quá trình soạn thảo và vận động cho việc ban hành Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình đồng thời thực hiện nhiều nghiên cứu và các chương trình can thiệp về bạo lực gia đình. Với thời gian, các thành viên của DOVIPNET không chỉ giới hạn hoạt động trong lĩnh vực bạo lực gia đình, mà còn quan tâm tới việc giải quyết vấn đề bạo lực giới tại Việt Nam, thực hiện nhiều chương trình liên quan tới các dạng thức khác nhau của bạo lực giới. Do vậy, các thành viên DOVIPNET đã đồng thuận đổi tên gọi mới của mạng là Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) để phản ánh đầy đủ hơn nội dung hoạt động của các thành viên trong mạng lưới và đáp ứng nhu cầu của thực tế xã hội.
Về Tổ chức Plan International
Tổ chức Plan International bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1954. Lúc bấy giờ, thông qua chương trình Bảo trợ, Plan International đã hỗ trợ cải thiện cuộc sống cho hàng nghìn gia đình tại khu vực miền Nam. Năm 1993, Plan International quay trở lại Việt Nam, chuyển sang hoạt động tại khu vực miền Bắc và miền Trung, ưu tiên cho các cộng đồng dân tộc thiểu số. Mục tiêu đến năm 2021, Plan International hành động để 2 triệu trẻ em gái từ 1.875 cộng đồng tại Việt Nam được học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển.
Các lĩnh vực can thiệp chính bao gồm: (1) Giáo dục chất lượng và hòa nhập; (2) Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em và dịch vụ y tế tại cộng đồng; (3) Tăng cường khả năng ứng phó trước thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu; (4) Môi trường an toàn, thân thiện và bền vững về kinh tế cho trẻ em và thanh niên nhập cư; (5) Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả hình thức bạo lực và xâm hại.
——————————————–
Liên hệ truyền thông:
(Ms) Chu Thu Hà – Cán bộ Điều phối Sự kiện và Truyền thông
Email: event.manager@msdvietnam.org
Điện thoại: 024 62769056 – 0852577220
Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD)
Địa chỉ: Tầng 6, Số 15 Yên Lãng, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Website: www.msdvietnam.org
Fanpage: https://www.facebook.com/www.msdvietnam.org