“Việc kiểm soát tin xấu, tin độc, phòng tránh rủi ro trên mạng muốn hiệu quả, cũng giống như việc thế giới đang tìm vắc-xin chống dịch COVID-19 vậy, trẻ cần có “vắc xin” để có thể tự ý thức, tự tạo kháng thể được cách sử dụng an toàn, biết điều gì xấu, điều nào tốt.” 

(Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em)

Sáng ngày 26.04.2020, Cục trẻ em – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) đã tổ chức buổi trò chuyện trực tuyến với chuyên gia về chủ đề “Đồng hành cùng con an toàn trên môi trường mạng.” Đây là buổi trò chuyện trực tuyến đầu tiên của chuỗi 7 buổi trò chuyện trực tuyến với chuyên gia trong khuôn khổ chiến dịch “Online Vui – Vùi COVID” do Cục trẻ em – Bộ LĐTB&XH, Mạng lưới Quản trị quyền trẻ em (CRG), MSD và các đối tác cùng thực hiện với sự hỗ trợ tài chính của Tổ chức Cứu trợ trẻ em và các thành viên CRG.

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia, khách mời bao gồm:

– Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐTB&XH;

– Ông Nguyễn Lâm Thanh – Giám đốc chính sách Tiktok Việt Nam;

– Bà Đỗ Thuỳ Dương – Người sáng lập nhóm Mẹ Hiện đại, Đại biểu HĐND TP.Hà Nội, Giám đốc Talent Pool;

– Ông Ngô Việt Khôi – Chuyên gia Đào tạo nhận thức an toàn thông tin;

– Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD, Chuyên gia Giáo dục công dân số;

Tham gia chương trình, các diễn giả đã cùng trò chuyện và chia sẻ về những cách thức để bố mẹ có thể đồng hành cùng con sử dụng Internet an toàn trong mùa đại dịch COVID 19. Sự kiện được phát sóng trực tuyến trên Fanpage Lan tỏa yêu thương với hơn 2.900 lượt theo dõi.

Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ: “Trong thời gian cách ly xã hội, tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã nhận được rất nhiều cuộc gọi phản ánh những nỗi lo lắng của phụ huynh, chúng tôi đã nắm bắt được mối quan tâm của gia đình. Tuy nhiên, cần công nhận rằng trẻ em cũng có quyền tiếp cận thông tin, và trong thời đại 4.0 thì Internet đã trở thành một phương tiện tuyệt vời và không thể thiếu. Vì thế phụ huynh, người làm giáo dục, hay những người làm chính sách đều cần có trách nhiệm phải chung tay tham gia để bảo vệ hệ sinh thái an toàn trên mạng. Việc kiểm soát tin xấu, tin độc, phòng tránh rủi ro trên mạng muốn hiệu quả, cũng giống như việc thế giới đang tìm vắc-xin chống dịch COVID-19 vậy, trẻ cần có “vắc xin” để có thể tự ý thức, tự tạo kháng thể được cách sử dụng an toàn, biết điều gì xấu, điều nào tốt.

Trong mỗi người chúng ta nên có 2 con người song hành: 1 người cha, người mẹ với sự hiểu biết, kinh nghiệm sống để có thể hướng dẫn, giúp đỡ con, và 1 người bạn trẻ trung, hồn nhiên để gần gũi, đồng hành cùng con. Đây là việc đòi hỏi sự kiên trì và cần thực hiện hàng ngày để trẻ tin tưởng rằng điều người lớn đang làm là tốt cho con. Cha mẹ không nên can thiệp và kiểm soát quá sâu mà hãy đi bên cạnh con và chỉ can thiệp khi con gặp nguy hiểm. Hãy để con tự đi, tự trải nghiệm và trưởng thành.”

(Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em)

Trên cương vị của một người mẹ, bà Đỗ Thùy Dương chia sẻ: “Đây là giai đoạn cuộc sống của hầu hết mọi người bị xáo trộn rất nhiều. Không chỉ các con mà ngay cả người lớn cũng khó kiểm soát thời lượng sử dụng Internet của chính mình. Chúng ta không thể mong muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo mà cần tìm cách thích ứng. Giữa con cái và bố mẹ không nên có sự đối đầu mà cần đối thoại với nhau để cùng duy trì những hành vi tốt. Hãy xác lập tâm thế rằng rủi ro có thể là “thầy", nguy hiểm có thể là “thầy”, thất bại có thể là “thầy”. Hãy để con trải nghiệm, còn mình hãy làm gương, thực hiện điều tích cực mỗi ngày.”

(Bà Đỗ Thuỳ Dương – Người sáng lập nhóm Mẹ Hiện đại, Đại biểu HĐND TP.Hà Nội, Giám đốc Talent Pool)

Ông Nguyễn Lâm Thanh đưa ra nhận định từ góc nhìn của người vận hành nền tảng mạng xã hội: “Chúng ta cần xác định rằng sẽ phải sống chung với Internet. Tuy nhiên, trẻ em có khả năng tự chủ và nhận định nguy cơ rủi ro thấp hơn so với người lớn, nên cha mẹ cần bình tĩnh hướng dẫn cho con, tự mỗi gia đình phải có những quy ước thỏa thuận về thời gian, nội dung, trang web mà con được xem.

Hiện nay, đa phần các nền tảng mạng xã hội, trong đó có Tiktok đều có những tính năng cho phép phụ huynh quản lý và nắm được các hoạt động của con. Đối với Tiktok Việt Nam, tính năng Family Pairing – Gia đình thông được ra mắt cho phép phụ huynh kết nối tài khoản TikTok của mình với con, đảm bảo việc con sử dụng TikTok đúng cách,an toàn, lành mạnh.”

(Ông Nguyễn Lâm Thanh – Giám đốc chính sách Tiktok)

Với kinh nghiệm nhiều năm đào tạo nhận thức an toàn mạng, ông Ngô Việt Khôi khẳng định: “Khoảng cách thế hệ giữa bố mẹ và con ngày càng lớn, không dễ để bố mẹ có thể đồng hành cùng con. Bố mẹ thường có xu hướng kiểm soát con, nhưng đa phần lại không biết đến những tính năng quản lý con qua Internet mà chỉ thông qua quan sát, kiểm tra một cách trực tiếp. Từ phụ huynh đến con cái – chúng ta đều là công dân số, vì vậy hãy hành xử, trau dồi kỹ năng, kiến thức giúp con bước vào thế giới số đi đúng hướng, trải nghiệm hữu ích.”

(Ông Ngô Việt Khôi – Chuyên gia an toàn thông tin)

Bên cạnh đó, rất nhiều câu hỏi đã được khán giả đặt ra như: làm thế nào để hướng dẫn con phân biệt những nội dung tốt – xấu, làm thế nào để giúp con tránh được việc trở thành nạn nhân của bắt nạt trên mạng, cách thức đưa ra những nguyên tắc, quy định việc sử dụng Internet,… đã được các chuyên gia giải đáp.

Khép lại buổi trò chuyện, Bà Nguyễn Phương Linh – Chuyên gia giáo dục công dân số – Viện trưởng MSD chia sẻ 5 điều bố mẹ nên nói với con về Internet:

(1) “Hôm nay ở trên mạng có gì hay không con?”– khởi đầu câu chuyện và xây dựng mối quan hệ giao tiếp gần gũi với con

(2) “Bố mẹ không phải là cảnh sát hay quan toà, bố mẹ ở đây để đồng hành và hỗ trợ con” – để cho trẻ biết rằng bố mẹ muốn làm bạn cùng con, và sẵn sàng hỗ trợ con khi cần thiết

(3) “Con có thể cùng chơi hay dạy bố/mẹ được không?” – Cùng nhau học tập và thảo luận các cách thức sử dụng internet thông minh và an toàn, tậ xử lý tình huống và tăng khả năng tư duy phản biện của cả gia đình

(4) “Chúng mình cùng thoả thuận nhé!” – Cùng nhau xây dựng các quy ước sử dụng Internet trong gia đình, với các quyền hạn trách nhiệm của cả con cái và cha mẹ. Cả gia đình cùng tôn trọng và thoả thuận với trẻ về cách thức đảm bảo an toàn khi sử dụng Internet tại nhà.

(5) “Chúng ta sẽ có cách giải quyết” – Hãy để con cái tin tưởng tìm đến cha mẹ đầu tiên khi con gặp phải những mối nguy hại trên môi trường mạng. Cha mẹ và con cái cũng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ, tư vấn từ Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoàn toàn miễn phí và 24/7.

(Bà Nguyễn Phương Linh – Chuyên gia giáo dục công dân số – Viện trưởng MSD)

Xem lại toàn bộ chương trình tại đây: Trò chuyện trực tuyến “Đồng hành cùng con an toàn trên môi trường mạng”

Buổi trò chuyện trực tuyến số 2 – tiếp theo trong khuôn khổ chiến dịch Online vui – Vùi Covid với chủ đề “Kiểm soát sao cho vừa?” diễn ra vào lúc 10 giờ sáng ngày 30.04.2020 trên Fanpage Lan tỏa yêu thương sẽ tiếp tục trao đổi, thảo luận thêm về những cách giúp bố mẹ có thể quan sát, đồng hành và giúp đỡ con trải nghiệm môi trường Internet an toàn và hiệu quả.

—————————— 

Chiến dịch truyền thông trực tuyến “Online vui – Vùi Covid” được thực hiện bới Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Cục Trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em (CRG) với sự hỗ trợ tài chính của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế và các thành viên mạng lưới CRG. Chiến dịch sẽ mang đến cho các bậc phụ huynh và trẻ em những lời khuyên hữu ích, những thử thách thú vị và những buổi trò chuyện trực tuyến cùng các chuyên gia để đồng hành cùng các gia đình đi qua thời gian dịch bệnh một cách an toàn và lành mạnh.

——————————- 

Liên hệ truyền thông:

Chu Thu Hà – Cán bộ sự kiện và truyền thông Email: event.manager@msdvietnam.org

Điện thoại: 0852577220

Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD)

Địa chỉ: Tầng 6, Số 15 Yên Lãng, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội Email: event.manager@msdvietnam.org Website: www.msdvietnam.org

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.