“Con yêu cha mẹ bằng trái tim, Cha mẹ đừng yêu con bằng đòn roi, mắng mỏ!”.
(Thông điệp của trẻ em)
Hà Nội, Ngày 10.11.2020, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp và Mạng lưới Quản trị Quyền trẻ em, với sự đồng hành của Cục Trẻ em, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng đội Thành phố Hồ Chí Minh, Thành đoàn thành phố Hà Nội, Hội đồng Đội thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo Tổng kết chiến dịch Lan toả yêu thương 2020 và đối thoại “Tiếng nói trẻ em và các bên liên quan trong thúc đẩy quyền trẻ em và chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em”. Sự kiện thuộc khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội về Quản trị quyền trẻ em” do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thuỵ Điển tài trợ.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và thu hút hơn 150 người tham dự. Về phía các cơ quan chuyên trách về công tác trẻ em có sự tham gia của đại diện Cục Trẻ em – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội trung ương, Thành Đoàn và Hội đồng Đội TP.Hà Nội,.. Bên cạnh đó còn có 35 đại diện trẻ em, đại diện các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế, nhà trường, phụ huynh, chuyên gia về trẻ em, các cơ quan thông tấn báo chí, và người quan tâm.
Phát biểu khai mạc Hội thảo và tổng kết chiến dịch Lan toả yêu thương 2020, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD chia sẻ: “Chiến dịch Lan toả yêu thương 2020 đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực với hàng nghìn người tiếp cận trực tiếp và hơn 200,000 lượt người tiếp cận trực tuyến. Số lượng có vẻ cao như vậy và chúng tôi đã làm chiến dịch này 4 năm nay, nhưng cảm thấy vẫn luôn chưa đủ. Trong tiến trình làm việc với trẻ em, chúng tôi vẫn luôn trăn trở khi lắng nghe những câu chuyện của các bạn nhỏ: “Bố mẹ lúc nào cũng bảo yêu con nhưng lại luôn đánh mắng con, sao yêu thương mà lại đau như vậy ạ?” Đa số cha mẹ nghĩ rằng khi con mắc lỗi cần trừng phạt bằng đánh mắng, bằng roi vọt để con không tái phạm. Nhưng những hành động bạo lực thể chất tinh thần ấy chỉ làm tổn thương trẻ, khiến con trẻ nghĩ rằng chúng ta muốn làm trẻ đau để trừng phạt, để chính bố mẹ cảm thấy dễ chịu. Chúng tôi mong các gia đình hãy nghĩ lại, tình yêu hay giáo dục không bao giờ đồng hành cùng đòn roi và mắng mỏ, hay nước mắt. Những thông điệp của chiến dịch như Không đánh con, Không quát mắng con, Lắng nghe tích cực, Đồng hành tìm giải pháp,… nghe rất hay nhưng thực hiện rất khó. Nhưng cũng như trẻ em phải học để lớn lên và trưởng thành, đôi khi qua những va vấp, là những bậc cha mẹ, thầy cô – những người mang sứ mệnh nuôi dưỡng thế hệ tiếp sau, chúng ta cũng cần HỌC và THAY ĐỔI.”
Thay mặt đơn vị đồng tổ chức chiến dịch Lan toả yêu thương, bà Bùi Lan Phương – Uỷ viên Ban thường vụ, Trưởng Ban công tác thiếu nhi, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội thành phố Hà Nội phát biểu: “Thành Đoàn và Hội đồng Đội thành phố rất vui khi được phối hợp với Viện MSD thực hiện chiến dịch Lan toả yêu thương 2020. Đây là một chiến dịch mang ý nghĩa nhân văn không chỉ với trẻ em mà còn với các bậc phụ huynh, giáo viên và cộng đồng. Đây cũng là cơ hội để các cấp chính quyền có thể lắng nghe nhiều hơn những ý kiến, nguyện vọng của trẻ , tiếp nhận và chuyển những ý kiến này lên các cấp cao hơn để tiếp tục duy trì có hiệu quả và nhân rộng những hoạt động thiết thực cho thiếu nhi thủ đô nói riêng và thiếu nhi cả nước nói chung.”
Đại diện nhà tài trợ, Bà Hoàng Thị Tây Ninh – Quản lý Chương trình Quản trị Quyền Trẻ em, Tổ chức Cứu trợ trẻ em phát biểu: “Qua nhiều năm phối hợp cùng Viện MSD cũng như Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em, chúng tôi rất vui mừng vì ngày càng có nhiều người biết đến chiến dịch, ngày càng có nhiều người quan tâm đến vấn đề chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ em, những thông điệp của chiến dịch ngày càng được lan toả rộng. Chúng tôi rất hi vọng rằng, những phương pháp giáo dục tích cực sẽ trở nên phổ biến và được áp dụng rộng rãi, thay thế cho những hình thức kỉ luật lạc hậu, xưa cũ.”
Tiếp nối chương trình là hoạt động đối thoại giữa các bên liên quan trong thúc đẩy quyền trẻ em và chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em. Tại phiên đối thoại, đại diện các cơ quan chuyên trách về trẻ em, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và đặc biệt là đại diện trẻ em đã cùng lên tiếng, đưa ra các thông điệp, quan điểm, cùng trao đổi nghiên cứu thực trạng, nguyên nhân, thách thức. Hội thảo đã ghi nhận nhiều giải pháp, đề xuất để tạo ra một môi trường an toàn, nơi trẻ em được sống và lớn lên trong hạnh phúc, nơi không có bạo lực, xâm hại, trừng phạt và được lên tiếng về những vấn đề của chính các em.
Điểm nhấn trong phiên đối thoại là Thông điệp mạnh mẽ từ trẻ em. 9 em thiếu nhi đại diện cho gần 90 trẻ em đại diện các trẻ em nòng cốt – Hội đồng trẻ em tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã tự tin chia sẻ Thông điệp với nguyên nhân, hậu quả của việc đánh mắng trẻ, đồng thời đưa ra các giải pháp và thông điệp: “Con yêu cha mẹ bằng trái tim, Cha mẹ đừng yêu con bằng đòn roi, mắng mỏ!”. Các em cũng thẳng thắn đưa ra các chất vấn cho các đại biểu tham dự đối thoại về các giải pháp chấm dứt trừng phạt tinh thần đã được thực hiện như thế nào. Một số các vấn đề các em phản ánh bao gồm:
– Hiện tại ở nhà trường vẫn còn hình thức trù dập học sinh thì việc này sẽ được giải quyết như thế nào? Thực tế, ở trường có các kênh phản hồi cho học sinh nhưng các kênh này chưa phát huy hiệu quả. Ví dụ, phòng tham vấn học sinh lại do các giáo viên kiêm nhiệm nên học sinh không thấy dễ chịu và tự tin để chia sẻ phản hồi về các vấn đề của mình.
– Ở nhà, bố mẹ vẫn trừng phạt con bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo áp lực cho con trong học tập, và nhân danh vì lợi ích của con để bắt con làm theo ý mình thì các con phải làm thế nào.
– Làm thế nào để việc truyền thông và giáo dục cho cha mẹ, thầy cô các phương pháp kỷ luật tích cực được rộng khắp. Nếu trẻ bị bạo lực, trẻ có thể phản ánh và kêu cứu bằng cách nào,…
Các em thể hiện các mong muốn tiếng nói của các em được các cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường, bố mẹ lắng nghe, thấu hiểu và cùng thảo luận với các em giải pháp “Chúng con mong muốn được lắng nghe và chia sẻ, trẻ em có thể mắc lỗi, nếu được nói chuyện, được khuyến khích, chúng con sẽ tự nhận ra và sửa chữa, cải thiện bản thân, nếu cứ đánh mắng trẻ em chúng con có thể chống đối và cố tình mắc lỗi”.
Phản hồi những thông điệp của trẻ em và Mạng lưới quản trị quyền trẻ em và các tổ chức xã hội, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em khẳng định: “Ý kiến của trẻ em và các tổ chức xã hội rất quan trọng để các chính sách, chương trình bảo vệ trẻ em thực chất, hiệu quả. Thực tế, tiến trình xây dựng các chương trình quốc gia năm 2021 – 2025 đều được xây dựng dựa trên khảo sát ý kiến của trẻ em với sự hỗ trợ cả chuyên môn lẫn thực hiện bởi các tổ chức xã hội. Nghe ý kiến của trẻ em và các tổ chức xã hội, chúng tôi thấy mình càng phải nỗ lực hơn nữa trong cả từ việc truyền thông, nâng cao nhận thức năng lực, can thiệp và hỗ trợ, bảo vệ trẻ em. Chúng ta cần kết nối tất cả các bên liên quan cùng chung một mục tiêu là để mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh”. Bà Nga cũng một lần nữa nhấn mạnh Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 không chỉ là kênh để các gia đình, nhà trường, trẻ em kêu gọi sự giúp đỡ khi bị bạo lực, xâm hại mà còn là kênh tư vấn giúp các bố mẹ, thầy cô, con cái cách thức đồng hành và vun đắp tình cảm, đối thoại, giáo dục bằng yêu thương.
(Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)
Ông Lê Hải Long – Phó Trưởng Ban Công Tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Là tổ chức đại diện và tiếng nói và nguyện vọng của trẻ em Việt Nam, chúng tôi đang và sẽ không ngừng nỗ lực trong việc tạo ra những cơ hội để trẻ em được trao đổi thẳng thắn những suy nghĩ và đề xuất những sáng kiến của mình. Chúng tôi mong muốn có được sự đồng hành của các tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường và đặc biệt là trẻ em để công tác này được thực hiện toàn diện và hiệu quả.”
(Ông Lê Hải Long – Phó Trưởng Ban Công Tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh)
Nhóm Quản trị quyền trẻ em đưa thêm các khuyến nghị, giải pháp trong vấn đề chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em, đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần ban hành các chính sách và hướng dẫn nhằm ngăn chặn các hành vi trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em ở nhà trường và trong cộng đồng, và đặc biệt là trong gia đình, đặc biệt là các hành vi như đánh, mắng, phạt không cho ăn, bắt quỳ, sỉ nhục, so sánh, v.v.. Cần thúc đẩy việc thi hành các điều luật hiện hành về cấm trừng phạt thể chất và tinh thần tại không gian trường học; Công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, xây dựng các mô hình Gia đình – Trường học an toàn, yêu thương cần được xây dựng, v.v. Các tổ chức xã hội sẵn sàng đồng hành cùng các cơ quan nhà nước trong tiến trình này vì lợi ích tốt nhất của trẻ.
Tiếp nối phiên đối thoại toàn thể là các tọa đàm chuyên môn: Cha mẹ bình dị phi thường – Giáo dục bằng yêu thương và Trường học hạnh phúc – Giáo dục bằng yêu thương. Các diễn giả tham dự toạ đàm đã giới thiệu các mô hình, chương trình như Mô hình Kỷ luật tích cực trong làm cha mẹ hàng ngày của Tổ chức Cứu trợ trẻ em, mô hình Gia đình Hoàn mỹ từ Tổ chức World Vision tại Việt Nam, mô hình trường học An toàn, mô hình Thủ lĩnh của sự thay đổi của tổ chức Plan International, v.v. và kinh nghiệm thực hiện cũng như trao đổi thêm để cùng nhau xây dựng những chương trình, hoạt động cho trẻ em nhằm phát huy sự tham gia của trẻ cũng như hướng đến những phương pháp giáo dục tích cực, chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ em.
“Lan tỏa yêu thương” là chiến dịch thường niên của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững được thực hiện từ năm 2017. Năm 2020 chiến dịch được phát động từ ngày 09.10.2020 đến ngày 10.11.2020 với chủ đề “Giáo dục bằng yêu thương” tập trung vào nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo, các bên liên quan và công chúng về loại bỏ những hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần đối với trẻ em; tạo môi trường an toàn và tích cực để trẻ bày tỏ ý kiến và cùng giải quyết những vấn đề có liên quan đến trẻ; thúc đẩy phương pháp giáo dục không bạo lực trong quá trình nuôi dạy trẻ.
Các hoạt động chính của chiến dịch bao gồm: tập huấn, đối thoại chính sách, sự kiện truyền thông ngoài trời, truyền thông trên mạng xã hội… Chiến dịch nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực các tổ chức xã hội trong quản trị quyền trẻ em" do tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển tài trợ.
…………………………….
Liên hệ truyền thông:
(Ms) Chu Thu Hà – Cán bộ Điều phối Sự kiện và Truyền thông
Email: event.manager@msdvietnam.org
Điện thoại: 024 62769056 – 0852577220
Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD)
Địa chỉ: Tầng 6, Số 15 Yên Lãng, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Website: www.msdvietnam.org
Fanpage MSD Vietnam: https://www.facebook.com/www.msdvietnam.org