CON XEM ẤN PHẨM KHIÊU DÂM
Việc xem hay truyền bá các ấn phẩm khiêu dâm là sai, theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế là ấn phẩm khiêu dâm có mặt ở khắp mọi nơi, đặc biệt đầy rẫy, lan tràn trên môi trường mạng.
Chính vì thế, chúng ta cũng không nên cho là lạ kỳ, kinh khủng nếu con bạn xem hoặc tiếp cận các ấn phẩm khiêu dâm. Độ tuổi trung bình trẻ có thể tò mò và tiếp cận các ấn phẩm khiêu dâm, theo nghiên cứu là 11 tuổi – độ tuổi trẻ có thể bắt đầu dậy thì. Vì là tuổi trung bình nên nếu trẻ bắt đầu tò mò sớm hơn, ở độ tuổi 9-10, chẳng hạn, hãy chấp nhận đó là việc tránh được thì tốt, còn nếu không tránh khỏi, đó là việc có thể hiểu được. Có nhiều lý do con tiếp xúc với các ấn phẩm, trang khiêu dâm: do con tự tìm kiếm, do bạn bè con gửi cho, do quảng cáo hiện lên khi con đang trên Internet,…
Thực ra, việc trẻ em, đặc biệt các em nam tìm kiếm và truyền tay nhau các ấn phẩm khiêu dâm không phải là chuyện mới đây trong thời đại Internet mà nếu ngược về thời học sinh của các cha mẹ cách đây hơn 20 – 30 năm chưa có Internet cũng đã xuất hiện tình trạng này rồi, các bạn có thể truyền nhau báo chí, hình ảnh hay truyện, v.v. Với Internet, tình hình này nghiêm trọng hơn vì Internet đưa các hoạt động kết nối, thông tin đến khắp mọi nơi và các trẻ em dễ tiếp cận hơn, dễ lưu truyền hơn.
Bất kể bạn biết được con mình xem phim khiêu dâm như thế nào – cho dù đó là tình cờ xem lịch sử duyệt web của con hoặc bắt gặp con xem phim khiêu dâm, bạn đều có thể có một số phản ứng tiêu cực – điều này có thể hiểu được. Việc chúng ta phản ứng thái quá như cáu giận, mắng mỏ, tịch thu thiết bị công nghệ, phá thiết bị công nghệ của con không dạy cho con bài học nào về các rủi ro và kỹ năng bảo vệ bản thân trên môi trường mạng cả. Việc mắng mỏ và tịch thu thiết bị của cha mẹ không giải quyết được gốc rễ vấn đề, chưa chắc đã chấm dứt tình trạng con xem các ấn phẩm khiêu dâm, mà thậm chí có thể có phản ứng ngược ảnh hưởng đến bạn và mối quan hệ sau này của bạn với con bạn. Con vẫn sẽ xem lén lút, xem từ máy của bản thân và bạn bè, xoá lịch sử trình duyệt, xem lén lút, hoặc có các cách tiếp cận khác nữa, không cởi mở chia sẻ với cha mẹ và đặc biệt nghiêm trọng nếu con gặp các vấn đề và rủi ro mà vì sợ bị mắng mỏ, trừng phạt từ cha mẹ nên không tìm kiếm sự trợ giúp của cha mẹ.
Làm cha mẹ trong thời đại số, chúng ta hãy nhớ 6 bí kíp sau[1]:
Giữ bình tĩnh
Sau khi bị phát hiện, con bạn có thể cảm thấy xấu hổ, khó chịu hoặc sợ hãi. Đây là điều mà mọi đứa trẻ sẽ cảm thấy, nhưng cách bạn phản ứng có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Thay vì khiến con bạn cảm thấy như chúng đã làm sai hoặc làm điều gì đó tồi tệ nghiêm trọng, hãy đảm bảo rằng bạn tiếp cận chúng một cách bình tĩnh. Điều này sẽ giúp họ cảm thấy thoải mái hơn khi cởi mở và lắng nghe. Hãy tạo cho con cảm giác bạn thông cảm và muốn cùng con thảo luận về vấn đề này, cảm ơn con đã dũng cảm cho bạn biết con đã xem phim khiêu dâm và chúng ta có thể cùng nhau phân tích và tìm giải pháp cho vấn đề này.
Nghiêm túc lắng nghe
Nếu con bạn vô tình xem được nội dung người lớn, hãy yêu cầu con cho bạn biết về cách con tìm thấy nội dung đó trên thiết bị của mình. Điều này sẽ giúp bạn biết cách cải thiện các biện pháp bảo mật.
Tìm hiểu xem con bạn đã xem phim khiêu dâm ở đâu, ai (nếu có) đã cho con bạn xem phim khiêu dâm nếu bạn bè của họ đã nói về điều đó và con bạn cảm thấy thế nào khi xem phim khiêu dâm. Hãy nhớ rằng, mục tiêu là cố gắng hiểu con bạn chứ không phải để điều tra, khiển trách hay phán xét con.
Đảm bảo với trẻ rằng trẻ sẽ không bị đánh mắng
Đừng đổ lỗi cho con bạn. Điều này sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ của bạn với con, làm giảm khả năng con tìm sự trợ giúp của bạn khi con bạn gặp phải những rắc rối trong tương lai. Đừng tịch thu ngay các thiết bị của con bạn vì chúng sẽ cảm thấy bị trừng phạt. Hãy bình tĩnh và cho con bạn biết chúng sẽ không bị đánh mắng.
Hãy nhớ rằng con bạn có thể khó chịu khi xem nội dung người lớn khi con chỉ tò mò. Con thậm chí có thể bị tổn thương bởi những hình ảnh khiêu dâm rõ ràng hơn bạn có thể tưởng tượng. Cha mẹ hãy thể hiện sự cảm thông, thừa nhận cảm giác khó chịu của trẻ khi nhìn thấy những điều này.
Một khi bạn và con bạn đã bình tĩnh và có thể nói chuyện thông suốt, đó là lúc để trò chuyện về phim khiêu dâm. Bạn không nhất thiết phải có cuộc trò chuyện này ngay sau khi phát hiện ra rằng con bạn đã xem nội dung khiêu dâm mà thay vào đó, hãy lồng ghép hài hòa nó vào những cuộc trò chuyện tiếp theo.
Nói về cảm xúc của con bạn
Tìm hiểu xem điều này có khiến con bạn cảm thấy tích cực, tiêu cực, an toàn, sợ hãi, khó chịu, tò mò hay điều gì khác không? Tất cả những cảm giác này là bình thường và trẻ em nên biết những cảm giác như vậy là ổn. Hầu hết trẻ em sẽ cảm thấy hỗn hợp giữa tò mò và ghê tởm.
Bạn cũng có thể sử dụng điều này như một cơ hội để dạy con mình về sự thân mật thực sự: rằng một mối quan hệ tôn trọng bao gồm cả tình dục khi cả hai đối tác đồng ý trước về những gì đang diễn ra và họ cảm thấy hài lòng với điều đó như thế nào. Bên cạnh đó, hãy nhấn mạnh với trẻ rằng những gì trẻ thấy trong phim khiêu dâm là không có thật.
Giáo dục về tình dục và mối quan hệ, đồng thời giải thích tại sao khiêu dâm lại gây hại cho trẻ em
Sau khi lắng nghe tâm sự của con, bạn cũng có thể chia sẻ với con những gì phù hợp và không phù hợp, nội dung khiêu dâm gây hại cho con như thế nào và dạy con những tác động tiêu cực của nội dung khiêu dâm như:
Nhân thể đó, hãy thẳng thắn và cởi mở chia sẻ cho con bài học về mối quan hệ và tình dục, được thực hiện dựa trên cơ sở tình yêu, sự tự nguyện, sự tôn trọng, sự an toàn giữa những người trưởng thành. Hãy sẵn lòng giải đáp các thắc mắc của con về vấn đề tình dục và mối quan hệ và cho con biết, con luôn có thể tìm kiếm câu trả lời từ cha mẹ.
Thống nhất với con về việc không nên xem các nội dung khiêu dâm
Hãy thống nhất với con, khiêu dâm là một nội dung không phù hợp với lứa tuổi của con, có hại cho con, thậm chí có hại cho người lớn đã trưởng thành, chính vì vậy con hay cả gia đình đều không nên xem. Để đảm bảo việc con có thể là nạn nhân bị vô tình xem do ai đó gửi hoặc quảng cáo, v.v. thì chúng ta có thể sử dụng các công cụ chặn lọc nội dung để giảm thiểu hàng tỷ nội dung độc hại này đến với con em mình, bảo vệ môi trường trực tuyến lành mạnh vốn có cho trẻ em.
[1] Tham khảo website: https://cyberpurify.com/knowledge/
Tác giả: Ths. Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)