MSD và báo chí

BUỔI CHIA SẺ DỮ LIỆU TỪ CỘNG ĐỒNG – SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI DÂN VỀ TIẾN TRÌNH ĐẠT ĐƯỢC CỦA CÁC MỤC TIÊU PTBV TẠI VIỆT NAM

             Ngày 16.12.2022, Đối tác Không để ai bị bỏ lại phía sau (Leave No One Behind Partnership – LNOB Vietnam) đã  thực hiện buổi chia sẻ trực tuyến  về chủ đề “Dữ liệu từ cộng đồng – Sự tham gia của người dân về tiến trình đạt được của các Mục tiêu Phát triển bền vững (PTBV) tại Việt Nam”.

              Buổi chia sẻ có sự tham gia của bà Nguyễn Thanh Nga, Vụ Khoa học Giáo dục, Tài nguyên thiên nhiên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; tiến sĩ Graham Long, Nhóm Living Deltas, Đại học Newcastle, Anh Quốc; tiến sĩ Vũ Ngọc Anh, Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Quốc gia (Anh Quốc); ông Nguyễn Toàn Thịnh, tư vấn độc lập; ông Peter Koblowsky, Quản lý Đối tác Cấp cao,  Đối tác LNOB Toàn cầu; bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý hát triển bền vững (MSD), Điều phối quốc gia LNOB Việt Nam và sự góp mặt của các thành viên LNOB Việt Nam và các đại diện các tổ chức và chuyên gia quan tâm.

Các đại biểu tham dự buổi chia sẻ

              Năm 2022,  Liên hợp quốc đã công bố Việt Nam là một trong 42 quốc gia trình bày Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2023. Từ tháng 07 năm nay, các tổ chức thành viên của đối tác LNOB đã tiến hành  thu thập dữ liệu đóng góp và phát triển báo cáo “Dữ liệu từ cộng đồng – Tiếng nói của người dân về tiến trình đạt được của các Mục tiêu PTBV tại Việt Nam” nhằm phản ánh tiếng nói, quan điểm của các nhóm dễ bị tổn thương về mức độ đạt được của một số chỉ tiêu trong các Mục tiêu PTBV số 1, 4, 5, 8, 13 và 16 tại Việt Nam. Sự kiện nhằm chia sẻ một số các kết quả khảo sát, kinh nghiệm thu thập dữ liệu ý kiến, góc nhìn của người dân về tiến độ và các kết quả việc thực hiện các Mục tiêu PTBV tại Việt Nam; đồng thời đưa ra các khuyến nghị đối với cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi chia sẻ, bà Nguyễn Phương Linh, Điều phối quốc gia LNOB Việt Nam nhận định: “Chúng ta vẫn nói đến các Mục tiêu PTBV và nguyên tắc “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chính vì thế, LNOB Việt Nam muốn chia sẻ về dữ liệu cộng đồng. Đây là một khái niệm mới và có thể có nhiều cái tên khác nhau, nhưng tựu chung, đây là tiếng nói của người dân phản ánh về tiến độ thực hiện các Mục tiêu PTBV ở các cấp độ khác nhau từ cộng đồng. Tiến trình này không thể thiếu và chính là một mục tiêu  để đảm bảo “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đây không phải là dữ liệu thay thế cho nguồn dữ liệu chính thức từ nhà nước mà đóng vai trò như một nguồn tham khảo cho các bên liên quan trong tiến trình ra quyết định, chính sách. Nếu dữ liệu nhà nước dựa trên cơ sở khoa học và là bức tranh tổng quan của tiến trình thực hiện các mục tiêu thì dữ liệu từ cộng đồng là các lát cắt của cuộc sống thể hiện mong muốn, quan điểm của người dân một cách chân thật nhất. Ngoài ra, dữ liệu cộng đồng sẽ thể hiện tiếng nói của các nhóm thiểu số, cân bằng hài hòa và phản ánh tiếng nói của các nhóm dễ bị tổn thương này và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Sự ghi nhận và lắng nghe của các bên liên quan như các cơ quan quản lý nhà nước, UN, các tổ chức xã hội, các đơn vị nghiên cứu, viện trường  vô cùng quan trọng việc giúp cho tiến trình dữ liệu cộng đồng tới được các tiến trình ra quyết định, chính sách, đảm bảo tiếng nói của người dân được lắng nghe và ghi nhận.”.

Thảo luận về kết quả của khảo sát, các chuyên gia đã đưa ra những góc nhìn khác nhau. Bà Nguyễn Thanh Nga, đại diện Bộ Kế hoạch đầu tư chia sẻ: “Kết quả khảo sát đa dạng và thú vị. Tôi chưa có điều kiện để đọc và nghiên cứu ký nhưng cũng được thực hiện công phu. Tôi đề nghị LNOB Việt Nam sẽ chia sẻ báo cáo này cho Ban soạn thảo báo cáo Tự nguyện Quốc gia, và chúng tôi có thể xem xét, đánh giá đưa vào vào báo cáo”.

Ông Nguyễn Văn Hoà, đại diện tổ chức World Vision chia sẻ: “Thực hiện khảo sát dữ liệu cộng đồng rất thách thức, khi có các nhóm dễ bị tổn thương khác nhau, ví dụ người dân tộc thiểu số không hiểu tiếng Kinh trong khi chúng ta khảo sát bằng tiếng Kinh, rồi còn trẻ em, người khuyết tật. Do đó, nỗ lực để khảo sát thân thiện là lấy được dữ liệu giá trị rất khó, nhưng dữ liệu này lại vô cùng quý. Ở cấp độ tổ chức, thông tin này cũng đã giúp cho tổ chức như Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam điều chỉnh chiến lược và ưu tiên để hỗ trợ các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương một cách hiệu quả”.

Ông Graham Long, Living Deltal Hub, Đại học Newcastle đồng ý với nhận định này và chia sẻ: “Các góc nhìn trong báo cáo rất đa dạng, thể hiện rất rõ các quan điểm của cộng đồng. Tôi đánh giá báo cáo này nếu được các bên liên quan sử dụng phù hợp, đúng cách sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các tiến trình ra các quyết định chính sách. Tiến trình này có thể được sử dụng cả ở cấp tổ chức, chính quyền địa phương hay trung ương.Suy cho cùng, phát triển bền vững là vì người dân, nên góc nhìn của người dân là không thể bỏ qua”.

Ông Peter Koblowsky, đại diện Mạng lưới Không ai bị bỏ lại phia sau toàn cầu nhận định: “Tôi chúc mừng Việt Nam là nước tiếp theo, chỉ sau vài nước như Nepal, Ấn Độ, Kenya đã phát triển báo cáo Dữ liệu cộng đồng – điều này thể hiện cam kết rõ ràng của việc Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ông cũng khuyến khích Việt Nam sớm có các hướng dẫn, cẩm nang để thu thập dữ liệu cộng đồng hiệu quả: “Cẩm nang này không chỉ được sử dụng bởi các tổ chức xã hội mà còn các tổ chức UN, cơ quan nhà nước, Tổng cục thống kê, và các viện trường, chính quyền địa phương, v.v. Có sự hợp tác và chia sẻ, Việt Nam hoàn toàn có thể hướng tới việc xây dựng hệ thống dữ liệu bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Các khách mời chia sẻ và phản hồi về kết quả nghiên cứu

Dữ liệu từ cộng đồng – Sự tham gia của người dân về tiến trình đạt được của các Mục tiêu PTBV tại Việt Nam

              Báo cáo đã xác định 6 phát hiện nổi bật liên quan đến sự tham gia của người dân về tiến trình đạt được của các Mục tiêu PTBV ở Việt Nam hiện nay và đến năm 2025 bao gồm:

  1. Sự khác biệt trong đánh giá mức độ đạt được của các Mục tiêu PTBV theo quan điểm của cộng đồng và dữ liệu chính thức của Nhà nước trong Báo cáo Quốc gia năm 2020 – Tiến độ 5 năm thực hiện các Mục tiêu PTBV. Các nhóm cộng đồng được khảo sát có xu hướng đánh giá thấp hơn về tiến độ và mức độ đạt được Mục tiêu PTBV.Ề Điều này không có nghĩa là mức độ đạt được của Viẹt Nam thấp hơn, là cách nhìn nhận của người dân có sự khác biệt với các dữ liệu chính thức của nhà nước và cần được xem xét dưới góc độ các nguyên nhân khác nhau.
  2. Chênh lệch giữa dự đoán về mức độ đạt được của các Mục tiêu PTBV năm 2025 giữa các nhóm cộng đồng khác nhau, giữa các vùng miền, cũng như giữa khu vực thành thị và nông thôn. Ở mốc thời gian hiện tại – năm 2022, trẻ em và phụ nữ là hai nhóm cho điểm cao nhất về tiến độ thực hiện các Mục tiêu PTBV, trong khi đó, về mức độ đạt được các Mục tiêu PTBV năm 2025, nhóm thanh niên và phụ nữ có dự đoán lạc quan nhất.
  3. Tất cả các nhóm cộng đồng khảo sát đều có đánh giá ở mức độ Trên trung bình đối với tiến độ thực hiện các Mục tiêu PTBV.Khi được hỏi về tình hình 3 năm tới, các nhóm đối tượng đều dự đoán mức tăng nhẹ; nhưng vẫn đủ để giúp Việt Nam đạt mức độ Hoàn thành tương đối hoặc Hoàn thành phần lớn các Mục tiêu PTBV vào năm 2030.
  4. Mục tiêu 1 và 8 được đánh giá có mức cải thiện thấp nhất vào năm 2022 nhưng được dự báo có mức độ cải thiện cao nhất vào năm 2025. Điều này được lý giải do hậu quả của COVID-19 gây ra suy thoái kinh tế và thất nghiệp trên diện rộng, vì vậy các mục tiêu về xoá đói giảm nghèo, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân có xu hướng dự đoán tình hình khả quan hơn. Mục tiêu 4 được đánh giá với mức độ cải thiện cao nhất vào năm 2022 và cũng được dự đoán có mức độ đạt được cao nhất vào năm 2025.
  5. Qua quá trình thảo luận nhóm, hầu hết các nhóm đều cho rằng Mục tiêu PTBV số 4 và 16 là quan trọng nhất – đây cũng là các mục tiêu liên quan mật thiết với cuộc sống hàng ngày của người dân. Trong khi đó, các Tổ chức xã hội cho rằng tất cả các Mục tiêu đều quan trọng như nhau. Điều này phản ánh góc nhìn và đánh giá khác nhau trong hướng tiếp cận của mỗi nhóm cộng đồng.
  6. Các nhóm cộng đồng tham gia đồng ý rằng thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc đạt được các Mục tiêu PTBV là các yếu tố bên ngoài thay vì các vấn đề nội bộ như cơ sở hạ tầng, phong tục tập quán, các hạn chế và lỗ hổng trong chính sách, suy thoái kinh tế hay các vấn đề hậu đại dịch COVID-19. Tất cả các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương tin rằng họ có thể đóng góp hiệu quả vào quá trình thực hiện, giám sát và đánh giá các Mục tiêu PTBV tại Việt Nam.

Với các phát hiện trên, LNOB Việt Nam đưa ra 1 số khuyến nghị chính như sau:

  1. Cải thiện môi trường chính sách thuận lợi để công nhận nguồn dữ liệu cộng đồng là dữ liệu cần thiết trong đánh giá tiến trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững; đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu này trong dài hạn.
  2. Tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức xã hội hợp tác với chính phủ trong thu thập và xử lý, quản lý dữ liệu cộng đồng. Việc này bao gồm các tập huấn – đào tạo, nâng cao năng lực cũng như tài trợ cho các tổ chức xã hội để thực hiện thu thập và quản lý dữ liệu. Ngoài ra, việc thúc đẩy các trao đổi – đối thoại giữa chính phủ và các tổ chức xã hội để lắng nghe và ghi nhận tiếng nói từ cộng đồng rất quan trọng.
  3. Xây dựng hệ thống dữ liệu cộng đồng về các Mục tiêu Phát triển Bền vững và đưa vào hệ thống dữ liệu hiện tại để thực hành việc thu thập dữ liệu cộng đồng một cách chính thức
  4. Đẩy mạnh hợp tác toàn diện để tạo điều kiện cho quá trình thu thập dữ liệu

Dự thảo tóm tắt của báo cáo xem tại đây

 


Liên hệ truyền thông:

Chu Thu Hà –  Quản lý Truyền thông và Sự kiện

Email: com.manager@msdvietnam.org

Điện thoại: 024.6276 9056 – 0852577220

Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

Địa chỉ: Phòng 1007, tòa 17T9, Hoàng Đạo Thúy, Thanh Xuân Hà Nội

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.