Báo cáo khảo sát “Tiếng nói Trẻ em Việt Nam” lần đầu tiên được Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (SC) thực hiện vào năm 2020, với những phản hồi tích cực từ các bên liên quan đặc biệt trong nỗ lực hướng đến thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em Việt Nam. Tiếp nối những nỗ lực này, kết hợp với các nhu cầu và bối cảnh hiện tại của việc thực hiện Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em và Luật Trẻ em năm 2016 tại Việt Nam, MSD và SC tiếp tục triển khai thực hiện Báo cáo khảo sát “Đánh giá sự tham gia của trẻ em”. Khảo sát được thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam gồm: Yên Bái, Hà Nội, Đà Nẵng, Kon Tum, TPHCM và Đồng Tháp trong thời gian từ tháng 12/2023 đến tháng 05/2024, với sự tham gia chia sẻ ý kiến từ 831 trẻ em, trong đó 50 có trẻ em khuyết tật và trẻ em LGBTQI+, cùng với phụ huynh, người chăm sóc và các bên liên quan gồm: cán bộ bảo vệ trẻ em các cấp tại địa phương, lãnh đạo cơ sở giáo dục, luật sư, phóng viên, lãnh đạo câu lạc bộ/đội/nhóm có sự tham gia của trẻ em.
Báo cáo “Đánh giá sự tham gia của trẻ em” nhằm mục tiêu cung cấp thông tin tổng quan về sự tham gia của trẻ em và việc thực thi quyền tham gia của trẻ em tại các môi trường vi mô như gia đình, trung mô như nhà trường, và vĩ mô như cộng đồng, và cả trên môi trường mạng. Kết quả khảo sát bao gồm các phát hiện, khuyến nghị và đề xuất của trẻ em trong khuôn khổ báo cáo này được kỳ vọng sẽ là cơ sở tham chiếu và nguồn dữ liệu để các bên liên quan, đặc biệt là các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, trường học, tổ chức xã hội và tổ chức quốc tế tham khảo, vận dụng trong quá trình xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách và chương trình thực hiện hiệu quả về quyền tham gia của trẻ em.
Để bảo vệ trẻ em và thực thi Quyền Trẻ em một cách toàn diện, việc lắng nghe ý kiến của trẻ em nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực và có ý nghĩa của trẻ em trong các vấn đề liên quan đến trẻ em cần phải được thực hiện nghiêm túc. Chúng tôi tin rằng việc cập nhật khảo sát về sự tham gia của trẻ em ở các quy mô từ vi mô đến vĩ mô, về các vấn đề liên quan trực tiếp và gián tiếp đến sự an toàn và phát triển của trẻ sẽ là cơ sở tham chiếu cho các hoạt động, giải pháp và can thiệp phù hợp ở những phạm vi, cấp độ và hình thức khác nhau hướng đến việc thực thi Quyền trẻ em hiệu quả, phù hợp với thực trạng phát triển xã hội trong bối cảnh hiện nay.
Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn trân trọng tới Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (SC) VÀ Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Hồng Kông đã hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho khảo sát này. Xin cảm ơn nhóm nghiên cứu TS. Vũ Văn Hiệu và các thành viên nhóm điều phối và nhóm khảo sát đã tích cực hỗ trợ thực hiện cuộc khảo sát này. Trân trọng cảm ơn các chuyên gia phản biện bao gồm TS. Nguyễn Hải Hữu, Th.S Nguyễn Hải Anh và Th.S Mai Đức Vũ đã đưa ra những góp ý và thông tin hữu ích trong quá trình hoàn thiện báo cáo. Xin cảm ơn TS. Nguyễn Hải Duy Nguyên đã thực hiện hiệu đính bản báo cáo tiếng Anh. Đặc biệt, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn tới Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu của các trường học, các tổ chức xã hội đã hỗ trợ tiếp cận trẻ em tại 6 tỉnh, thành phố và xin gửi lời cảm ơn trân trọng nhất tới 831 trẻ em đã tham gia khảo sát này.
Chi tiết nghiên cứu xem tại đây: Báo cáo Đánh giá sự tham gia của trẻ em Việt Nam