Hà Nội, Việt Nam, ngày 28 tháng 6 năm 2020 – Hưởng ứng Tháng Hành động Vì Trẻ em và Ngày Gia đình Việt Nam (28 tháng 6), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tổ chức World Vision Việt Nam (Tầm nhìn Thế giới Việt Nam) và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp tổ chức sự kiện Livestream – toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Cha mẹ bình dị phi thường” nhằm trang bị cho cha mẹ những kỹ năng làm cha mẹ tích cực, trách nhiệm, đồng thời đóng góp vào phong trào bảo vệ trẻ em trên cả nước. Diễn giả của toạ đàm bao gồm: Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục trẻ em, bà Trần Thu Huyền – Trưởng Đại diện, tổ chức World Vision Việt Nam, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện MSD, bố Sâu Lê Xuân Đức – Facebooker nổi tiếng với các ca khúc Bố con Sâu và đại diện cha mẹ – bà Đỗ Kim Phượng. Toạ đàm cũng có sự tham gia của các đại diện khác của Cục trẻ em, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, đại diện lãnh đạo các tổ chức, cha mẹ và các cơ quan truyền thông.
Tại sự kiện, các diễn giả đã chia sẻ góc nhìn, chuyên môn và kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực nuôi dạy con cái, qua đó khuyến khích cha mẹ, người chăm sóc trẻ áp dụng những kiến thức, kỹ năng giáo dục tích cực để con trẻ được lớn lên trong môi trường an toàn, tràn đầy tình yêu thương. Sự kiện cũng là cơ hội để tôn vinh những điều bình dị trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày của cha mẹ nhưng lại có tác động phi thường lên sự phát triển toàn diện của con cái.
Đại đa số người dân Việt Nam trong những năm gần đây đã có sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức, cụ thể là nhiều bậc cha mẹ đã rất nỗ lực tìm tòi, áp dụng những phương pháp giáo dục tiến bộ. Tuy nhiên, sự thay đổi nhận thức này vẫn chưa đủ và chưa đồng đều. Theo kết quả Điều tra cơ bản ban đầu của World Vision Việt Nam (2018) tại 37 huyện, thuộc 14 tỉnh thành phố – địa bàn hoạt động của tổ chức, trong 11.738 bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ tham gia khảo sát, 37.8% vẫn thường xuyên áp dụng các hình thức trừng phạt thân thể với con cái; trong 4.523 trẻ từ 12 đến 18 tuổi tham gia khảo sát, 33.2% đã chịu những hình thức bạo lực thân thể khác nhau trong trong 12 tháng trước đó. Ngoài ra, theo khảo sát Tiếng Nói trẻ em của MSD năm 2019 với hơn 1,700 trẻ em tại 7 tỉnh thành phố, hơn 80% trẻ em từng chứng kiến các bạn và/hoặc anh, chị, em của mình bị người lớn xử phạt khi mắc lỗi. Trong đó, 73,6% từng bị đánh mắng trong gia đình.
Nhiều bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ vẫn sử dụng bạo lực trong dạy dỗ con cái dựa trên các quan niệm cũ như “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" hay “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”. Những tư duy, quan niệm về giáo dục con cái không còn phù hợp này để lại những hậu quả lâu dài, đáng tiếc lên sự phát triển toàn diện của trẻ, bao gồm: thể chất, tâm lý tình cảm, nhận thức và giao tiếp xã hội. Ngoài ra, đó còn là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
“Đối với nhiều bậc cha mẹ, đòn roi vẫn được coi là cách nhanh và hiệu quả nhất để thay đổi và định hướng hành vi của con trẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đòn roi không những không giúp trẻ cư xử tốt hơn mà còn có những tác động tiêu cực lên mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, tạo rào cản tâm lý mà con trẻ thường rất khó vượt qua, khiến con trẻ ít tin tưởng và khó bày tỏ suy nghĩ hay thông tin của mình với cha mẹ. Điều này làm cho cha mẹ và con cái xa cách nhau hơn. Đáng quan ngại hơn nữa, bằng cách sử dụng lời lẽ nặng nề hay thường xuyên áp dụng các hình thức đánh đòn, cha mẹ đang vô thức khiến con trẻ tin rằng “đòn roi" là giải pháp hiệu quả trong nhiều tình huống và từ đó coi nhẹ lý lẽ, sự chia sẻ, và cảm thông. Nhiều nghiên cứu cho thấy những trẻ hay bị đánh đập thường khó kiềm chế nóng giận hơn, có kỹ năng giao tiếp xã hội kém hơn, từ đó có xu hướng giải quyết vấn đề bằng bạo lực”, bà Trần Thu Huyền, Trưởng Đại diện, tổ chức World Vision Việt Nam, chia sẻ tại sự kiện.
(Bà Trần Thu Huyền, Trưởng Đại diện, tổ chức World Vision Việt Nam)
Thông qua hàng loạt các tình huống thực tế, các chuyên gia phân tích và đưa ra cách áp dụng phương pháp giáo dục tích cực, thay thế mọi hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ. Quá trình lắng nghe và tương tác cùng các diễn giả đã truyền cảm hứng cho người xem để thực hành những kỹ năng làm cha mẹ tích cực, bắt đầu từ những điều nhỏ bé.
“Trẻ em thường học rất nhanh từ cha mẹ và những người lớn xung quanh. Do đó, cách hiệu quả nhất để dạy dỗ con là làm gương cho con thông qua những thái độ và hành động rất đơn giản được lặp đi lặp lại mỗi ngày để con hiểu và cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, ví dụ dành thời gian lắng nghe, chia sẻ cùng con. Những điều tưởng chừng bình dị như chúc con ngày mới, hỏi han con khi tan trường, khuyến khích động viên con cố gắng, khen ngợi khi con làm đúng, dành thời gian cùng con đọc sách – xem phim, đôi khi là chỉ lắng nghe con và xin lỗi con khi bố mẹ sai sẽ khiến con luôn thấy có bố mẹ ở bên nhưng vẫn độc lập, tự tin, có sức mạnh; Điều này tạo nền móng cho mối quan hệ tin yêu và khăng khít giữa cha mẹ và con cái”, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý bền vững phân tích.
(Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững)
“Tôi cảm thấy rất vui khi được tham dự sự kiện. Là một người cha, tôi luôn mong muốn được đồng hành cùng con để con được lớn lên trong tình yêu thương – là hành trang giúp con nuôi dưỡng tâm hồn khi trưởng thành. Tôi tin tưởng rằng những điều được chia sẻ và phân tích trong toạ đàm ngày hôm nay đã gợi mở cho tôi cũng như nhiều bậc cha mẹ cùng tham gia livestream những cách thức đơn giản nhưng vô cùng thú vị và ý nghĩa để nuôi dưỡng mối quan hệ với con cái trong hành trình làm cha mẹ tích cực”, anh Lê Xuân Đức – Facebooker Bố Con Sâu – phấn khởi ghi nhận.
(Anh Lê Xuân Đức – Facebooker Bố Con Sâu)
Sự kiện diễn ra sôi nổi với sự tương tác giữa cha mẹ và các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, buổi livestream cũng giúp giải đáp thắc mắc, giúp cha mẹ và người chăm sóc trẻ hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng và cách thức liên hệ tới Tổng đài Quốc gia về Bảo vệ Trẻ em 111.
“Tổng đài Quốc gia về Bảo vệ Trẻ em 111 là nơi mọi người dân có thể gọi đến để thông tin, thông báo, tố cáo, tố giác về tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em. Đây là cơ sở cho những can thiệp kịp thời và có hệ thống để bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực và xâm hại. Tổng đài vận hành dựa trên sự phối hợp ăn ý và hiệu quả giữa người dân, các cơ quan chức năng (công an) và chính quyền địa phương (UBND cấp xã, phường) để xác minh, từ đó cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em phù hợp nhất. Chính vì thế, tôi mong mỗi cha mẹ, người lớn và cả trẻ em, khi phát hiện bạo lực trong gia đình mình, hay hàng xóm, cộng đồng, nơi công cộng hãy là những người có trách nhiệm trong bảo vệ trẻ em: Hãy gọi điện ngay đến Tổng đài quốc gia về Bảo vệ Trẻ em 111, 24/7 và hoàn toàn miễn phí”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng, Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.
(Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng, Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)
“Trước đây tôi nghĩ lo cho con mình là đủ rồi, nhưng khi tham gia toạ đàm, tôi nhận ra mình có trách nhiệm với con mình và cũng có trách nhiệm với những người xung quanh. Khi chúng ta chứng kiến trẻ bị bạo lực, xâm hại bên nhà hàng xóm hay khu dân cư, đừng coi đó là chuyện nhà người khác, hãy can thiệp hoặc gọi điện tới Tổng đài quốc gia về Bảo vệ Trẻ em 111 để thông báo và được hướng dẫn, hỗ trợ. Bản thân mình, tôi cũng muốn chia sẻ nhiều hơn với các bố mẹ khác kinh nghiệm dạy con tích cực của mình, tạo nên Cộng đồng cha mẹ Giáo dục tích cực, nuôi dạy con bằng yêu thương”, chị Đỗ Kim Phượng – mẹ của 2 bé Ara và Fedex đại diện phụ huynh chia sẻ.
(Chị Đỗ Kim Phượng – mẹ của 2 bé Ara và Fedex đại diện phụ huynh)
Sự kiện livestream “Cha mẹ bình dị phi thường” nằm trong chuỗi hoạt động hợp tác giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, World Vision Việt Nam và Viện MSD nhằm truyền thông và nâng cao năng lực cho phương pháp Giáo dục tích cực dành cho cha mẹ và thầy cô giáo. Dự kiến, chuỗi các livestream dành cho cha mẹ và thầy cô sẽ được tổ chức thường xuyên trong thời gian tới để nhiều cha mẹ, thầy cô có thể tiếp cận được các kiến thức và kỹ năng hữu ích. Các cha mẹ và thầy cô có thể tham khảo tại trang Facebook Tổ chức World Vision Việt Nam, MSD Vietnam, Lan toả yêu thương, Tổng đài quốc gia về Bảo vệ trẻ em 111 và Tiktok VietFamily để không bỏ lỡ các kiến thức và các sự kiện hữu ích.
Cục trẻ em, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Tổ chức World Vision Việt Nam và Viện MSD cam kết đồng hành cùng cha mẹ và thầy cô trong quá trình nuôi dạy trẻ, giúp trẻ được lớn lên an toàn, hạnh phúc, và phát huy được hết những tố chất và tiềm năng của mình.
—————————
Về Tổ chức World Vision Việt Nam:
Tầm nhìn Thế giới là tổ chức nhân đạo Cơ đốc, thực hiện các chương trình cứu trợ, phát triển và vận động chính sách nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, đặc biệt là trẻ em ở vùng sâu vùng xa, sống trong hoàn cảnh nghèo khó. Tầm nhìn Thế giới giúp đỡ tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, dân tộc hay giới.
Tầm nhìn Thế giới có mặt ở Việt Nam từ năm 1988 với các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, sau đó chính thức mở văn phòng đại diện ở Hà Nội vào năm 1990. Từ năm 1990, Tầm nhìn Thế giới đã phối hợp với chính phủ và người dân Việt Nam, cùng các tổ chức phi chính phủ quốc tế khác thực hiện các chương trình cứu trợ, phát triển và vận động chính sách ở các cộng đồng còn đang gặp nhiều khó khăn. Các chương trình phát triển dài hạn của Tầm nhìn Thế giới đang được triển khai tại 37 huyện của 14 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Về Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD):
Là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, MSD nỗ lực hành động vì một môi trường phát triển thuận lợi cho sự phát triển của khối các tổ chức xã hội và thúc đẩy việc thực hiện quyền của các nhóm cộng đồng bị lề hoá và dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật.
Chương trình Gia đình Việt của MSD tập trung vào các nỗ lực hỗ trợ quyền của trẻ em và gia đình về Giáo dục Quyền trẻ em, Quản trị quyền trẻ em, Giáo dục công dân toàn cầu, Công dân số, đại sứ bảo vệ môi trường, Bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và thanh niên,…
————————-
Liên hệ truyền thông
Tổ chức Tầm nhìn Thế giới
Ngô Thu Trà | Cán bộ cấp cao về Truyền thông và Quan hệ báo chí (Email: ngo_thu_tra@wvi.org; Tel: +84 911 420 880)
MSD Việt Nam:
Chu Thu Hà | Cán bộ Điều phối Truyền thông và Sự kiện (Email: event.manager@msdvietnam.org – Tel: +84 852577220)