Vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong tại TP. Hồ Chí Minh gần đây đang dấy lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn bạo lực gia đình đối với trẻ em hiện nay đồng thời đây cũng là lúc để tất cả chúng ta cùng nhìn nhận lại vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Một thực tế đáng buồn là thủ phạm của các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em lại chính là người thân và những người bảo vệ, chăm sóc trẻ. Nguyên nhân chính khiến cho trẻ vẫn còn bị bạo hành bởi những người thân trong gia đình xuất phát từ quan niệm giáo dục con bằng bạo lực “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Họ nhầm lẫn giữa giáo dục và trừng phạt trẻ. Nhiều cha mẹ cũng lên án và phẫn nộ, nhưng rồi có khi cùng lúc đó, họ vẫn đánh mắng con mà không nhận ra mình đang thực hiện hành vi bạo lực – đó không phải dạy dỗ kỷ luật mà là hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ.
Chia sẻ về phương pháp giáo dục này, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) nói: “Nhiều người lớn, dù biết hành vi trừng phạt trẻ, bạo lực với trẻ là vi phạm pháp luật và để lại những hậu quả về thể chất và tinh thần với trẻ nhưng họ vẫn có những lý do để hợp lý hoá hành vi trừng phạt, từ đó cho rằng lợi ích của việc trừng phạt là lớn hơn như hiệu quả tức thì, trẻ tuân thủ kỷ luật ngay, đỡ mất thời gian giải thích, thảo luận đúng sai, hoặc cho rằng hành vi đó xuất phát từ động cơ giáo dục, từ tình thương và vì lợi ích của trẻ.” Bên cạnh đó, bà Linh cũng chia sẻ rằng mọi hành vi bạo lực, trừng phạt trẻ đều thể hiện sự thiếu tôn trọng trẻ, xâm phạm quyền được bảo vệ và ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất tinh thần của trẻ. Bản chất của hành vi bạo lực thường có xu hướng leo thang mà cha mẹ thường có thể không nhận ra.
Nguồn: VOV E-Magazine (xem tại đây)