MSD và báo chí

Nghị định 130/2021/NĐ-CP: Tăng cường tính răn đe và nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ nghiêm trọng và sự cần thiết phải phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực đối với trẻ em.

Những ngày qua, các phương tiện truyền thông, báo chí vẫn cập nhật liên tục thông tin về vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn tới tử vong ở TP.HCM gây bức xúc dư luận. Vụ việc trên cũng là hồi chuông cảnh báo về vấn nạn bạo hành trẻ em vẫn diễn ra trong cuộc sống hiện nay

Theo Nghị định 130/2021/NĐ-CP, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực trẻ em được quy định tại Mục 2, Chương II (từ Điều 21 đến Điều 36)  đều sẽ bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Bàn về hiệu quả thực tiễn của Nghị định trong việc phòng ngừa bạo lực với trẻ em và bảo vệ trẻ em, ThS. Nguyễn Hải Anh – Chuyên gia về Bảo vệ Quyền Trẻ em, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) chia sẻ:

“Ngày 30/12/2021 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, trong đó các vi phạm hành chính trong lĩnh vực trẻ em được quy định tại Mục 2, Chương II (từ Điều 21 đến Điều 36).

Ngoài các hành vi vi phạm đã được quy định trong Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em trước đây, chúng tôi nhận thấy Nghị định 130/2021 đã bổ sung thêm một số quy định mới để xử phạt các hành vi vi phạm quyền tham gia của trẻ em (Điều 27); công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em (Điều 31); vi phạm trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (Điều 36),… Đặc biệt, mức phạt cao nhất cho các hành vi vi phạm quy định về cấm bạo lực trẻ em tại Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP đã được tăng lên đến 20 triệu đồng, gấp đôi mức xử phạt quy định tại Khoản 2, Điều 27 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP (là từ 5 – 10 triệu đồng).

Những người làm công tác bảo vệ trẻ em như chúng tôi thực sự vui mừng khi Nghị định 130/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành với những sửa đổi, bổ sung cả về các hành vi vi phạm và mức xử phạt theo hướng tăng nặng, đặc biệt là trong bối cảnh dư luận xã hội đang lên án mạnh mẽ những hành vi bạo lực trẻ em mới xảy ra gần đây tại Tp. HCM, khiến một bé gái 8 tuổi bị thiệt mạng.

Chúng ta đều biết rằng các công cụ pháp lý như Nghị định 130/2021/NĐ-CP có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Việc nâng mức xử phạt lên cao như vậy sẽ tăng cường tính răn đe với người có hành vi vi phạm, đồng thời giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ nghiêm trọng và sự cần thiết phải phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực đối với trẻ em.

Để Nghị định 130/2021/NĐ-CP sớm đi vào cuộc sống thì các cơ quan chức năng cần sớm triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nghị định tới mọi người dân, đặc biệt là những phụ huynh, người chăm sóc trẻ; đồng thời áp dụng các quy định này để xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm. Có một thực tế nhiều người đều thừa nhận, đó là dù mức phạt có quy định cao đến mấy đi chăng nữa mà những hành vi vi phạm không được phát hiện và báo cáo với các cơ quan chức năng, hoặc có báo cáo nhưng chỉ được những người có thẩm quyền xử lý qua loa, đại khái, thì sẽ không phát huy được tác dụng. Thậm chí sẽ gây ra tâm lý “coi thường” pháp luật, cho rằng Nghị định chỉ quy định mức xử phạt “hình thức” vậy thôi, chứ thực tế thì không mấy ai bị xử phạt cả.

Ngoài ra, theo quan sát của chúng tôi thì rất nhiều phụ huynh, người chăm sóc trẻ hiện nay không nhận biết được đâu là hành vi bạo lực với trẻ em. Chẳng hạn, các hành vi như: dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em; đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật; chửi mắng trẻ… (quy định tại Khoản 1, Điều 22 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP) diễn ra khá phổ biến trên thực tế, nhưng lại được coi là những hành vi hết sức bình thường trong cuộc sống hàng ngày và được nhiều phụ huynh, người chăm sóc trẻ áp dụng như là một biện pháp giáo dục trẻ. Bởi vậy, chúng tôi thiết nghĩ các cơ quan chức năng không nên chỉ tuyên truyền về mức xử phạt mà nên mô tả rõ các hành vi vi phạm để mỗi người dân trong cộng đồng đều có thể nhận biết, phát hiện và báo cáo kịp thời với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc các hành vi này.

 

© 2019 Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam). Bảo lưu mọi quyền.