Hà Nội, ngày 28.10.2021 – Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em (CRG), Nhóm Công tác về quyền trẻ em (CRWG) và Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam (SNPO) tổ chức hội thảo “Hỗ trợ trẻ em trong đại dịch COVID 19 – Vì lợi ích tốt nhất của trẻ”, với sự hỗ trợ tài chính của Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children). Sự kiện nằm trong chuỗi Hội thảo “Tạo xu hướng – Dẫn dắt thay đổi 2021: Dấu ấn doanh nghiệp có trách nhiệm trong đại dịch Covid-19”.
Với mong muốn tạo không gian chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các doanh nghiệp phối kết hợp cùng các tổ chức xã hội và nhà nước trong chiến lược thúc đẩy các chương trình phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hỗ trợ đối tượng trẻ em và thanh niên trong bối cảnh đại dịch COVID 19, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp cùng các tổ chức đối tác thực hiện chuỗi Hội thảo “Tạo xu hướng – dẫn dắt thay đổi” 2021 với chủ đề “Dấu ấn doanh nghiệp có trách nhiệm trong đại dịch COVID 19”. Chuỗi hội thảo kỳ vọng sẽ thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, viện trường và đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, truyền thông để tạo nên các trao đổi hiệu quả tích cực và truyền cảm hứng.
Kể từ xuất hiện vào đầu năm 2019, đại dịch Covid-19 đã tạo nên những ảnh hưởng và tác động tới toàn thế giới trên mọi lĩnh vực: kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế,.. Đặc biệt, trẻ em vốn là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, nay lại các chịu những tác động nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch mang lại: bị hạn chế trong việc đến trường, các hoạt động vui chơi, giải trí, chịu ảnh hưởng từ những tổn thất về kinh tế, thậm chí chịu những tổn thương về tâm lý khi mất đi người thân Hội thảo “Hỗ trợ trẻ em trong đại dịch COVID 19 – Vì lợi ích tốt nhất của trẻ” là sự kiện mở đầu cho chuỗi Hội thảo này.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Vũ Thị Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá cao chuỗi các Hội thảo về chủ đề trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ trẻ em trong đại dịch Covid-19. Đây là một sáng kiến rất hữu ích, có ý nghĩa và kịp thời trong bối cảnh Việt Nam cũng như thế giới đang nỗ lực phòng chống dịch bệnh và đối mặt với nhiều thách thức. Là cơ quan chuyên trách về đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em, chúng tôi trân trọng cảm ơn sự chung tay, phối hợp và hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và toàn xã hội. Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, sự tham gia của các bên liên quan cũng vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sự hỗ trợ lâu dài cho các em.”
(Bà Vũ Thị Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)
Chia sẻ về thông điệp của Hội thảo, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD cho biết: “Trong những ngày tháng này, COVID đã để lại những ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới trẻ em, chúng ta lại càng thấy vai trò của tất cả các bên liên quan trong hỗ trợ trẻ em trong đại dịch COVID 19, và những nhu cầu phát sinh của trẻ em trong đại dịch hầu hết đều là các nhu cầu khẩn cấp hiện tại, đồng thời cũng đòi hỏi nhu cầu hỗ trợ lâu dài. Đó là các nhu cầu về an sinh xã hội, về học tập, về vui chơi, về sức khoẻ thể chất và tinh thần, v.v. và cả nhu cầu tổng thể tất cả các vấn đề trên đối với trẻ em mồ côi do đại dịch.
(Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD)
Ngoài các chính sách hỗ trợ rất kịp thời của nhà nước, chúng ta còn có sự chung tay hỗ trợ đến từ các bên liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp, nhưng cũng có những câu hỏi đặt ra như: (1) Liệu sự hỗ trợ ồ ạt tại thời điểm hiện tại, tuy rất đáng quý nhưng có lâu dài, có đáp ứng được đúng và hết các nhu cầu của trẻ? (2) Liệu mọi sự trợ giúp, tuy là good-will – là với tinh thần rất tốt, rất mong muốn hướng thiện nhưng đã hiệu quả nhất chưa? Có hiệu quả không? Có gây hại gì không? Có vì lợi ích tốt nhất của trẻ? Tôi nghĩ rằng, trong cảm xúc, và các hành động, việc dừng lại 1 chút để tư duy, suy nghĩ làm sao để sự hỗ trợ, vừa đúng vừa đủ, vừa kịp thời và vừa có chiến lược dài lâu, vừa vì lợi ích tốt nhất của trẻ có lẽ chính là điêu mà tất cả chúng ta nên trăn trở. Hội thảo ngày hôm nay để chia sẻ nỗ lực, thách thức và các bài học kinh nghiệm trong hỗ trợ trẻ em của tất cả các bên liên quan với một mong muốn duy nhất – vì lợi ích tốt nhất của trẻ.“
Bà Linh cũng chia sẻ công cụ Quyền trẻ em trong Nguyên tắc kinh doanh mà các Doanh nghiệp và các tổ chức có thể áp dụng trong việc bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là Nguyên tắc số 9 về Hỗ trợ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp.1
Đại diện Nhóm Công tác về quyền trẻ em, ông Lê Ngọc Bảo đưa ra khuyến nghị: “Sự đồng hành và hỗ trợ của các doanh nghiệp, mạnh thường quân tới trẻ em mồ côi nên được điều phối thật tốt để có thể hỗ trợ cho trẻ được chăm sóc trong môi trường gia đình. Những hỗ trợ này phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc của Công ước LHQ về Quyền trẻ em, Luật Trẻ em 2016 và các văn bản pháp lý khác có liên quan. Ngoài ra, sự hỗ trợ và đồng hành của các doanh nghiệp, mạnh thường quân trong việc nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em nói chung hoặc các chương trình tập huấn nâng cao năng lực cán bộ trẻ em, cán bộ công tác xã hội ở các địa phương cũng rất cần thiết. Chúng tôi cam kết Phối hợp và chia sẻ nguồn lực trong các hoạt động vận động chính sách, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các địa phương đặc biệt về nhân lực, kỹ thuật, kinh nghiệm và bài học từ các mô hình dự án, chương trình đào tạo giảng viên nguồn… nhằm điều phối tốt và hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em của Việt Nam.”
(Ông Lê Ngọc Bảo – Đại diện Nhóm Công tác về quyền trẻ em)
Hội thảo được tiếp nối với toạ đàm “Chung tay vì trẻ em – Vì lợi ích tốt nhất của trẻ em và gia đình”. Toạ đàm có sự tham gia của:
– Bà Vũ Thị Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
– Ông Lê Ngọc Bảo, Đồng chủ tịch Nhóm công tác về quyền trẻ em (CRWG)
– Bà Tô Thuỵ Diễm Quyên, Chuyên gia giáo dục, Nhà sáng lập, CEO InnEdu
– Ông Phạm Trường Sơn, Phó chủ tịch Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam (SNPO)
– Ông Hoàng Đức Minh, Giám đốc bộ phận gây quỹ – Ví điện tử MoMo
Và được điều phối bởi Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD.
Ông Phạm Trường Sơn chia sẻ về thực trạng và những hoạt động hỗ trợ trẻ em của Mạng lưới SNPO: “Qua quá trình khảo sát, tìm hiểu thực tế hoàn cảnh của trẻ em mà chúng tôi tiếp xúc, chúng tôi nhận định có 2 nhiệm vụ chính: Một là ứng phó khẩn cấp trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp diễn, hai là phục hồi sau đại dịch. Thực tế nhiệm vụ thứ 2 quan trọng và cần thiết hơn vì điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống lâu và tương lai của các em. Các tổ chức xã hội đã có nhiều cách thức, hoạt động để thực hiện nhiệm vụ này, có thể kể đến như: hỗ trợ tinh thần, tâm lý và vật chất cho trẻ em mồ côi, hỗ trợ nguồn sống, sinh kế cho gia đình. Chúng tôi ưu tiên hỗ trợ trẻ em tiếp tục sống với gia đình để được hưởng sự chăm sóc tốt nhất, khi gia đinh có nguồn thu nhập thì họ sẽ bảo vệ được trẻ em.”
(Ông Phạm Trường Sơn, Phó chủ tịch Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam (SNPO)
Là một nhà giáo dục, doanh nhân tích cực trong các hoạt động hỗ trợ trẻ em, bà Tô Thuỵ Diễm Quyên cho biết: “Chúng tôi mong muốn có thể nỗ lực biến những tổn thương của trẻ em thành động lực của chính các em. Và may mắn rằng trên chặng đường này, chúng tôi không cô đơn. Chúng tôi có 5 dự án trong cộng đồng để chạm đến tất cả nhu cầu của các em, để đảm bảo thành công và cuộc sống cho các con. Chúng ta không thể đem trẻ em thành món hàng chỉ để xin tiền hỗ trợ, đây không thể là phương án lâu dài. Nguyên tắc của thành công là chia sẻ, vì vậy tôi đề xuất Cục Trẻ em điều phối để thành lập mạng lưới các tổ chức xã hội để hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em và xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ các em.”
(Bà Tô Thuỵ Diễm Quyên, Chuyên gia giáo dục, Nhà sáng lập, CEO InnEdu)
Ông Hoàng Đức Minh chia sẻ về hoạt động trách nhiệm xã hội của Ví điện tử MoMo: “Gây quỹ thực hiện các dự án hỗ trợ cộng đồng là một mảng hoạt động được chú trọng tại Ví MoMo. Gần đây nhất, trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, MoMo đã thực hiện chiến dịch Việt Nam yêu thương hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi COVID19. Trong chiến dịch lần này, chúng tôi rất vui mừng khi có được sự đồng hành từ các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cộng đồng để phần nào mang lại sự hỗ trợ cho những người gặp khó khăn. Về hoạt động hỗ trợ lâu dài, MoMo có thể giúp kết nối giữa các dự án và cộng đồng, thời gian và mức quyên góp linh hoạt theo thời gian và hoạt động của dự án.”
(Ông Hoàng Đức Minh, Giám đốc bộ phận gây quỹ – Ví điện tử MoMo)
Về vấn đề vận động quyên góp, ông Minh nhấn mạnh: “Các nhà tài trợ hoặc cộng đồng nên tài trợ, đóng góp cho các tổ chức chuyên nghiệp, có tư cách pháp nhân hoặc nền tảng uy tín.”
Phản hồi ý kiến của các diễn giả và khán giả, bà Vũ Thị Kim Hoa bày tỏ: “Chúng tôi đã tổng hợp được rất nhiều thông tin của những cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ trẻ em trong đại dịch COVID19 và ghi nhận, cảm ơn mọi ý kiến đóng góp. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng mong muốn lắng nghe ý kiến của các bên liên quan để đưa ra những chính sách, biện pháp hỗ trợ trẻ em tức thì và các doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng đưa ra các chương trình để hỗ trợ trẻ em sớm nhất có thể. Một trong những chỉ đạo, nhiệm vụ quan trọng của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là hỗ trợ lâu dài cho trẻ em và gia đình để trẻ em được bảo vệ và được sống cùng gia đình, vì lợi ích tốt nhất của trẻ.”
Xem lại chương trình tại đây: https://www.facebook.com/www.msdvietnam.org/videos/150240880608745/
————————————
Chuỗi Hội thảo “Tạo xu hướng – dẫn dắt thay đổi 2021 – Dấu ấn doanh nghiệp có trách nhiệm trong đại dịch COVID 19 sẽ tiếp nối với các hội thảo:
– CRIB 2: ĐỊNH HƯỚNG VÀ TẠO VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG TRẺ TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID 19: 14.00 ngày 2.11.2021
– CRIB 3: QUẢNG CÁO KINH DOANH CÓ TRÁCH NHIỆM GIỚI VÀ TRUYỀN TẢI THÔNG ĐIỆP TÍCH CỰC CHO TRẺ EM VÀ THANH NIÊN: 14.00 ngày 09.11.2021
– CRIB 4: Sự kiện chính: TẠO XU HƯỚNG DẪN DẮT THAY ĐỔI – DẤU ẤN DOANH NGHIỆP CÓ TRÁCH NHIỆM TRONG ĐẠI DỊCH: 13.30 ngày 12.11.2021 Đăng kí tham dự tại đây: https://forms.office.com/r/9h5Zw3dTvB